✴️ Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu phải làm sao?

Khi bé còn nằm trong bụng mẹ, dây rốn chính là nguồn sống, giúp cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cho bé và loại bỏ chất thải. Sau khi bé chào đời, bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn trong vài phút đầu sau sinh và để lại phần gốc hay cuống rốn dài khoảng 2 – 3 cm. Phần gốc này sẽ rụng tự nhiên trong khoảng 2 tuần sau đó hoặc lâu hơn.

Nguyên nhân khiến rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu

Rốn trẻ bị chảy máu là hiện tượng rất thường gặp, nhất là trong lúc trẻ rụng rốn hoặc 1 tuần sau rụng rốn. Nguyên nhân rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng bị chảy máu thường là do trong quá trình rụng, rốn bị bong tróc vảy và rỉ máu, sau đó sẽ tự khỏi và liền lại. Ngoài máu, khi trẻ sơ sinh rụng rốn, rốn còn có thể tiết một ít dịch có màu xanh lá hoặc vàng, giống như mủ.

Nếu trẻ sơ sinh chưa rụng rốn bị chảy máu thì nguyên nhân có thể là do:

  • Rốn bị trầy xước do tã cọ xát với phần rốn hoặc do bạn vô tình cọ xát quá mạnh khi chăm sóc và vệ sinh rốn cho bé.
  • Rốn bị nhiễm trùng do chăm sóc không đúng cách khiến vi khuẩn, virus có điều kiện tấn công, gây viêm nhiễm. Tình trạng này rất thường gặp nếu mẹ băng rốn của bé quá kín hoặc băng rốn hay bị ẩm ướt.

Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu phải làm sao?

Nếu rốn trẻ sơ sinh chỉ bị chảy máu nhẹ mà không có bất cứ triệu chứng bất thường nào khác như tiết dịch hay chảy mủ thì bạn chỉ cần cầm máu và chú ý chăm sóc thì rốn của trẻ sẽ tự liền lại:

  • Dùng tăm bông sạch thấm khô phần rốn bị chảy máu hoặc dùng miếng gạc sạch ấn nhẹ vào phần rốn để cầm máu. Bạn cần làm thật nhẹ nhàng, chậm rãi để tránh bé bị đau cũng như khiến rốn chảy máu nhiều hơn.
  • Giữ cho vùng da xung quanh rốn luôn khô thoáng, sạch sẽ để tránh bị nhiễm khuẩn.
  • Để rốn tiếp xúc nhiều với không khí giúp rốn nhanh lành. Bạn nên cho bé mặc đồ rộng rãi, thoáng mát. Tránh băng rốn của trẻ quá kín.
  • Thay tã cho bé thường xuyên, giữ tã khô, sạch sẽ, để tã nằm dưới rốn nhằm tránh tã cọ xát khiến rốn của bé trầy xước hoặc bị nhiễm khuẩn từ phân và nước tiểu.
  • Khi tắm cho bé, tránh để rốn tiếp xúc quá lâu với nước. Khi tắm xong cần lau cho thật khô bởi rốn ẩm ướt có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus có điều kiện tấn công và gây viêm nhiễm.

Ngoài ra, để phòng ngừa rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu thì trong quá trình chăm sóc rốn cho bé, bạn cần dùng khăn mềm thấm với nước lau nhẹ chất bẩn hoặc phần dịch chảy ra, tránh dù xà phòng, cồn hoặc bất kỳ dung dịch nào khác.

Khi thấy rốn của trẻ sắp rụng thì cần để rốn rụng tự nhiên, tránh tự ý tác động hoặc bứt cuống rốn vì điều này có thể khiến rốn của bé bị chảy máu.

Trong thời gian rốn liền lại sau khi rụng, bạn cũng nên tránh cạy các mảng bám trên rốn hoặc tự ý dùng các bài thuốc dân gian được cho là có thể giúp rốn mau lành.

 

Rốn bé bị chảy máu: Khi nào cần đi khám?

Tình trạng rốn chảy máu có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Dù nhiễm trùng rốn không phổ biến, tỷ lệ gặp phải chỉ 1/200 nhưng đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới các cơ quan ở trong ổ bụng và gây ra các bệnh liên quan tới mạch máu nên bạn tuyệt đối không được chủ quan.

Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu nhiễm trùng rốn sau, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay:

  • Rốn sưng đỏ, chảy máu nhiều và dai dẳng (sau 10 phút đè chặt vẫn còn chảy máu hoặc chảy máu hơn 3 lần/ngày)
  • Vùng da xung quanh rốn bị đỏ, rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu có mùi hôi, bị rỉ dịch hoặc mủ
  • Bé bị sốt hơn 38 độ C, bỏ bú, quấy khóc khi chạm vào rốn, ngủ nhiều…

Nhìn chung, đa phần các trường hợp trẻ bị chảy máu rốn thường không đáng ngại. Bạn chỉ cần chú ý cầm máu, chăm sóc rốn trẻ đúng cách thì sẽ rất nhanh khỏi và rốn của trẻ cũng nhanh lành lại.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý đến các dấu hiệu khác, nếu nghi ngờ rốn bé bị chảy máu do nhiễm trùng rốn thì cần đưa đi khám ngay.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top