✴️ Sổ tay Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc- xin Covid- 19 (vero cell) bất hoạt của Sinopharm (P2)

Nội dung

Thực hiện tiêm vắc xin  

Bảo quản vắc xin trong buổi tiêm chủng: Vắc xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh (tủ lạnh/hòm lạnh/phích vắc xin) ở nhiệt độ từ +2 độ C đến +8 độ C. Không được để đông băng vắc xin. Tại bàn tiêm chủng bảo quản vắc xin trong phích vắc xin. Lọ vắc xin đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ.

Kiểm tra vắc xin 

Kiểm tra nhãn lọ vắc xin. Nếu không có nhãn phải hủy bỏ 

Kiểm tra hạn sử dụng lọ vắc xin. Nếu quá hạn sử dụng phải hủy bỏ 

Kiểm tra lọ vắc xin, hủy vắc xin nếu có thay đổi về màu sắc hoặc bất kỳ sự thay đổi bất thường nào khác.

Sử dụng 1 bơm kim tiêm vô trùng lấy đúng liều 0,5ml. 

Lưu ý: 

Lắc lọ vắc xin trước khi sử dụng.

Lọ vắc xin đóng 1 liều. Tiêm đúng liều 0,5ml.

Tiêm vắc xin: tiêm bắp, liều lượng 0,5ml

Đề nghị người được tiêm ngồi xuống. Lưu ý cán bộ y tế ngồi tránh trực diện với đối tượng tiêm chủng để phòng lây nhiễm SARS-CoV-2. 

Để lộ vùng vai và đặt cánh tay ra sau lưng hoặc chống tay vào hông. Cơ ở cánh tay sẽ được thả lỏng và khi tiêm sẽ đỡ đau hơn.

Cán bộ y tế đặt các ngón tay và ngón cái ở phần ngoài phía trên cánh tay của đối tượng tiêm chủng, bóp nhẹ vào cơ cánh tay của người được tiêm.

Hình 3 : Kỹ thuật tiêm bắp

Đâm nhanh và thẳng kim xuyên qua da giữa các ngón tay làm cữ của bạn. Đâm sâu vào bắp thẳng góc 90 độ.

Ấn pít tông bằng ngón cái đẩy vắc xin vào.

Rút kim nhanh, nếu nơi tiêm bị chảy máu sử dụng bông khô vô khuẩn ấn vào chỗ tiêm.

Ghi chép thông tin sau khi tiêm vắc xin: 

Ghi các thông tin (số liều, ngày tiêm) vào danh sách/phần mềm quản lý đối tượng được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tích hợp trên Hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia hoặc Ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử. 

Ghi đầy đủ các thông tin ngày tiêm, loại vắc xin vào Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 (Phụ lục 4) trả lại cho đối tượng tiêm chủng và hẹn lần tiêm chủng sau.

Kết thúc buổi tiêm chủng

Bảo quản những lọ vắc xin chưa mở trong hộp riêng trong dây chuyền lạnh  ở nhiệt độ từ +2 độ C đến +8 độ C, ưu tiên sử dụng trước trong buổi tiêm chủng sau. 

Những bơm kim tiêm chưa sử dụng bảo quản theo qui định để dùng lần sau.

Các lọ vắc xin đã mở không được sử dụng nữa và để trong túi/hộp đựng rác riêng.

Bỏ bơm tiêm và kim tiêm vào hộp an toàn ngay sau khi tiêm, hủy hộp an toàn sau khi đầy.

Quản lý chất thải y tế trong tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 theo qui định tại Văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý Môi trường Y tế.

Giám sát phản ứng sau tiêm chủng

Theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng.

Tại các điểm tiêm chủng cần phân công nhân viên y tế chịu trách nhiệm theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng sẵn sàng các phương tiện cấp cứu tại chỗ, hộp thuốc phòng chống sốc. 

Chuẩn bị sẵn 01 Bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp). Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml

Có sẵn phương án phân công cụ thể người hỗ trợ cấp cứu, đội cấp cứu lưu động, phương tiện vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết.

Yêu cầu đối tượng tiêm chủng ở lại theo dõi 30 phút để phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là các biểu hiện của phản ứng dị ứng.

Khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, thì cần:

Tạm dừng buổi tiêm chủng. 

Xử trí cấp cứu, trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.

Thống kê đầy đủ thông tin liên quan đến trường hợp tai biến nặng và báo cáo theo quy định.

Ghi nhận, báo cáo phản ứng sau tiêm chủng

Ghi nhận phản ứng sau tiêm chủng thông qua thông tin phản hồi từ đối tượng tiêm chủng hoặc khi đối tượng đến cơ sở tiêm chủng, khám chữa bệnh. 

