✴️ Cách đối phó với bệnh rối loạn tiền đình ở người già

Nội dung

Tuổi càng cao, nguy cơ mắc các bệnh lý càng lớn, đó có thể gọi là những chứng bệnh tuổi già. Rối loạn tiền đình ở người già cũng là một trong nhiều căn bệnh như vậy. Hội chứng này xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp ở người cao tuổi nhiều nhất. Vì sao căn bệnh này lại gây nhiều lo lắng? Cách nào để đối phó hiệu quả và phải chăm sóc người bệnh ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

 

1. Thủ phạm gây bệnh rối loạn tiền đình ở người già

Tiền đình là một bộ phận của tai, nằm phía sau ốc tai và được điều khiển bởi hệ thần kinh. Tiền đình có vai trò giữ thăng bằng cho toàn bộ cơ thể và những hoạt động của cơ thể như: cúi, đứng, di chuyển,…Tuy nhiên ở người già hệ thần kinh thường bị suy giảm, vì thế thường gặp phải bệnh rối loạn tiền đình.

Hội chứng rối loạn tiền đình tuy không quá nguy hiểm, nhưng sẽ gây ra sẽ những triệu chứng khiến người bệnh khó chịu như hoa mắt, chóng mặt,…Người già vốn dĩ sức khỏe đã không ổn định do tuổi tác cao, cơ thể bị lão hóa, khi gặp phải tình trạng này càng trở nên mệt mỏi, yếu ớt hơn.

Rối loạn tiền đình ở người cao tuổi thường được biểu hiện qua một số triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đi lại không vững,…

 

Một số nguyên nhân là “thủ phạm” gây bệnh rối loạn tiền đình ở người già như:

– Bệnh thiếu máu não

– Rối loạn lipid máu: ở người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch…

– Một số bệnh lý về hệ thần kinh như viêm dây thần kinh, u dây thần kinh,…

– Bệnh huyết áp thấp, huyết áp cao

– Cơ xương khớp bị tổn thương: thoái hóa cột sống, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm…

Ngoài ra, người già có thể mắc bệnh này do gặp phải một số yếu tố như: thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường sống nhiều tiếng ồn, người ít vận động, thường xuyên sử dụng rượu bia, làm việc căng thẳng, stress…

 

2. Triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình ở người già

Như chúng ta đã biết , rối loạn tiền đình thường có những biểu hiện đặc trưng như chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng, cơ thể loạng choạng, đi lại không vững,…Đặc biệt các triệu chứng này xuất hiện thường xuyên, đột ngột khiến người bệnh không thể tự chủ.

Ở người già khi mắc phải căn bệnh này sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt kèm theo chóng mặt,…Một số trường hợp còn xuất hiện triệu chứng kèm theo như buồn nôn, chân tay tê cứng, nhịp tim tăng cao,…Với một số bệnh nhân có bệnh nền như huyết áp cao, chỉ số huyết áp sẽ tăng cao. Với những người huyết áp thấp thì chỉ số huyết áp sẽ giảm.

 

3. Rối loạn tiền đình để lại những biến chứng gì cho người già?

Bệnh rối loạn tình đình sẽ không trở nên nghiêm trọng hơn nếu được điều trị kịp thời và dứt điểm. Tuy nhiên không phải với ai cũng có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bởi các triệu chứng của bệnh có thể sẽ thường xuyên tái phát trở lại. Bệnh sẽ để lại một số biến chứng nguy hiểm ở người già như:

– Dễ bị ngã gây chấn thương do tình trạng hoa mắt, chóng mặt,…có thể diễn ra thường xuyên vào những lúc di chuyển. Vì thế bệnh nhân có thể sẽ bị ngã khi hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị mất ngủ, khó ngủ dẫn đến suy nhược thần kinh, cơ thể mệt mỏi,…

Biến chứng của bệnh rối loạn tiền đình là vô cùng nguy hiểm. Vì thế hãy điều trị ngay khi phát hiện ra căn bệnh này

 

– Tai biến mạch máu não, đột quỵ do quá trình vận chuyển các chất trong cơ thể bị ngăn cản. Dòng máu và oxy tới não bị suy giảm nghiêm trọng khiến người bệnh dễ bị đột quỵ và tai biến mạch máu não.

– Dễ mắc bệnh trầm cảm do người bệnh luôn thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, lo nghĩ nhiều sẽ nảy sinh bệnh về tâm lý, suy nghĩ tiêu cực dẫn đến bện trầm cảm.

Rối loạn tiền đình ở người lớn tuổi sẽ không quá nguy hiểm nếu chúng ta kiểm soát kịp thời. Vì thế những người cao tuổi đặc biệt phải chú ý tới sức khỏe của mình. Và người thân cần quan tâm tới họ nhiều hơn, cần đưa họ đi khám bệnh định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe tránh làm tăng thêm những bệnh lý khác.

