✴️ Tại sao đái tháo đường có thể gây suy thận mạn?

Theo phân loại của Hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2004 bệnh đái tháo đường (Tiểu đường) gồm 2 loại chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Đái tháo đường nếu không được kiểm soát sẽ gây ra các biến chứng cấp và mạn đến các cơ quan như da, bàn chân, tim... trong đó có biến chứng vi mạch thận hay còn gọi là bệnh thận đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy thận mạn tiến triển.

Tại sao đái tháo đường có thể gây suy thận mạn?

Ở giai đoạn đầu, khi các tế bào thận lành còn có thể làm việc để bù trừ cho các tế bào thận hư, các dấu hiệu suy thận do đái tháo đường không rõ ràng như: phù nhẹ bàn chân, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, giảm trí nhớ và tăng huyết áp. Bệnh nhân phát hiện thường do tình cờ qua xét nghiệm albumin có trong nước tiểu hoặc siêu âm ổ bụng thận to.

Ở giai đoạn sau, các dấu hiệu trở nên nặng hơn: phù to toàn thân, cổ trướng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, nước tiểu sủi nhiều bọt...

Các triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường ở giai đoạn sớm thường không đặc hiệu, bệnh nhân tiểu đường nên đến các cơ sở y tế kiểm tra thường xuyên theo định kỳ phát hiện các biến chứng sớm để có thể điều trị biến chứng của tiểu đường kịp thời.

Nếu bị tổn thương thận đi kèm bệnh lý đái tháo đường, bạn có thể phải được bác sĩ chuyên khoa thận – tiết niệu thăm khám và theo dõi. Người bệnh đái tháo đường có thể giúp thận hoạt động tốt hơn, kìm hãm và làm chậm quá trình thận bị tổn hại nếu áp dụng những điều sau:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình thận bị tổn thương là kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này thường được thực hiện thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên, cai thuốc lá (nếu bạn hút thuốc). Ngoài ra, bạn có thể được chỉ định dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết.
  • Kiểm soát tình trạng huyết áp cao: Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh suy thận.
  • Hãy báo cho bác sĩ biết bất kỳ bất thường nào liên quan đến nước tiểu, tiết niệu: Việc điều trị sớm bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu là rất quan trọng. Một số dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu có thể là: Thường xuyên đi tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt, nước tiểu đục hoặc có máu, nước tiểu nặng mùi…
  • Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống: Điều này giúp kiểm soát tình trạng huyết áp cao và giảm sưng phù.
  • Không sử dụng các loại thuốc có thể gây hại cho thận: Bạn chỉ nên sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ. Có nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có nguy cơ cao gây hại cho thận.

 

BS Vũ Thị Minh Hoa - Phụ trách điều hành khoa Thận - Lọc máu

return to top