Ban hành kèm theo Quyết định số 4377 /QĐ-BYT ngày 11 tháng 09 năm 2021
NHIỆM VỤ 1: QUẢN LÝ, THEO DÕI, CHĂM SÓC NGƯỜI NHIỄM COVID-19 TẠI NHÀ VÀ TẠI CỘNG ĐỒNG
Đối tượng được cách ly theo dõi tại nhà
Những địa phương có số người nhiễm COVID-19 (sau đây gọi tắt là F0) quá nhiều, vượt khả năng thu dung của các cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung thì có thể triển khai việc cách ly, theo dõi, chăm sóc và điều trị F0 tại nhà. Người nhiễm COVID-19 có đủ các điều kiện sau đây được các cơ quan có trách nhiệm xem xét cho cách ly, theo dõi tại nhà:
Mức độ bệnh và đặc điểm của người nhiễm COVID-19
Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút).
Tuổi: Trên 12 tháng và dưới 50 tuổi.
Bệnh, thể trạng kèm theo: không có bệnh nền (Danh sách các bệnh nền xem ở Phụ lục 1).
Không đang mang thai.
Khả năng người nhiễm COVID-19 tự chăm sóc
Có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân.
Biết cách đo thân nhiệt.
Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…
Có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc (toa) của bác sỹ.
Nếu F0 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ người nhiễm thực hiện các tiêu chí tại mục này. Tuy nhiên nên hạn chế số lượng người chăm sóc.
Quản lý danh sách F0 cách ly tại nhà
Lập danh sách F0 cách ly tại nhà được giao quản lý theo mẫu tại Phụ lục 02.
Đánh giá người nhiễm COVID-19 theo các tiêu chí quy định của Bộ Y tế, xác định những trường hợp F0 được cách ly, theo dõi tại nhà.
Thường xuyên cập nhật danh sách F0 trên địa bàn được giao quản lý.
Hướng dẫn F0 hoặc thành viên gia đình chuẩn bị để cách ly F0 tại nhà
Lưu lại các số điện thoại: đường dây nóng phòng chống dịch; người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại khác có thể liên lạc khi cần thiết.
Hướng dẫn gia đình lựa chọn phòng riêng và nhà vệ sinh riêng cho người nhiễm COVID-19 sử dụng, hoặc lựa chọn vị trí phù hợp để phòng lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình.
Xác định một người trong gia đình phù hợp để chăm sóc F0 (nếu cần).
Chuẩn bị các vật dụng tối thiểu: Khẩu trang y tế dùng 1 lần (tối thiểu đủ dùng cho cả gia đình trong 2 tuần); găng tay y tế (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2 tuần); nhiệt kế, máy đo huyết áp; thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon để lót bên trong thùng.
Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho F0: bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.
Các thuốc đang sử dụng cho người trong gia đình: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày.
Các thuốc và đơn thuốc (toa) của bác sỹ đối với người nhiễm (nếu có).
Lưu ý: Khi một người trong gia đình nhiễm COVID-19, có nghĩa các thành viên khác trong gia đình cũng có thể đã nhiễm. Do đó, cần phải thực hiện cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Hướng dẫn F0 tự theo dõi sức khỏe tại nhà
Việc theo dõi sức khỏe F0 hàng ngày là rất cần thiết, nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp trở nặng để có xử trí và chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời. Theo dõi F0 tại nhà có thể thực hiện qua các cách sau:
F0 hoặc thành viên gia đình tự theo dõi sức khỏe cho F0 tại nhà.
Trạm y tế cấp xã hoặc trạm y tế lưu động theo dõi sức khỏe F0 tại nhà
Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng chăm sóc sức tại nhà.
Các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc thể nhẹ có thể tự theo dõi sức khỏe hàng ngày bằng cách điền đầy đủ thông tin vào Bảng theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Những dấu hiệu cần theo dõi hàng ngày:
Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa ô xy trong máu -SpO2 (nếu có thể đo) và huyết áp (nếu có thể đo).
Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo.
Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…
Khi thấy có một trong các dấu hiệu trở nặng thì liên hệ ngay với nhân viên y tế được phân công theo dõi sức khỏe của F0 hoặc trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu.
Ngoài hướng dẫn về theo dõi sức khỏe, trạm y tế lưu động có thể hướng dẫn thêm một số nội dung khác:
Hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người nhiễm COVID-19
Nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày;
Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước;
Không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…
Suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái. Tránh xem, đọc hoặc nghe những tin tức tiêu cực về dịch COVID-19 trên các mạng xã hội.
