✴️ Kỹ thuật thở có kháng trở

ĐẠI CƯƠNG

Thở có kháng trở là phương pháp tập luyện cơ hô hấp. Do nhân viên y tế tác động một lực kháng lên cơ hô hấp ở thì hít vào của người bệnh để giúp người bệnh tăng cường sức mạnh các cơ hô hấp.

 

CHỈ ĐỊNH

Các bệnh hô hấp, tim mạch mạn tính: COPD, các bệnh phổi kẽ, ung thư phế quản phổi, suy tim...

Các bệnh có hạn chế hô hấp: lao cột sống giai đoạn ổn định, tổn thương tủy sống giai đoạn ổn định, gù vẹo cột sống, tràn dịch - dày dính màng phổi, người bệnh xẹp phổi, mệt cơ hô hấp... 

Người bệnh sau phẫu thuật lồng ngực.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Có gãy hoặc rạn xương sườn mới.

Biến chứng chảy máu, tràn khí màng phổi sau phẫu thuật.

Ho ra máu đỏ tươi.

Người bệnh không hợp tác.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện:

Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng; kỹ thuật viên vật lý trị liệu/phục hồi chức năng; điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên y có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo về phục hồi chức năng.

Phương tiện:

Một số phương tiện tạo kháng trở: gối, túi cát

Người bệnh:

Giải thích mục đích kỹ thuật cho người bệnh hiểu để người bệnh yên tâm hợp tác.

Hồ sơ bệnh án:

Phiếu điều trị chuyên khoa vật lý trị liệu có chỉ định của bác sĩ.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tư thế người bệnh

Nằm trên giường bằng, có kê gối dưới đầu.

Kỹ thuật

Người thực hiện ngồi hoặc đứng phía bên lồng ngực cần tập luyện

Bước 1: Tay người thực hiện đặt vào vùng cần tác động trên thành ngực. Yêu cầu người bệnh hít sâu từ từ bằng mũi, đồng thời tay người thực hiện tác động một lực kháng lại một phần sự di chuyển của lồng ngực.

Bước 2:  Ở thì thở ra tay người thực hiện vẫn áp sát vào thành ngực đồng thời hướng dẫn người bệnh thở ra hết sức.

Nguyên tắc: lực tác động tùy theo thể trạng và khả năng của người bệnh. Tăng dần lực kháng sau mỗi lần tập.

Thời gian thực hiện: ngày 2 lần, mỗi lần trung bình khoảng 20 phút.

 

THEO DÕI

Khi tập luyện

Tình trạng toàn thân, sắc mặt, màu sắc da, nhịp thở, kiểu thở.

Di động của lồng ngực, khả năng hít vào của người bệnh, tình trạng đau ngực.

Sau khi tập

Tình trạng mệt mỏi, đau ngực do tập quá sức.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Trong khi tập:

Người bệnh có đau nhiều phần ngực có tác động hoặc đau ở vị trí có ống dẫn lưu. Cho người bệnh nghỉ tại chỗ và theo dõi tình trạng đau.

Sau khi tập:

Nếu đau kéo dài và tình trạng toàn thân của người bệnh có biểu hiện bất thường cần giảm cường độ tác động ở các lần sau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top