✴️ Viêm da cơ địa ở người lớn cần chú ý gì?

Nội dung

Viêm da cơ địa ở người lớn là gì?

Bệnh viêm da cơ địa (tên tiếng Anh là “atopic dermatitis”) là một dạng tổn thương da dai dẳng, thường xuất hiện do các yếu tố cơ địa như tình trạng da, sức khỏe, di truyền, hệ miễn dịch,… Bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ em. Chỉ có khoảng 10% người lớn bị viêm da cơ địa.

Viêm da cơ địa dị ứng ở người lớn thường đi kèm với hen suyễn, sốt cỏ khô (hay còn gọi là viêm mũi dị ứng, dị ứng phấn hoa,..). Vì sự tiến triển phức tạp của bệnh viêm da cơ địa, hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị tận gốc cho các trường hợp mắc bệnh này. Đa số các biện pháp điều trị chỉ có thể kiểm soát, cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng xấu xảy ra.

Nguyên nhân viêm da cơ địa người lớn

Khoa học vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm da cơ địa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu từ trang fondationeczema, những người mắc bệnh viêm da cơ địa thường có nồng độ IgE cao hơn bình thường. Người mắc các bệnh lý như chàm, hen suyễn… có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn những người bình thường.

Bên cạnh đó, nguyên nhân gây bệnh còn có thể do 1 số yếu tố sau:

  • Suy giảm miễn dịch
  • Kích ứng: Da bị kích ứng sau khi tiếp xúc với nhựa độc của 1 số loài cây hoặc bị côn trùng cắn
  • Dị ứng: Dị ứng da do thay đổi thời tiết, dùng mỹ phẩm kém chất lượng, dị ứng thuốc, thức ăn hoặc tiếp xúc với nấm mốc
  • Mặc quần áo quá chật: Viêm da cơ địa ở người lớn có thể xuất phát từ việc da cọ xát quá nhiều với quần áo có vải dày hoặc thường xuyên mặc quần áo chật.
  • Tâm lý stress kéo dài: Chấn động tinh thần mạnh, stress, làm việc quá sức,… sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh không phải là tác nhân trực tiếp gây ra bệnh. Chúng chỉ có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của bệnh. Nhiều người thường gặp các yếu tố nguy cơ như trên, nhưng lại không mắc bệnh viêm da cơ địa. Ngược lại, 1 số người mắc viêm da cơ địa nhưng lại không liên quan đến yếu tố nguy cơ nào của bệnh.

 

Triệu chứng

Viêm da cơ địa ở người lớn là sự tiếp nối tình trạng bệnh lý ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và bệnh cũng thường hiếm khi khởi phát ở tuổi trưởng thành. Dựa vào các yếu tố cơ địa, hệ miễn dịch, độ tuổi,.. của người bệnh, bệnh viêm da cơ địa sẽ ảnh hưởng đến phạm vi, mức độ tổn thương da và vị trí mảng lichen hóa.

Viêm da cơ địa ở người lớn thường gây tổn thương ở các vị trí như: lòng bàn tay, mu bàn tay, khuỷu tay, ngực, mặt sau đầu gối, lòng bàn chân, lưng hoặc đầu thường nằm đối xứng nhau. Một số trường hợp nặng, tổn thương da do bệnh có thể lan đến toàn bộ thân trên, thân dưới hoặc nằm ở các chi..

Một số triệu chứng bệnh thường gặp bao gồm:

Triệu chứng ở giai đoạn cấp tính

  • Da nổi mụn nước hoặc rỉ nước, ngứa dữ dội. Sau đó, mụn nước vỡ ra và làm chảy dịch
  • Da phù nề, đóng mày và có dịch tiết
  • Phát ban trên da có màu hồng hoặc đỏ, với nhiều hình thái và kích thước khác nhau, bằng phẳng.

Triệu chứng ở giai đoạn mãn tính

  • Da nổi đỏ, sẩn ngứa và nóng rát.
  • Vùng da bị viêm thường trở nên dày và thâm sạm
  • Xuất hiện nếp nhăn trên da và các vết nứt

 

Chẩn đoán bệnh

Bệnh viêm da cơ địa thường được chẩn đoán thông qua tiền sử bệnh lý và hình thái tổn thương. Ngoài ra, bệnh nhân cần được chẩn đoán bệnh để phân biệt với các bệnh lý như viêm da dị ứng, bệnh chàm, tổ đỉa, herpes môi/ sinh dục…. Tuy nhiên, nếu bạn đã có tiền sử mắc bệnh này từ lúc nhỏ, bệnh có thể đi kèm với các triệu chứng dị ứng đường hô hấp, dị ứng đường tiêu hóa.

Viêm da cơ địa ở người lớn có những biểu hiện lâm sàng điển hình như: chàm hóa dày mãn tính, có 1 số đợt bùng phát chảy dịch.

 

Điều trị bệnh viêm da cơ địa ở người lớn

Điều trị viêm da cơ địa ở người lớn không dễ vì bệnh có xu hướng kéo dài và tái phát nhiều lần. Để việc điều trị hiệu quả hơn, bạn cần loại bỏ các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh (thức ăn, hóa chất, hoặc sử dụng thuốc gây dị ứng). Sau đó, dựa theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn như sau:

Thuốc điều trị ở dạng bôi

  • Thuốc mỡ corticosteroid: Là loại thuốc thường được chỉ định để dùng trong giai đoạn mãn tính của bệnh viêm da cơ địa. Công dụng của thuốc giúp giảm triệu chứng sưng viêm, dị ứng… Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ như rậm lông, khiến nhiễm trùng da, mỏng da, teo da,… Vì thế mỗi bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc tím, dung dịch Chlorhexidine và Hexamidine: Giúp sát trùng và khử khuẩn da, được dùng khi triệu chứng mới bùng phát.
  • Nitrat bạc/hồ nước: Chỉ sử dụng để chữa viêm da cơ địa ở người lớn trong giai đoạn cấp tính, ngay sau khi dùng các dung dịch kháng khuẩn. Phương pháp này giúp làm khô dịch tiết và đẩy nhanh tốc độ đóng mài của da.
  • Kem dưỡng ẩm: Nên sử dụng kem dưỡng ẩm khi vùng da bị tổn thương đã lành hẳn. Điều này giúp làm dịu, bảo vệ da và ngăn ngừa tình trạng da nứt nẻ.
  • Thuốc chứa Acid salicylic: Thường được chỉ định để dùng điều trị viêm da cơ địa giai đoạn mãn tính, có công dụng bạt sừng và giảm dày sừng da.

Thuốc điều trị viêm da cơ địa ở người lớn đường uống

  • Thuốc kháng histamin H1: Chống dị ứng, giảm ngứa và có thể gây buồn ngủ
  • Corticoid đường uống: Thường được chỉ định trong giai đoạn cấp tính, giúp chống viêm và giảm dị ứng. Thuốc chỉ được dùng với liều lượng thấp trong vòng 3 ngày.
  • Thuốc kháng sinh, chống nấm: Đối với bệnh viêm da cơ địa bội nhiễm, bệnh nhân có thể được chỉ định để dùng thuốc kháng sinh, chống nấm toàn thân từ 7-10 ngày.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Cải thiện triệu chứng tổn thương da gây sốt nhẹ, đau và viêm.
  • Viên uống bổ sung vitamin: Đối với trường hợp bị viêm da cơ địa mãn tính tái đi tái lại nhiều lần do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch, người bệnh sẽ được chỉ định các loại viên uống bổ sung vitamin nhóm B và C.

 

Một số chú ý

Bên cạnh các phương pháp điều trị tại chỗ, bệnh viêm da cơ địa là một bệnh lý có tính chất hệ thống. Để nâng cao thể trạng và cải thiện hệ miễn dịch cho sức khỏe làn da, người bệnh cần:

  • Thay đổi các thói quen sống được xem là nguyên nhân khởi phát của bệnh: dùng mỹ phẩm kém chất lượng, dị ứng với 1 số loại thức ăn, căng thẳng tâm lý…
  • Thường xuyên tập thể dục từ 20-30 phút/ ngày để nâng cao sức đề kháng
  • Nghỉ ngơi, ăn uống khoa học điều độ, giữ tâm trạng thoải mái
  • Uống đủ nước từ 2-2.5 lít/ ngày để cung cấp độ ẩm cho làn da. Đồng thời, giúp thúc đẩy đào thải độc tố ở gan, thận… ra khỏi cơ thể
  • Dưỡng ẩm da 2 lần/ ngày, kết hợp sử dụng thêm kem chống nắng và các biện pháp bảo vệ da khi đi ra ngoài trời nắng.
  • Người bệnh cần hạn chế gãi ngứa, chà xát da quá mạnh vì sẽ khiến da bị tổn thương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top