Tổng hợp thực hiện báo cáo hàng ngày về số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng bao gồm phản ứng thông thường và các trường hợp tai biến nặng. 

Các trường hợp tai biến nặng sẽ được báo cáo và điều tra ngay trong vòng 24 giờ.

Thực hiện báo cáo “0” ngay cả không ghi nhận phản ứng sau tiêm chủng.

Thống kê, báo cáo

Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 được đưa vào triển khai tại Việt Nam, do vậy các địa phương cần quản lý hiệu quả việc triển khai theo từng đợt (Quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế) và theo từng loại vắc xin COVID-19. Để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, các đơn vị, địa phương sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch. Thông qua việc sử dụng Hệ thống quản lý Thông tin tiêm chủng Quốc gia (https://tiemchung.vncdc.gov.vn) hoặc Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (https://hssk.kcb.vn), các đơn vị triển khai thực hiện như sau:

Quản lý đối tượng tiêm chủng COVID-19

Nhập trực tiếp từng đối tượng tiêm chủng COVID-19 trên Hệ thống

Tải danh sách các đối tượng gồm có thông tin cá nhân, lịch sử tiêm chủng vắc xin COVID-19 lên Hệ thống thông qua tính năng Import trong mục quản lý đối tượng.

Lập kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho những đối tượng đã được quản lý trên Hệ thống

Thực hiện quy trình tiêm chủng 4 bước trên Hệ thống gồm: Đón tiếp → Khám sàng lọc → Tiêm chủng →Theo dõi sau tiêm.

Quản lý vắc xin, vật tư tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên Hệ thống

Báo cáo tiêm chủng COVID-19

Việc thực hiện báo cáo kết quả triển khai tiêm chủng văc xin phòng COVID-19 được triển khai từ khi đơn vị bắt đầu tiêm cho đến khi kết thúc đợt tiêm chủng, gồm các báo cáo sau:

Báo cáo hàng ngày: 

Tổng hợp báo cáo hàng ngày kết quả triển khai tiêm chủng (phụ lục 6)

Tổng hợp danh sách trường hợp tai biến nặng sau tiêm (phụ lục 7); 

Báo cáo kết thúc đợt tiêm: được thực hiện trong vòng 5 ngày sau khi kết thúc triển khai (phụ lục 8).

Các đơn vị thực hiện báo cáo tiêm chủng COVID-19 như sau:

Với các đơn vị triển khai tiêm chủng: Sử dụng tính năng Báo cáo tiêm chủng COVID để báo cáo Kết quả tiêm chủng hàng ngày và Danh sách các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Thực hiện báo cáo theo từng đơn vị, từng đợt triển khai (theo Quyết định của Bộ Y tế) và từng loại vắc xin triển khai.

Với các đơn vị không thực hiện tiêm chủng: Quản lý đối tượng tiêm (danh sách tại phụ lục 1) và Báo cáo kết thúc đợt tiêm chủng trong vòng 5 ngày sau ngày tiêm cuối (phụ lục 8).

Lưu ý với các đơn vị:  

Lựa chọn vào báo cáo đúng đợt triển khai tại đơn vị, tương ứng với Quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế đã ban hành.

Thực hiện đúng thời gian quy định việc nhập báo cáo hàng ngày trên Hệ thống:

Đối với đơn vị triển khai tiêm chủng (Tuyến xã, bệnh viện, cơ sở triển khai tiêm chủng...): Thực hiện rà soát và báo cáo trước 17 giờ 00.

Đối với tuyến quận/huyện (Trung tâm Y tế quận/huyện): Rà soát báo cáo của tuyến dưới, thực hiện gửi báo cáo trước 17 giờ 30.

Đối với tuyến tỉnh/thành phố (CDC tỉnh/TP): Rà soát báo cáo của tuyến dưới, thực hiện gửi báo cáo trước 18 giờ 00.

Văn phòng TCMR Khu vực (Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur): Rà soát báo cáo của các tuyến, thực hiện báo cáo trước 18 giờ 30.

Các đơn vị thực hiện báo cáo Tổng hợp kết quả tiêm vắc xin phòng COVID-19 sau khi kết thúc đợt tiêm chủng trong vòng 5 ngày cho Văn phòng TCMR Quốc gia và Khu vực (Phụ lục 8).

PHỤ LỤC

 PHỤ LỤC 9: 

Bảng kiểm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

(Theo phụ lục văn bản số 5488/BYT-KCB ngày 09/7/2021)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top