Hướng dẫn cách sử dụng nhiệt kế
Nên chuẩn bị 2 chiếc nhiệt kế: Một chiếc dùng cho người nhiễm, chiếc còn lại dùng cho những người khác.
Đo thân nhiệt người nhiễm ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường, ghi vào phiếu theo dõi sức khỏe.
Cách sử dụng nhiệt kế:
Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây và lau khô.
Sát trùng nhiệt kế bằng gạc tẩm cồn 70 độ trước và sau mỗi lần dùng.
Đối với nhiệt kế thủy ngân, vẩy xuôi nhiệt kế vài lần để mực thủy ngân xuống dưới mức 36,5oC trước khi đo.
Đối với nhiệt kế điện tử, làm theo hướng dẫn đi kèm nhiệt kế điện tử để đo và đọc nhiệt độ.
Trạm y tế lưu động trực tiếp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc và hướng dẫn điều trị F0 tại nhà
Trạm y tế lưu động chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của tất cả F0 trong danh sách hoặc khu vực được giao. Tùy số lượng F0 và nguồn nhân lực, trạm y tế lưu động tập trung ưu tiên khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe tại nhà cho các trường hợp F0 có dấu hiệu bệnh, có hiểu hiện hoặc có nguy cơ bệnh diễn biến nặng hơn.
Ghi chép, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người nhiễm COVID-19 hàng ngày và ghi vào các Phiếu theo dõi sức khỏe người nhiễm COVID-19 theo quy định hoặc phần mềm quản lý sức khoẻ người nhiễm COVID-19.
Tiếp nhận các cuộc gọi điện thoại và tư vấn cho người nhiễm COVID-19, người chăm sóc.
Đến nhà người nhiễm COVID-19 để hỗ trợ trực tiếp, trong các trường hợp: Người nhiễm COVID-19 có tình trạng cấp cứu cần xác định mức độ để có hướng xử trí phù hợp. Không nhận được báo cáo về tình trạng sức khoẻ của người nhiễm COVID- 19 và không liên lạc được với người nhiễm COVID-19 hoặc người chăm sóc.
Khám bệnh, kê đơn, xử trí điều trị triệu chứng tại nhà
Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Sốt:
Đối với người lớn: >38,5oC hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như Paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Đối với trẻ em: >38,5oC, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10- 15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, không quá 4 lần/ngày.
Ho: kê đơn dùng thuốc giảm ho thông thường.
Hướng dẫn F0 dùng thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virut (nếu có) theo quy định của Bộ Y tế.
Có thể dùng thêm các vitamin.
Hướng dẫn sử dụng túi thuốc an sinh mà F0 nhận được (nếu có).
Lưu ý: Tất cả các trường hợp F0 khám, theo dõi và điều trị tại nhà chỉ là các trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng. Các trường hợp tiên lượng nặng hoặc ca bệnh nhẹ ở người có các bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được chuyển điều trị tại các cơ sở y tế có buồng bệnh hồi sức tích cực.
Hướng dẫn cách ly và dự phòng lây nhiễm COVID-19 tại gia đình
Yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà:
Chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà, cam kết với chính quyền địa phương.
Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; không tiếp xúc với động vật nuôi trong nhà.
Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly.
Không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác.
Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày theo hướng dẫn tại Phụ lục 3.
Phân loại chất thải theo hướng dẫn.
Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly.
Yêu cầu đối với người ở cùng nhà:
Có cam kết với chính quyền địa phương theo mẫu và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly.
Không tiếp xúc gần với F0 cách ly tại nhà, không đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện Thông điệp 5K và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà.
Cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày riêng cho người cách ly.
Không cho người khác vào nhà trong suốt thời gian thực hiện cách ly y tế (trừ người ở cùng nhà, nhân viên y tế và người có thẩm quyền giám sát cách ly y tế).
Tự theo dõi sức khỏe; khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế.
Thu gom chất thải từ phòng cách ly theo hướng dẫn; thực hiện vệ sinh khử khuẩn nhà ở hàng ngày.
Tất cả người ở cùng nhà được lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi người cách ly bắt đầu cách ly (trừ người ở cùng nhà đã chuyển đi ở nơi khác), sắp xếp một khu vực trong nhà để nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm và giám sát y tế khi có yêu cầu.
