✴️ Nguyên nhân bị khô cổ họng khi ngủ

Đa số các trường hợp cảm thấy cổ họng bị khô khi ngủ là do những bệnh thường gặp không đáng ngại hoặc những thói quen cần được điều chỉnh cho khoa học hơn.

1. Cơ thể bị thiếu nước

Bạn có thể dễ dàng bị khô cổ họng khi ngủ nếu uống quá ít nước vào ngày hôm trước hoặc uống không đủ nước để bù lại lượng nước bài tiết ra suốt đêm qua nước tiểu. Tình trạng thiếu nước làm giảm lượng nước bọt được sản xuất và tiết ra, dẫn đến khô miệng, khô cổ họng về đêm.

2. Sử dụng các chất kích thích thường xuyên và trước giờ ngủ

Thói quen uống rượu bia trước khi ngủ làm cho cơ thể tăng bài tiết nước tiểu, đồng thời trực tiếp làm khô niêm mạc miệng, cổ họng. Không chỉ có cảm giác cổ họng bị khô khát nước khi ngủ, tình trạng thiếu nước và tác động của cồn lên hệ thần kinh còn làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi vào sáng hôm sau.

Khi hút thuốc lá trong thời gian dài, nicotin cùng nhiều chất độc hại khác sẽ làm giảm đáng kể tốc độ tiết nước bọt, cũng như gây ra nhiều vấn đề về răng miệng như sâu chân răng, hôi miệng, viêm nướu, viêm nha chu…

3. Những vấn đề sức khỏe làm cho bạn bị khô cổ họng khi ngủ

Thở bằng miệng khi ngủ

Chỉ có một số ít người thở bằng miệng như một thói quen. Bạn thường sẽ cảm thấy cổ họng bị khô khi ngủ dậy sau một đêm phải thở bằng miệng vì đường thở qua mũi bị cản trở, có thể là do đang mắc một trong những bệnh hô hấp không đáng ngại như cảm, cúm, viêm mũi dị ứng.

Tình trạng bị khô họng do thở bằng miệng cũng có thể xảy ra do dị hình bên trong mũi như lệch vách ngăn mũi và polyp mũi.

Một nguyên nhân thở bằng miệng khi ngủ khác thường gặp ở người trung và cao tuổi là ngáy ngủ và chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Người bệnh thường không tự ý thức được tình trạng này, chỉ cảm thấy bị khô cổ họng về đêm hay khô cổ họng khi ngủ dậy kèm theo cảm giác uể oải, mệt mỏi do suốt đêm ngủ không sâu giấc.

Viêm họng

Cảm giác bị cổ họng bị khô khi ngủ dậy có thể là dấu hiệu sớm của các bệnh viêm họng do virus, vi khuẩn, viêm amidan, viêm AV… Nếu bệnh tiến triển, bạn sẽ thấy cảm giác khô rát tăng lên và có thể kèm triệu chứng đau cổ họng. Bạn cần đi khám nếu có các triệu chứng nặng như họng, amidan đỏ, sưng, sốt, có các vết loét…

Do điều trị bệnh

Tình trạng giảm tiết nước bọt và khô miệng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, các thuốc chống trầm cảm, lo âu, một vài loại thuốc trị dị ứng…

Người bệnh ung thư đang được xạ trị hoặc hóa trị cũng có thể bị khô miệng tạm thời hoặc lâu dài, do các tuyến nước bọt bị ảnh hưởng.

Bệnh mạn tính

Một số bệnh mạn tính sau đây có thể làm cho người bệnh thường xuyên bị khô cổ họng khi ngủ dậy:

  • Trào ngược dạ dày thực quản: axit trào ngược gây khô rát họng, nhất là trong giấc ngủ vì các cơn trào ngược dễ xuất hiện hơn khi nằm.
  • Đái tháo đường: khô miệng thường xảy ra khi đường huyết cao.
  • Đột quỵ: làm ảnh hưởng đến vùng não điều khiển việc tiết nước bọt.
  • Alzheimer: người bệnh có thể uống không đủ nước do cảm nhận cơn khát kém. Khô miệng cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc điều trị suy giảm trí nhớ.
  • Hội chứng Sjogren: đây là một bệnh tự miễn tấn công các tuyến nước bọt và tuyến lệ, làm giảm tiết nước bọt và gây khô miệng.
  • HIV và thuốc điều trị HIV: làm giảm hoạt động của tuyến nước bọt, gây khô miệng.

