Cách giảm khô da quanh mũi hiệu quả

Nguyên nhân gây khô da quanh mũi

- Yếu tố môi trường: Tiếp xúc với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, độ ẩm thấp và không khí lạnh có thể làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da, dẫn đến da quanh mũi khô.

- Rửa mặt quá nhiều hoặc dùng nước nóng: Có thể phá vỡ lớp dầu tự nhiên của da, vùng da nhạy cảm quanh mũi bị khô và kích ứng.

- Vấn đề da liễu: Bệnh chàm, bệnh vẩy nến hoặc viêm da tiết bã có thể gây ra các mảng da khô và viêm, thường ảnh hưởng đến vùng quanh mũi.

- Dị ứng: Phản ứng dị ứng với một số sản phẩm chăm sóc da, chất tẩy rửa, nước hoa hoặc thực phẩm dẫn đến da quanh mũi bị khô, đỏ và ngứa.

- Lau mũi thường xuyên: Thường xuyên lau hoặc xì mũi, đặc biệt khi bị cảm lạnh hoặc dị ứng, dễ dẫn đến ma sát và kích ứng, gây khô mũi.

- Một số loại thuốc: Thuốc trị mụn hoặc thuốc dị ứng có thể tác dụng phụ làm khô da, trong đó có khô da vùng mũi.

- Tuổi tác: Khi lớn tuổi, khả năng giữ ẩm của da giảm đi, khiến da dễ bị khô hơn, kể cả vùng quanh mũi.

- Thiếu nước: Uống không đủ nước gây khô da.

- Mỹ phẩm không phù hợp: Các loại sữa rửa mặt, tẩy da chết hoặc toner có tính tẩy rửa mạnh làm phá vỡ hàng rào tự nhiên của da, gây khô da vùng mũi.

- Thay đổi nội tiết tố: Dao động nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh đều có ảnh hưởng đến mức độ hydrat hóa của da.

- Hút thuốc và uống rượu: Có thể làm da mất nước, dẫn đến khô và lão hóa sớm.

 

Cách giảm khô da quanh mũi hiệu quả

Ngưng dùng các sản phẩm tẩy rửa mạnh

Nên có thói quen xem kỹ bảng thành phần của mọi sản phẩm chăm sóc da trước khi chọn mua. Các thành phần tẩy, acid alpha hydroxy, retinol hoặc cồn có thể góp phần khiến vùng da nhạy cảm quanh mũi trở nên khô và bong tróc.

Dùng sản phẩm chứa glycerol

Để giảm khô da mũi, nên chọn kem chứa các thành phần dưỡng da như glycerol. Hợp chất dưỡng ẩm này tạo một lớp bảo vệ trên da và giữ ẩm hiệu quả. Ngoài ra, glycerol còn có đặc tính kháng khuẩn và đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương, giúp giảm ngứa và mẩn đỏ.

Đủ nước

Lưu ý uống đủ nước mỗi ngày, tránh để khát mới uống. Ăn nhiều rau củ, trái cây, thêm các món canh trong bữa ăn.

Dùng thuốc xịt mũi

Khi bị cảm lạnh hoặc dị ứng, nên chuẩn bị một lọ xịt mũi để giảm nghẹt mũi, giảm nhu cầu xì mũi thường xuyên.

Dùng máy tạo độ ẩm

Thời tiết hanh khô thích hợp sử dụng máy tạo độ ẩm để cấp ẩm cần thiết cho không khí trong nhà và hạn chế các triệu chứng dị ứng. Ngoài ra còn có tác dụng hydrat hóa làn da, ngăn ngừa da bị khô và nứt nẻ.

Dùng sản phẩm chứa acid hyaluronic

Acid hyaluronic khả năng tái tạo, chữa lành vết thương và tác dụng chống viêm, tất cả đều hỗ trợ làm giảm khô da. Ngoài ra, khả năng hút độ ẩm từ không khí xung quanh của acid này cũng giúp dưỡng ẩm cho da.

Thoa kem chống nắng

Tiếp xúc nhiều với tia UV từ mặt trời cũng góp phần gây khô và bong tróc da quanh mũi và miệng. Do đó, nên dùng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF tối thiểu 30 để thoa lên da mỗi ngày.

Lưu ý trong ăn uống

Để duy trì độ đàn hồi của da và ngăn ngừa khô da, nên bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và acid béo omega-3 (như hạt lanh, hạt chia, các loại cá béo) vào chế độ ăn uống. Ngoài ra, bổ sung nhiều trái cây và rau củ tươi trong bữa ăn.

Chú ý chăm sóc da nhiều hơn vào mùa Đông

Thời tiết lạnh khô khiến độ ẩm trên da dễ mất đi, gây ra bong tróc, ngứa ngáy. Chăm sóc vùng da quanh mũi bằng cách sử dụng các loại kem dưỡng ẩm, chịu nhẹ để tránh nguy cơ mất nước.

Dùng dầu tự nhiên

Các loại dầu tự nhiên như dầu dừa, dầu jojoba, dầu hạnh nhân, dầu olive và dầu mè có các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, góp phần phục hồi hàng rào bảo vệ da và hỗ trợ quá trình chữa lành.

Sau khi làm sạch da, vỗ nhẹ cho da khô, thoa một vài giọt dầu lên vùng da quanh mũi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top