Yêu cầu đối với cán bộ y tế:
Hàng ngày tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly. Hỗ trợ người cách ly đo thân nhiệt nếu người cách ly không tự đo được. Ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà theo quy định.
Hướng dẫn người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà thu gom chất thải theo hướng dẫn.
Báo cáo ngay cho y tế tuyến trên và chính quyền địa phương khi người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có biểu hiện mắc bệnh như sốt, ho, khó thở và các biểu hiện sức khỏe khác.
Nếu người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Hướng dẫn về hỗ trợ tâm lý cho F0 và thành viên gia đình
Căng thẳng tinh thần
Khi một người nhiễm COVID-19, các thành viên trong gia đình có thể thấy lo âu, căng thẳng.
Người nhiễm COVID-19 có thể gặp các tình trạng căng thẳng tinh thần như:
Sợ hãi và lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân.
Thay đổi thói quen ngủ, khó ngủ hoặc khó tập trung.
Ăn uống kém, chán ăn.
Các bệnh mạn tính trầm trọng hơn như bệnh dạ dày, tim mạch…
Các bệnh tâm thần có thể trầm trọng hơn.
Uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác nhiều hơn.
Rèn luyện sức khỏe, ứng phó với căng thẳng tinh thần
Người nhiễm COVID-19 ngoài chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe. Một số bài tập thở, vận động gồm: Hít thở sâu hoặc thực hành thiền; vận động tại giường; bài tập giãn cơ; bài tập thể lực tăng sức bền; tránh thức khuya; không sử dụng rượu/bia, thuốc lá, các loại thức ăn, đồ uống có chất kích thích.
Tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch COVID-19, nhất là trên các mạng xã hội: zalo, facebook, youtube, tiktok…
Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn; cố gắng thực hiện các hoạt động mà bản thân yêu thích.
Gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp.
Tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình COVID trên địa bàn
Tổng hợp và báo cáo các trường hợp nhiễm COVID-19 trên địa bàn đã khỏi bệnh và các trường hợp nhiễm COVID-19 hết thời gian cách ly tại nhà.
Báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình COVID-19 trên địa bàn phụ trách.
NHIỆM VỤ 2: XÉT NGHIỆM COVID-19
Đối tượng xét nghiệm
Với F0 cách ly tại nhà: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (Realtime RT PCR; hoặc Test nhanh kháng nguyên) cho người nhiễm COVID-19 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly.
Với người chăm sóc, người ở cùng nhà: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (Realtime RT PCR; hoặc Test nhanh kháng nguyên) định kỳ 3 ngày/lần cho đến khi kết thúc thời gian cách ly của hộ gia đình.
Với người dân trên địa bàn: Lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng, hội chứng cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng, cơ sở điều trị, các hiệu thuốc trên toàn địa bàn. Tùy theo tình hình dịch tại địa bàn, đánh giá dịch tễ để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại khu vực khoanh vùng dịch tễ. Lấy mẫu gộp theo hộ gia đình hoặc lấy mẫu đơn căn cứ theo tình hình dịch và hướng dẫn của cơ quan quản lý y tế cấp trên.
Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19
Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 chủ yếu bằng phương pháp ngoáy dịch tỵ hầu. Trong trường hợp không lấy được mẫu ngoáy dịch tỵ hầu thì có thể lấy mẫu ngoáy dịch họng hoặc ngoáy dịch mũi (cả hai bên mũi).
Lấy bệnh phẩm xét nghiệm tìm vật chất di truyền SARS-CoV-2 (xét nghiệm PCR)
Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu
Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, mặt hơi ngửa, trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.
Người lấy bệnh phẩm nghiêng đầu bệnh nhân ra sau khoảng 70 độ, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.
Tay kia đưa nhẹ nhàng que lấy mẫu vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.
Lưu ý: nếu chưa đạt được độ sâu như vậy mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra
Hình 1: Lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu
Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa.
Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra.
Đặt đầu que lấy mẫu vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển và bẻ cán que lấy mẫu tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển. Lưu ý: Que ngoáy dịch tỵ hầu sẽ được để chung vào ống môi trường chứa que lấy mẫu lấy dịch ngoáy họng nếu lấy cả hai loại.
Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).
Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.
Đưa que lấy mẫu vô trùng vào thẳng phía sau một bên mũi (không hướng lên trên), dọc theo sàn mũi tới khoang mũi hầu
Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch họng
Yêu cầu bệnh nhân há miệng to.
Dùng dụng cụ đè nhẹ nhàng lưỡi bệnh nhân.
