Vì sao cường giáp lại gây tăng nhịp tim và suy tim?

Nội dung

Hội chứng suy tim: Tăng hormon giáp làm tim co bóp mạnh và nhanh, hoạt động này cần các tế bào cơ tim khỏe mạnh và được nuôi dưỡng cung cấp đủ ôxy. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc khi dự trữ cơ tim không đảm bảo cho tim đáp ứng được nhu cầu tăng cung lượng tim xảy ra trong cường giáp thì sẽ dẫn đến suy tim, lúc đầu là suy tim trái nhưng về sau thường là suy tim toàn bộ. Suy tim do cường giáp có đặc điểm khác biệt với phần lớn các trường hợp suy tim khác là lượng máu do tim bơm ra lại cao hơn bình thường (gọi là suy tim tăng cung lượng), tuy nhiên sự khác biệt này chỉ ở giai đoạn đầu, còn nếu kéo dài thì cuối cùng cung lượng tim cũng giảm và biểu hiện lâm sàng của suy tim giai đoạn muộn trong cường giáp không khác với suy tim do các nguyên nhân khác đó là khó thở, phù, gan to, đái ít, tím môi...

Hội chứng suy vành: Tim đập nhanh và mạnh kéo dài sẽ làm các tế bào cơ tim phì đại nhất là thất trái, khi đó nhu cầu ôxy của cơ tim sẽ tăng lên. Tuy nhiên, do máu đi vào mạch vành trong thời kỳ tâm trương nên khi nhịp tim nhanh do cường giáp sẽ làm rút ngắn thời gian tâm trương, máu vào mạc  vành bị giảm, hậu quả là BN bị thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, các cơn đau ngực ở BN cường giáp rất hiếm khi chuyển thành nhồi máu cơ tim và khi điều trị khỏi cường giáp thì cũng hết các cơn đau ngực.

Các rối loạn  nhịp tim: Nhịp tim nhanh được coi là dấu hiệu trung thành nhất của bệnh cường giáp nhưng trong phần lớn các trường hợp nhịp tim vẫn đều (gọi là nhịp nhanh xoang). Có khoảng 10-15% BN cường giáp có biến chứng loạn nhịp, thường gặp nhất là rung nhĩ. Khi đó các BN thường có biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực nhiều, một số bị đau ngực, thậm chí có BN bị ngất. Khi bị loạn nhịp, tim bóp lúc mạnh lúc yếu, hậu quả là máu trong buồng tim không được tống hết ra ngoài sẽ dần tạo thành cục máu đông, gây tai biến mạch não.

Hệ giao cảm làm tăng tần số tim. Khi bạn phải đối mặt với stress, ví dụ như khi nhìn thấy rắn, hệ giao cảm sẽ được kích thích. Khi đó, trung tâm tim mạch ở hành não sẽ phát đi các xung thần kinh đi theo các nơ-ron giao cảm đến vùng tủy ngực → theo các sợi giao cảm tăng tốc tim để đến nút xoang, nút nhĩ thất và cơ tim.

Khi xung động đến cuối sợi giao cảm tăng tốc tim, nó sẽ kích hoạt sợi này giải phóng ra adrenalin hoặc noradrenalin. Adrenalin và noradrenalin là 2 hormon do tuyến thượng thận tiết ra và là hóa chất của hệ giao cảm. Sau khi được giải phóng, adrenalin sẽ bắn với thụ thể beta-1 (β1) có trên màng tế bào nút xoang và tế bào cơ tim. Điều này gây nên 2 kết quả: (1) kích thích nút xoang phát ra nhiều xung điện tim → kích thích tim đập nhanh hơn → tăng tần số tim. (2) kích thích cơ tim co bóp mạnh hơn. Khi tim co bóp nhanh và mạnh hơn, nó sẽ tống nhiều máu đi → cung cấp oxy và dưỡng chất cho các cơ quan như não hay mô cơ để não của ta nghĩ cách đối phó với mối nguy hiểm, cơ tay chân hoạt động hiệu quả hơn từ đó ta sẽ quyết định là nên chạy đi hay kiếm một cái cây để chiến đấu với chú rắn kia.

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng cường hoạt động, nghĩa là tăng cường tiết ra các hormon tuyến giáp là T3 và T4. T3 và T4 có nhiều tác động, trong đó nó có một tác động là làm tăng số lượng thụ thể β1 có trên màng tế bào nút xoang và tế bào cơ tim.

Nồng độ T3 và T4 tăng → số lượng thụ thể β1 tăng → sẽ có nhiều adrenalin gắn vào thụ thể β1 trên nút xoang và tế bào cơ tim hơn → tim đập nhanh hơn và đập mạnh hơn, đến nỗi bệnh nhân cảm thấy hồi hộp và có thể cảm nhận được tim mình đang đập nhanh và mạnh ở vùng ngực trái – triệu chứng này được gọi là hồi hộp trống ngực. Tim đập nhanh và mạnh hơn tức là tim hoạt động vất vả hơn, lâu ngày tim sẽ dần suy yếu và có thể dẫn đến suy tim. Giải thích tương tự, chúng ta cũng sẽ lý giải được lý do mà suy giáp làm chậm nhịp tim.

return to top