 

4. Cách đối phó với bệnh rối loạn tiền đình ở người cao tuổi

4.1. Điều trị nội khoa

Sử dụng một số loại thuốc Tây y như: Ginkgo biloba, Duxil,..Tuy nhiên bởi người già thường kèm theo một số bệnh nền nên hay sử dụng nhiều loại thuốc một lúc. Vì thế, việc sử dụng thêm thuốc điều trị rối loạn tiền đình rất có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

Tuy nhiên với mỗi người mức độ bệnh sẽ khác nhau. Vì vậy không được sử dụng thuốc tùy tiện. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng quy tắc, phác đồ điều trị mà bác sĩ yêu cầu để tránh những hệ lụy về sau.

4.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt để khắc phục chứng rối loạn tiền đình ở người già

Thông thường khi bị bệnh, chúng ta chỉ nghĩ đơn giản sử dụng thuốc sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng và có thể chữa dứt điểm được bệnh. Thế nhưng thật là thiếu sót nếu chỉ điều trị bằng thuốc mà không thay đổi những thói quen hàng ngày để việc điều trị trở nên nhanh chóng hơn. Dưới đây là một số gợi ý người bệnh có thể tham khảo để cải thiện tình trạng bệnh của mình:

– Người cao tuổi có thể duy trì tập luyện một số bài thể dục thể thao nhẹ nhàng ngay tại nhà như: tập yoga để giúp cơ thể dẻo dai hơn, ngoài ra giúp giảm căng thẳng, stress, tăng tính tập trung, điều hòa nhịp tim…Tập dưỡng sinh, tập vẩy tay,…

– Không chỉ thế, người cao tuổi nên đi bộ 30 đến 45 phút mỗi ngày để điều hòa thần kinh, tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể.

Việc tập luyện thể dục thể thao không chỉ giúp tình trạng bệnh cải thiện nhanh chóng mà còn ngăn ngừa bệnh tình tái phát trở lại.

– Ngoài ra, người bệnh cần ngủ đủ giấc, đúng giờ, bởi nếu thiếu ngủ tình trạng bệnh sẽ càng trở nên nặng nề hơn, khó điều trị dứt điểm.

– Nên duy trì ngâm chân với nước ấm hàng ngày sẽ giúp việc lưu thông máu tốt hơn, cơ thể dễ chịu hơn. Bệnh nhân cũng ngủ ngon  và sâu giấc hơn.

– Sống thoải mái, vô tư, hạn chế lo lắng, nghĩ ngợi nếu không muốn bị căng thẳng, stress kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới bệnh nhân rối loạn tiền đình, nhất là với người già.

Cải thiện bệnh rối loạn tiền đình ở những người lớn tuổi bằng cách thay đổi thói quen sống lành mạnh, khoa học hơn như tập thể dục thường xuyên, đi ngủ đúng giờ, ăn uống đủ chất.,…

 

4.3. Rối loạn tiền đình ở người già cải thiện nhờ vào chế độ ăn uống khoa học

Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng hàng ngày có tầm quan trọng rất lớn đối với sức khỏe của mỗi chúng ta. Đặc biệt với người già khi hệ miễn dịch suy giảm, tuổi cao làm cơ thể yếu ớt thiếu sức đề kháng. Thì việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất hàng ngày là rất cần thiết để ngăn ngừa các bệnh lý hiện nay. Lưu ngay những gợi ý sau đây để giúp cha mẹ, những người lớn tuổi có một sức khỏe thật tốt nhé các bạn:

– Hạn chế sử dụng nhóm thực phẩm giàu chất béo như mỡ, sữa dừa,…Bởi đây là những món ăn rất dễ gây tắc mạch, tăng nồng độ cholesterol,…Và là nguyên nhân gây thêm nhiều bệnh lý khác.

– Hạn chế những loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại đồ ăn chứa nhiều muối, các loại đồ uống có gas, có cồn,…

– Cần bổ sung các loại vitamin A, C, D, E từ các loại thực phẩm khác nhau và bổ sung nhóm thực phẩm giàu chất xơ, acid folic

– Uống đủ nước mỗi ngày từ 1-2 lít để cải thiện tình trạng mất nước, giúp cơ tinh thần luôn tỉnh táo.

– Tăng cường bổ sung các loại trái cây tươi sạch, rau xanh, các loại hạt, đậu,..tốt cho sức khỏe

– Người lớn tuổi cần ăn đủ bữa, không nhịn hay bỏ bữa bởi vậy sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh.

Rối loạn tiền đình ở người già sẽ không còn gây quá nhiều lo lắng nếu chúng ta có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và tiến triển nặng hơn. Hy vọng từ những thông tin trên, độc giả đã có thêm những tư vấn sức khỏe bổ ích cho bản thân và gia đình.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top