Acid linoleic ảnh hưởng đến bệnh vảy nến thế nào?

Vai trò của acid linoleic với cơ thể

Acid linoleic là một acid béo không bão hòa rất cần thiết cho cơ thể, được tìm thấy trong các loại hạt, dầu thực vật, quả hạch. Acid linoleic là một thành phần quan trọng chiếm đến khoảng 90% của omega-6.

Acid linoleic được xem như một nguồn cung cấp năng lượng của cơ thể. Nó hoạt động như chất nền cho quá trình tổng hợp các chất eicosanoids như prostacyclin, prostaglandin, leukotrienes và thromboxane. Đây đều là những hormone trung gian trong các quá trình sinh hóa, điều chỉnh lipid máu, điều chỉnh huyết áp, đông máu, viêm và chức năng sinh sản, chức năng miễn dịch.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ acid linoleic sẽ giúp giảm cholesterol LDL trong máu, cải thiện huyết áp, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nhóm người thường xuyên bổ sung loại acid linoleic trong chế độ ăn uống giúp giảm tới 15% nguy cơ mắc bệnh tim mạch so với những người ít bổ sung loại acid béo này. Ngoài ra, acid linoleic còn có lợi cho một số bệnh ngoài da.

Nhưng acid linoleic cơ thể không thể tự sản sinh mà cần bổ sung thêm từ bên ngoài qua việc tiêu thụ các thực phẩm giàu acid béo này.

 

Acid linoleic ảnh hưởng đến bệnh vảy nến thế nào?

PGS.Santosh Mishra - Khoa thần kinh tại Đại học bang North Carolina (Hoa Kỳ) cho hay: Ở những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến có mức độ cao của lipid có nguồn gốc từ acid linoleic cho thấy tình trạng nhạy cảm cao với ánh sáng và tăng đau ở các tổn thương vảy nến hơn ở những bệnh nhân có mức acid béo này bình thường. 

Sử dụng phương pháp khối phổ để tạo ra các cấu hình lipid từ vùng da bị tổn thương vảy nến, các nhà nghiên cứu tập trung vào 2 oxylipid - là các lipid thiếu acid linoleic.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, khi cả 2 dạng liên kết với các thụ thể trên tế bào thần kinh cảm giác trong da, chúng sẽ kích hoạt các tế bào thần kinh có liên quan đến quá mẫn cảm với cơn đau và nhạy cảm với nhiệt độ, đồng thời mở các kênh liên lạc đến hệ thống thần kinh trung ương.

PGS. Mishra cho biết: Mặc dù chất béo này có thể tạo ra tình trạng quá mẫn cảm với nhiệt độ và đau, nhưng nó lại không ảnh hưởng đến cảm giác ngứa - là triệu chứng khó chịu nhất liên quan đến bệnh vẩy nến.

Giờ đây, mối liên hệ giữa acid linoleic và quá mẫn cảm với nhiệt độ và cơn đau đã được thiết lập, chúng tôi muốn khám phá thêm chính xác cách thức phản ứng này được tạo ra, từ đó giúp tìm được đến các liệu pháp mới làm giảm các triệu chứng hoặc giải pháp ăn kiêng cho những người sống chung với bệnh vẩy nến.

Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Viện Lão hóa quốc gia và Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top