Tuổi tác

Tuổi tác không trực tiếp gây ra tình trạng khô miệng. Thế nhưng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và chịu tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh này tăng theo tuổi tác. Do đó, người lớn tuổi cũng thường gặp phải tình trạng cổ họng bị khô khi ngủ.

Có thể thấy nguyên nhân gây khô miệng ở mỗi người, mỗi thời điểm không hề giống nhau. Biện pháp cải thiện do đó cũng phụ thuộc vào thực tế của bạn.

1. Uống đủ nước

Bạn cần uống đủ nước để tránh bị khô cổ họng khi ngủ. Một người cần uống từ 1.5 đến 2.5 lít nước mỗi ngày tùy thuộc vào cân nặng cũng như hoạt động của cơ thể. Bạn cũng nên tiếp nhận nước bằng cách ăn nhiều trái cây và rau xanh để được bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất.

Thói quen uống đủ nước cũng là một cách để phòng ngừa và cải thiện triệu chứng đối với các bệnh đường hô hấp thường gặp.

2. Tránh các thức uống khử nước vào buổi tối

Bạn không nên uống các thức uống chứa cồn (bia, rượu) hoặc các thức uống chứa caffeine (trà, cà phê) gần giờ ngủ để tránh bị khô cổ họng khi ngủ và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

3. Giảm nhẹ triệu chứng đối với bệnh đường hô hấp thông thường

Nếu bị khô cổ họng khi ngủ do cảm, cúm, viêm mũi dị ứng và viêm họng nhẹ, bạn không cần lo lắng vì những bệnh này sẽ tự biến mất sau một vài ngày. Tuy vậy nếu gặp quá nhiều cảm giác khó chịu, bạn có thể áp dụng các cách sau:

  • Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muỗi loãng tự pha đảm bảo vệ sinh. Nước muối rất hiệu quả trong việc làm dịu, giữ ẩm niêm mạc, rửa trôi chất nhầy gây tắc nghẽn đường thở đồng thời giảm bớt lượng virus, vi khuẩn khu trú trong mũi và họng.
  • Uống thuốc kháng viêm không steroid để giảm viêm, sưng, nghẹt mũi và giảm các khó chịu ở cổ họng.
  • Dùng thuốc xịt mũi để thông mũi.
  • Dùng viên ngậm viêm họng để làm ẩm họng, giảm cảm giác khó chịu.
  • Uống thức uống ấm như trà hoa cúc, trà mật ong giúp mang lại cảm giác dễ chịu.

Khuyến khích súc họng bằng nước muối ngay khi cảm giác khô rát cổ họng mới xuất hiện để hạn chế triệu chứng này nặng hơn.

4. Khắc phục khô họng do bệnh nền mạn tính và thuốc điều trị

Bạn có thể yêu cầu bác sĩ điều chỉnh loại thuốc đang sử dụng hoặc kê thêm thuốc uống, nước súc miệng kích thích tiết nước bọt nếu việc điều trị kéo dài.

Nhai kẹo sing-gum và ngậm kẹo không đường cũng là những cách đơn giản để kích thích tiết nước bọt và bảo vệ răng khỏi bị sâu do khô miệng.

5. Điều trị tắc nghẽn đường thở

Những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng cổ họng bị khô khi ngủ như viêm xoang, dị hình trong mũi, ngủ ngáy, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ… cần được điều trị. Mục đích không chỉ để cải thiện giấc ngủ, mà còn giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài, tránh phát sinh các hậu quả khác về tim mạch, huyết áp, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…

6. Sắp xếp không gian phòng ngủ

Bạn có thể điều chỉnh lại không gian phòng ngủ bằng những cách sau để tránh bị khô cổ họng khi ngủ:

  • Đặt máy tạo độ ẩm hoặc một chậu nước nhỏ trong phòng nếu dùng máy lạnh hoặc vào những ngày thời tiết hanh khô.
  • Vệ sinh phòng ngủ đảm bảo không khí lưu thông tốt, tránh ẩm mốc, vi khuẩn sinh sôi.
  • Nếu bạn có cơ địa nhạy cảm với bụi, phấn hoa, lông thú cưng… cần làm sạch phòng ngủ thường xuyên, đóng kín cửa sổ khi ngủ để các tác nhân này theo không khí bay vào gây kích ứng.
  • Thay đổi loại nước lau sàn, xà phòng, nước xả vải… nếu những sản phẩm này là nguyên nhân gây viêm mũi, viêm họng dị ứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top