Phổi của chúng ta được cấu tạo từ hàng triệu phế nang – là những túi khí thực hiện trao đổi khí giữa môi trường bên ngoài và cơ thể. Khi chúng ta hít vào, không khí sẽ đi qua các đường dẫn khí gồm mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản và tiểu phế nang để vào phế nang. Tương tự, khi chúng ta thở ra, không khí sẽ đi theo chiều ngược lại. Quá trình không khí đi vào và ra khỏi phổi được gọi là sự thông khí.
Bề mặt phế nang chứ rất nhiều mao mạch phổi. Tại đây, quá trình trao đổi khí sẽ xảy ra. Cụ thể, oxy có trong không khí mà chúng ta hít vào sẽ từ phế nang để đi vào máu; đồng thời, CO2 trong máu sẽ khuếch tán vào phế nang. Quá trình này sẽ được gọi là sự trao đổi khí.
Trong bệnh COPD, nhiều phế quản cũng như tiểu phế quản của bệnh nhân bị tắc và hẹp. Do đó bệnh nhân hít vào được ít oxy vào phế nang và thở ra ít CO2 hơn, tức là bệnh nhân giảm thông khí. Hệ quả là sự trao đổi khí giữa những phế nang này và máu bị giảm.
Vì trao đổi khí kém hiệu quả, nên các mao mạch phổi trên bề mặt của những phế nang này sẽ co lại, làm giảm lượng máu lưu thông qua đây để dồn máu đến những phế nang trao đổi khí hiệu quả. Qua đó, giúp chúng ta nhận được nhiều oxy, cũng như thải ra nhiều CO2 ra ngoài hơn.
Những bệnh nhân COPD mức độ nặng có rất nhiều đường dẫn khí bị tắc, làm cho rất nhiều phế nang thông khí kém hiệu quả. Hệ quả là rất nhiều mao mạch phổi trên bề mặt của chúng co lại. Vì mao mạch phổi nhận máu từ động mạch phổi, nên khi rất nhiều mao mạch phổi co lại, động mạch phổi cũng sẽ có lại.
Nhắc lại, huyết áp là áp lực dòng máu tác động lên thành mạch. Do đó, khi động mạch phổi co lại, áp lực mà dòng máu tác động lên động mạch phổi sẽ tăng lên, gây tăng áp lực động mạch phổi.
Bình thường, áp lực động mạch phổi (PBP) có giá trị khoảng 15 mmHg. Tâm thất phải cần co bóp để tạo ra áp lực > 15 mmHg mới có thể mở van động mạch, để tống máu vào động mạch phổi. Tuy nhiên, khi PBP tăng lên, ví dụ lên khoảng 25mmHg. Tâm thất phải phải co bóp mạnh và vất vả hơn, mới tạo ra áp lực > 25 mmHg. Việc co bóp vất vả lâu ngày sẽ khiến tâm thất phải bị suy yếu, tức là suy tim phải. Tóm lại, theo thời gian, một số bệnh nhân COPD sẽ bị tăng áp lực động mạch phổi, sau đó suy tim phải.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh