✴️ Quy trình chạy thận thế nào?

Chạy thận nhân tạo là gì?

Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bằng một loại máy nhằm điều trị bệnh suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận cấp (thường do ngộ độc) khi thận đã mất gần hết hoặc mất hoàn toàn chức năng.

Khi bắt đầu điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo, y tá hoặc kỹ thuật viên lọc máu sẽ đặt hai cây kim vào cánh tay của người bệnh. Mỗi kim được gắn vào một ống mềm nối với máy lọc máu. Máy lọc máu sẽ bơm máu qua bộ lọc và đưa máu trở lại cơ thể người bệnh. Trong quá trình này, máy lọc máu sẽ kiểm tra huyết áp, đồng thời kiểm soát mức độ nhanh của máu chảy qua bộ lọc cũng như lượng chất lỏng được loại bỏ khỏi cơ thể.

Bộ lọc có hai phần, một phần cho máu, một phần cho dịch lọc và chúng được ngăn cách với nhau bởi một lớp màng mỏng. Lớp màng này sẽ giữ lại các tế bào máu, protein và những chất quan trọng khác đồng thời loại bỏ các chất thải như urê, creatinine, kali và chất lỏng thừa ra khỏi máu.

Quy trình chạy thận nhân tạo

Tiếp cận mạch máu là cách để chạy thận nhân tạo. Theo đó, trước khi chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ được làm phẫu thuật nối thông động tĩnh mạch nhằm tăng lưu thông máu đến máy chạy thận và dòng chảy từ máy trở lại cơ thể.

Có 3 phương pháp tiếp cận mạch máu như sau:

1. Lỗ rò động tĩnh mạch (FAV)

Một lỗ rò AV được tạo ra bằng cách nối động mạch và tĩnh mạch trong cánh tay của người bệnh. Thông thường, phẫu thuật này sẽ được thực hiện ở bên cánh tay không thuận nhằm hạn chế gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của người bệnh. Phẫu thuật cần chờ sau 6 tuần để lỗ rò phục hồi mới có thể bắt đầu chạy thận nhân tạo.

2. AV ghép

AV ghép là giải pháp thay thế trong trường hợp các mạch máu của người bệnh quá nhỏ, không thể tạo được lỗ rò AV. Phương pháp này được thực hiện bằng cách bác sĩ dùng một ống nhựa tổng hợp để tạo ra một đường dẫn giữa động mạch và tĩnh mạch dưới da cánh tay của người bệnh và sau khoảng 2 tuần thì có thể bắt đầu chạy thận nhân tạo.

So với phương pháp lỗ rò AV thì phẫu thuật này có ưu điểm là giúp người bệnh được chạy thận sớm hơn. Tuy nhiên, ghép AV sẽ không bền như lỗ rò AV, cứ sau vài năm, người bệnh sẽ phải thay một mảnh ghép mới. Và trong khi sử dụng ghép AV để chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ phải đến bệnh viện thường xuyên để bác sĩ kiểm tra mảnh ghép nhằm đảm bảo nó vẫn mở và hoạt động tốt.

3. Ống thông tĩnh mạch trung ương

Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp cần chạy thận nhân tạo khẩn cấp. Bác sĩ sẽ đặt một ống thông bằng nhựa mềm trong tĩnh mạch lớn ở dưới xương đòn, cổ hoặc khu vực gần háng người bệnh.

Nếu chỗ tiếp cận là một lỗ rò hoặc vết ghép AV, khi bắt đầu mỗi lần điều trị, bác sĩ sẽ đặt hai cây kim vào chỗ tiếp cận. Các kim này được nối với các ống mềm dẫn đến máy lọc máu. Máu sẽ đi đến máy qua một trong các ống, được làm sạch trong bộ lọc và trở lại cơ thể qua ống kia. Nếu đường vào là một ống thông, nó có thể được kết nối trực tiếp với các ống lọc máu mà không cần sử dụng kim.

Trong 3 phương pháp kể trên thì lỗ rò nên được coi là lựa chọn đầu tiên vì nó thường bền hơn và ít gây ra nguy cơ nhiễm trùng hoặc đông máu. Đối với một số người bệnh không thể tạo được lỗ rò do mạch máu quá nhỏ thì phương pháp ghép nên là lựa chọn thứ hai để tiếp cận.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu