Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính và hay tái phát, do đó việc điều trị trước đây chủ yếu nhắm vào các đợt bùng phát với các thuốc điều trị ngắn hạn. Với những hiểu biết mới về khiếm khuyết hàng rào bảo vệ da và quá trình viêm mạn tính của bệnh, người ta đưa ra một cách tiếp cận điều trị mới chủ động hơn. Hiện nay, điều trị và quản lý bệnh nhân viêm da cơ địa bao gồm các vấn đề sau:
- Tránh các yếu tố như chất kích ứng, dị ứng nguyên, nhiễm trùng…
- Chăm sóc da để bù đắp lại các khiếm khuyết về hàng rào bảo vệ da.
- Điều trị kháng viêm để kiểm soát quá trình viêm cũng như ngăn ngừa các đợt bùng phát.
- Những phương pháp điều trị hỗ trợ khác (trong từng trường hợp cụ thể).
Nhiều yếu tố môi trường và tâm lý có thể gây bùng phát bệnh. Các yếu tố thường gặp:
- Dị nguyên trong không khí: mạt nhà, lông thú, phấn hoa…
- Dị ứng nguyên từ thức ăn (chiếm 90%) như: sữa bò, trứng, đậu phộng, đậu nành, lúa mì.
- Các chất kích ứng như: xà bông, bột giặt, chất tẩy rửa.
- Đổ mồ hôi (nhiệt độ quá nóng/ lạnh/ thay đổi đột ngột, độ ẩm thấp).
- Thói quen cào gãi.
- Vải len.
- Căng thẳng.
- Hút thuốc lá.
- Các tác nhân nhiễm trùng: Staphylococcus aureus, Herpes simplex…
- Các yếu tố đặc hiệu: khi test áp da (+), cần loại bỏ các dị ứng nguyên.
Chất dưỡng ẩm đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược điều trị. Trong cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa, đã có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh các chất dưỡng ẩm giúp cải thiện hàng rảo bảo vệ da. Sử dụng chất dưỡng ẩm ngay cả khi bệnh không hoạt động.
Đặc điểm chất dưỡng ẩm:
- Có nhiều dạng: mỡ, gel, cream, mỡ, dung dịch…
- pH sinh lý (pH = 5,5).
- Tránh sản phẩm chứa xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, chất tạo mùi, chất bảo quản, lanolin, các chiết xuất từ thảo dược.
- Chất dưỡng ẩm có chứa các thành phần giúp dưỡng ẩm da (hyaluronic acid, các ceramides, FLG…)
- Chứa các thành phần giảm viêm, giảm ngứa.
Chọn lựa chất giữ ẩm tùy theo mức độ khô da, vùng da cần điều trị, sự chấp nhận của bệnh nhân và theo từng mùa trong năm.
Cùng với sử dụng các chất dưỡng ẩm, cần tư vấn cho bệnh nhân sử dụng các sản phẩm làm sạch kèm theo không gây kích ứng, không chất tẩy rửa, không chất tạo mùi, pH trung tính, có chứa chất dưỡng ẩm.
Chất dưỡng ẩm có 4 loại bao gồm: chất làm mềm, chất làm ẩm, chất che bít và hỗn hợp.
- Chất làm mềm (emollients): acid béo, cholesterol, squalene, pseudoceramides…
- Chất làm ẩm (humectants): urea, sorbitol, panthenol, glycerol, propylene glycol, acid hyaluronic, axit alpha hydroxy…
- Chất che bít (occludents): dầu khoáng, petroleum, sáp ong, silicones, oxit zinc…
Ngoài tác dụng dưỡng ẩm, các chất dưỡng ẩm có vai trò trong kháng viêm, giảm ngứa. Một vài dưỡng ẩm có các thành phần kháng viêm như axit glycyrrhetinic, palmitoyl-ethanolamine, telmesteine, vitis vinifera và các sản phẩm phân tách của FLG.
Bệnh nhân viêm da cơ địa thiếu hụt FLG sẽ gây khuyến khuyết hàng rào bảo vệ da, tăng mất nước qua lớp thượng bì, tăng tiếp xúc với dị ứng nguyên, từ đó đưa đến tình trạng viêm dai dẳng. Vì vậy sử dụng các loại dưỡng ẩm có chứa sản phẩn phân tách của FLG có thể giúp khôi phục hàng rào bảo vệ da trên bệnh nhân viêm da cơ địa có đột biến gien FLG.
Glucocorticoid thoa tại chỗ (TCS):
Thuốc được lựa chọn hàng đầu trong điều trị viêm da cơ địa, đặc biệt trong giai đoạn cấp tính.
Tác dụng của TCS gồm: kháng viêm, ức chế miễn dịch, co mạch, ức chế hoạt động của fibroblast.
Tùy theo tuổi, vị trí, tính chất thương tổn, đáp ứng của bệnh nhân…mà lựa chọn loại TCS mạnh hay yếu và thời gian sử dụng khác nhau.
Liều dùng: không quá 45g/tuần loại mạnh, 100g/tuần loại trung bình hoặc yếu.
Loại TCS cần được thoa theo vùng được tính bằng đốt ngón tay: 1 Fingertip Unit (FTU) = 0,5 g thuốc, và được dùng cho 2% diện tích thương tổn.
TCS có nhiều tác dụng phụ tại chỗ và toàn thân, nhưng nếu sử dụng đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ đạt hiệu quả cao và an toàn.
Đối với những vùng da mỏng như mặt hay các nếp gấp, trong trường hợp da bị viêm nhiều có thể dùng TCS mức độ trung bình trong 5-7 ngày rồi chuyển sang dùng TCS loại yếu hay TCI.
Là lựa chọn hàng thứ 2 trong viêm da cơ địa.
Có tác dụng chống viêm hiệu quả.
Không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Khuyến cáo sử dụng cho trẻ em khi cần điều trị dài ngày hay sử dụng thường xuyên ở những vùng nhạy cảm như mặt, nếp gấp và hậu môn sinh dục.
Sau khi điều trị giai đoạn cấp tính bằng TCS, nên sử dụng TCI trong thời gian 2 - 4 tuần để phòng ngừa tái phát.
Tác dụng phụ: đỏ da, nóng, ngứa, viêm nang lông, nhiễm siêu vi, nhạy cảm nóng lạnh, không dung nạp với rượu.
Chỉ nên sử dụng cho những trường hợp viêm da cơ địa nặng, tái phát thường xuyên, không đáp ứng với thuốc thoa. Vấn đề lợi ích - nguy cơ nên được xem xét cẩn thận, bệnh nhân cần được theo dõi kĩ để ngừa tác dụng phụ. Hiện nay chưa có thuốc nào ngoài corticosteroid được FDA phê chuẩn cho điều trị viêm da cơ địa.
Tuy nhiên cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc, cũng như hiện tượng tái phát nặng nề hơn khi ngưng thuốc, do đó corticoid hệ thống chỉ nên dùng giới hạn trong một thời gian ngắn, sau đó chuyển sang thuốc thoa.
Ngoài ra còn các thuốc khác như: Thuốc sinh học nhắm trúng đích phân tử; liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với dị ứng nguyên; probiotics...
Điều trị hỗ trợ
Thuốc kháng histamin
Vai trò của histamine trong cơ chế gây ngứa còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, điều trị kháng histamin cũng có tác dụng trên một số bệnh nhân để giảm ngứa, cải thiện giấc ngủ, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Có 2 loại kháng histamin gây ngủ và không gây ngủ. Nên dùng nhóm gây ngủ vì có thể giúp phá vỡ chu trình ngứa - gãi, đặc biệt khi đi ngủ. Nó rất hữu ích ở bệnh nhân bị ngứa gây ảnh hưởng giấc ngủ hoặc cào gãi về đêm.
Kháng sinh
Bệnh nhân viêm da cơ địa thường bị sự bội nhiễm bởi vi trùng như Staphylococcus aureus, Herpes simplex, Human papillomavirus, Malasssezia furfur… Người ta ghi nhận ở bệnh nhân viêm da cơ địa có sự hiện diện của Staphylococcus aureus trong 90% sang thương da và 70% vùng da không bị tổn thương. Điều trị kháng Staphylococcus aureus cải thiện đáng kể tình trạng nhiễm trùng và có thể có ích ở vùng da không nhiễm trùng.
Kháng sinh thoa tại chỗ có thể có ích trong điều trị bội nhiễm khu trú. Tuy nhiên dùng kéo dài có nguy cơ tăng sự đề kháng nên không được khuyến cáo. Điều trị kháng sinh đường toàn thân được khuyến cáo ngắn hạn trong trường hợp da có triệu chứng bội nhiễm rõ ràng.
- Sử dụng liên tục và đều đặn.
- Việc sử dụng chất dưỡng ẩm có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.
- Sử dụng trong bất cứ giai đoạn nào của bệnh (cấp, bán cấp, mạn tính).
- Thoa ngay sau khi tắm (trong 3 phút) hoặc khi thấy da khô và thoa nhiều lần trong ngày, nếu thoa thuốc corticoid thì thoa chất dưỡng ẩm sau khi thoa corticoid.
- Phải sử dụng đủ liều: trẻ em từ 100 - 200g/tuần, người lớn 200 - 300g/tuần.
Bệnh nhân bị viêm da cơ địa cần chú ý tránh tiếp xúc với xà bông, dung môi, vải len, chất tẩy, chất bảo quản, hương liệu.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm da cơ địa: dị ứng thức ăn là yếu tố gây bệnh (hay thúc đẩy) 1/3 - 1/2 trẻ em bị viêm da cơ địa. Các thức ăn đó có thể là trứng, đậu, sữa, cá, hạnh nhân…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh