✴️ Xử trí như thế nào khi trẻ bị sốt cao?

Nội dung

Sốt cao thường là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Một số trường hợp sốt cao ở trẻ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả về sức khoẻ vô cùng nghiêm trọng. Dưới đây là các tình trạng sốt cao ở trẻ mà các bậc cha mẹ cần lưu ý:

Sốt phát ban: Trẻ bị sốt cao do sốt phát ban thường có cơn sốt kéo dài từ 3 – 7 ngày. Sau khi hết sốt, khắp người trẻ bắt đầu xuất hiện những nốt phát ban vô cùng khó chịu. 

Sốt xuất huyết: Trẻ bị sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên, kèm theo các triệu chứng xuất huyết như chảy máu răng, chảy máu mũi và nổi chấm xuất huyết trên da. Nếu không được xử lý sớm, trẻ bị sốt xuất huyết có thể gặp các tình trạng nguy hiểm hơn như tay chân lạnh, lừ đừ, vật vã, ói ra máu, đại tiện phân đen và đau bụng. 

Sốt cao do sởi: Bệnh sởi có thể làm cho trẻ sốt cao liên tục, kèm theo các triệu chứng như đỏ mắt, ho nhiều và chảy nước mắt. Từ ngày thứ 4 trở đi, các nốt ban bắt đầu xuất hiện rõ rệt trên mặt, sau đó lan dần ra chi và chân. 

Sốt cao do viêm màng não: Đối với trường hợp này, trẻ không những bị sốt cao mà còn bao gồm cả các triệu chứng nghiêm trọng khác như cổ cứng, thóp phồng, nôn mửa và nhạy cảm với ánh sáng. 

Sốt cao do viêm tai: Trẻ bị sốt cao do viêm tai cũng cần được chăm sóc đặc biệt vì nó có thể gây ra các triệu chứng nặng như ù tai, bứt rứt, đau tai, nghe không rõ, thậm chí chảy mủ ở tai. 

Sốt cao do viêm phổi: Trẻ có các triệu chứng điển hình như sốt cao, thở bất thường, ho, buồn nôn, nôn mửa, bỏ bú, chán ăn và lừ đừ. Khi không được xử trí kịp thời, trẻ có thể bị tím tái ở móng tay và môi. 

 

Vì sao cần hạ sốt kịp thời cho bé?

Một số bậc phụ huynh thường chủ quan khi con có biểu hiện sốt nhẹ vì nghĩ rằng cơn sốt sẽ tự hết mà không cần phải điều trị y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ thể con người chỉ có khả năng hoạt động hiệu quả nhất khi nhiệt độ cơ thể ở một phạm vi nhất định. Nhiệt độ bình thường của một người khoẻ mạnh là khoảng 37ºC, vì vậy nếu vượt bên ngoài phạm vi này, các phản ứng sinh hoá diễn ra trong cơ thể sẽ không còn hoạt động trơn tru nữa. Do đó, điều cần thiết là duy trì nhiệt độ cơ thể trẻ ở mức ổn định.

Mặt khác, khi trẻ bị sốt cao mà không được hạ sốt kịp thời (đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi), sẽ dễ gặp phải nguy cơ bị co giật kèm theo các biểu hiện như tay chân run rẩy và mất ý thức. Tình trạng co giật do sốt cao được xem là báo động đỏ vì nó có thể gây ra các hậu quả nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ nếu không được điều trị sớm.

 

Không nên làm gì khi trẻ bị sốt cao?

Xử trí khi trẻ bị sốt cao cũng cần được thực hiện đúng cách để tránh những nguy cơ sức khoẻ tiềm ẩn khác cho bé. Việc hạ sốt sai cách không những không giúp bệnh thuyên giảm mà còn khiến nó trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số điều cần tránh khi trẻ bị sốt cao:

  • Bố mẹ không nên tạo tâm lý sốt ruột muốn con hạ sốt nhanh mà vừa nhét thuốc vào hậu môn vừa cho bé uống thuốc hạ sốt cùng một lúc, vì điều này sẽ gây ra tình trạng quá liều. 
  • Tuyệt đối không mặc nhiều lớp quần áo hoặc ủ ấm khi trẻ đang bị sốt cao. 
  • Tránh lau mát bằng nước lạnh để hạ sốt nhanh cho trẻ. 
  • Không pha cồn, rượu hoặc dấm vào nước lau mát của trẻ. 
  • Tránh vắt chanh vào miệng trẻ. 
  • Không hạ sốt cho trẻ bằng thuốc aspirin vì chúng có thể gây ra hội chứng Reye hoặc tổn thương não bộ.

 

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Sốt là một triệu chứng thông thường ở trẻ và có thể tự chữa trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt cao và không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp điều trị thông thường, bạn nên đưa bé đến khám bác sĩ ngay lập tức, đặc biệt nếu trẻ có các biểu hiện đáng chú ý sau đây:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38°C, có dấu hiệu ngủ li bì, khó đánh thức hoặc cơ thể lừ đừ. 
  • Trẻ dưới 3 tuổi bị sốt trên 40°C. 
  • Trẻ sốt cao, kèm theo cứng cổ và phát ban trên da
  • Trẻ bứt dứt, khóc không ngừng 
  • Trẻ khó thở và không đỡ mặc dù đã làm sạch mũi
  • Trẻ khó bú hoặc nuốt thức ăn
  • Trẻ bị đại tiện lẫn máu, nôn mửa
  • Bị sốt cao hơn 24 giờ mà không tìm ra nguyên nhân cụ thể, hoặc sốt hơn 72 giờ do bất kỳ lý do nào. 
  • Cơn sốt tái phát sau hơn 24 giờ hạ sốt

 

BS Lê Huy Hùng - Phó trưởng khoa Nhi

return to top