Đưa que lấy mẫu vào vùng hầu họng, miết và xoay tròn nhẹ 3 đến 4 lần tại khu vực 2 bên vùng a-mi-đan và thành sau họng để lấy được dịch và tế bào vùng họng.
Sau khi lấy bệnh phẩm, que lấy mẫu được chuyển vào ống chứa 3ml môi trường vận chuyển (VTM hoặc UTM) để bảo quản. Lưu ý, đầu que lấy mẫu phải nằm ngập hoàn toàn trong môi trường vận chuyển, và nếu que lấy mẫu dài hơn ống đựng môi trường vận chuyển cần bẻ/cắt cán que lấy mẫu cho phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển.
Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).
Hình 2: Lấy mẫu dịch ngoáy họng
Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch mũi
Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.
Người lấy bệnh phẩm nghiêng nhẹ đầu bệnh nhân ra sau, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.
Tay kia đưa nhẹ nhàng que lấy mẫu vào mũi sâu khoảng 2 cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây. Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này đế lấy mẫu với mũi còn lại.
Đặt đầu que lấy mẫu vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển và bẻ cán que lấy mẫu tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển.
Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).
Hình 3: Lấy mẫu dịch ngoáy mũi
Bảo quản, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm tới phòng xét nghiệm đối với xét nghiệm tìm vật chất di truyền (xét nghiệm PCR)
Bảo quản
Bệnh phẩm sau khi thu thập được chuyển đến phòng xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất: Bệnh phẩm được bảo quản tại 2-8°C và chuyển tới phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, đảm bảo không quá 48 giờ sau khi thu thập. Nếu do điều kiện không thể chuyển mẫu trong vòng 48 giờ sau khi thu thập, mẫu phải được bảo quản âm 70°C.
Không bảo quản bệnh phẩm tại ngăn đá của tủ lạnh hoặc âm 20°C.
Đóng gói bệnh phẩm
Bệnh phẩm được đóng gói theo nguyên tắc 3 lớp được quy định theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế tại Thông tư 40/2018/TT-BYT ngày 07 tháng 12 năm 2018 quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm.
Kiểm tra thông tin trên ống mẫu bệnh phẩm với thông tin trên phiếu điều tra đảm bảo trùng khớp nhau.
Kiểm tra xem ống đựng mẫu bệnh phẩm đã được nắp chặt, bọc ống bằng giấy paraffin (nếu có) hoặc giấy thấm.
Đặt ống đựng mẫu bệnh phẩm trong túi chống thấm/ túi ni lông hoặc hộp đựng có nắp và đóng kín.
Đặt túi/hộp chứa ống đựng mẫu bệnh phẩm vào phích lạnh bảo quản mẫu hoặc thùng cứng.
Bổ sung đủ túi/bình tích lạnh vào trong phích/thùng đựng mẫu để mẫu được bảo quản ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C, trong suốt quá trình vận chuyển mẫu.
Đối với mẫu đông, bổ sung đủ túi/bình tích lạnh đã được đặt trong tủ âm 70oC để mẫu không bị tan băng trong suốt quá trình vận chuyển.
Các phiếu yêu cầu xét nghiệm được đặt trong túi chống thấm/túi ni lông khác (không để chung phiếu với mẫu bệnh phẩm) và đặt trong phích lạnh/thùng đựng mẫu, bên ngoài có dán nhãn theo quy định tại Thông tư 40/2018/TT-BYT khi vận chuyển.
Vận chuyển bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm
Mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản trong nhiệt độ từ +2oC đến + 8oC (hoặc tại âm 70oC nếu là mẫu đông) trong suốt quá trình vận chuyển.
Phiếu yêu cầu xét nghiệm và phiếu điều tra phải được gửi kèm với mẫu bệnh phẩm.
Các cơ sở gửi mẫu cần thông báo ngay cho phòng xét nghiệm khoảng thời gian
dự kiến phòng xét nghiệm sẽ nhận được bệnh phẩm để cán bộ phòng xét nghiệm có thể chuẩn bị cho việc nhận mẫu.
Lựa chọn các phương tiện, hình thức vận chuyển để đảm bảo thời gian vận chuyển ngắn nhất, trong khi vẫn phải đảm bảo điều kiện bảo quản mẫu trong suốt quá trình vận chuyển.
Xem tiếp: Sổ tay hướng dẫn triển khai nhiệm vụ của Trạm Y tế lưu động (P2)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh