Cấu trúc và chức năng của tuyến mồ hôi

Nội dung

Các tuyến mồ hôi là cấu trúc hình ống cuộn có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể con người. Con người có ba loại tuyến mồ hôi khác nhau: tuyến eccrine, tuyến apocrine và apoeccrine. 

  • Tuyến eccrine phân bố nhiều trên da và chủ yếu tiết nước và chất điện giải đổ thẳng lên bề mặt da. 
  • Tuyến apocrine tiết ra các chất nhờn có chứa lipid, protein và steroid thông qua các lỗ chân lông và chỉ có ở các vùng da có lông (giới hạn ở vùng nách, quầng vú, hậu môn và bộ phận sinh dục). Thay vì phản ứng với nhiệt độ, các tuyến apocrine thường phản ứng với các kích thích cảm xúc bao gồm lo lắng và sợ hãi. Trong những trường hợp đó, mồ hôi thường được quan sát thấy ở nách, lòng bàn tay và lòng bàn chân. 

Trong nhiều thập kỷ, người ta tin rằng đây là hai loại tuyến mồ hôi duy nhất. Tuy nhiên, vào năm 1987, các tuyến apoeccrine đã được xác định có tồn tại trong các khu vực của tuyến apocrine, nhưng chúng tiết ra chất lỏng dạng nước giống các tuyến eccrine.

Khác với con người, động vật như chó và chuột chỉ có tuyến mồ hôi ở gan bàn chân vì chúng đã phát triển một phương pháp điều hòa thân nhiệt khác, đó là thở hổn hển. Ở những loài động vật này, các tuyến mồ hôi nằm ở bàn chân để tạo ma sát khi chạy và leo trèo.

Bài viết này sẽ tìm hiểu tập trung vào các tuyến eccrine, sau đây chúng sẽ được gọi là “các tuyến mồ hôi”.

Ở người, khoảng 1,6 đến 5 triệu tuyến mồ hôi được tìm thấy trên da, số lượng và vị trí giải phẫu của chúng khác nhau ở mỗi cá thể. Vùng có mật độ tuyến mồ hôi cao nhất là lòng bàn tay và lòng bàn chân, chứa tới 600–700 tuyến mồ hôi/cm2. Chức năng chính của tuyến mồ hôi là giữ cho nhiệt độ trung tâm cơ thể người ở mức xấp xỉ 37°C bằng cách tiết ra mồ hôi trong môi trường nóng hoặc khi hoạt động thể chất. 

Bên trong các tuyến mồ hôi có các tế bào thần kinh, do đó quá trình tiết mồ hôi được điều khiển bởi hệ thống thần kinh trung ương. Các tế bào thần kinh cảm ứng nhiệt trong não có thể phát hiện nhiệt độ cơ thể ở bên trong và nhiệt độ da bên ngoài, chúng sẽ hướng dẫn các tuyến mồ hôi phản ứng tương ứng để duy trì nhiệt độ cơ thể không đổi. Khi phát hiện nhiệt độ gia tăng, mồ hôi sẽ được tiết ra để làm mát da, nhiệt độ bên trong cơ thể giảm xuống khi mồ hôi bốc hơi khỏi bề mặt da. Vì vậy, tuyến mồ hôi rất cần thiết trong việc duy trì nhiệt độ cơ thể luôn ổn định. Nhiệt độ trung tâm cơ thể cao hơn 40°C có thể dẫn đến biến tính protein và quá trình apoptosis (chết tế bào theo chương trình), biểu hiện bên ngoài thì nó có thể dẫn đến tăng thân nhiệt, thường được gọi là kiệt sức do nhiệt hoặc sốc nhiệt, có thể dẫn đến tử vong.

Mồ hôi là một dung dịch điện giải loãng bao gồm 99% nước, còn lại là natri clorua, kali, bicarbonat, canxi, magiê, lactat, amoniac và urê. Trong quá trình tiết mồ hôi, một số ion được tái hấp thụ thông qua bơm Na+/ K+ ATPase trên màng của các ống dẫn mồ hôi. Ngoài bơm Na +/K +, các kênh clorua cũng được tìm thấy trong các tuyến mồ hôi.

Các tuyến mồ hôi gồm phần tuyến (tiết) và phần ống dẫn. Phần tuyến là một cấu trúc cuộn bài tiết nằm ở đáy trung bì, còn phần ống là ống thẳng nối phần tuyến với bề mặt của lớp biểu bì. Cuộn bài tiết này bao gồm một lớp nền, cấu thành từ hai loại tế bào riêng biệt là tế bào sáng (Lumina cells)  và tế bào cơ biểu mô (myoepithelial cells), và một lớp lòng ống chứa các tế bào dark cell (Hình 4). Những tế bào dark cell này tiết ra glycoprotein có thể được xác định bằng kỹ thuật nhuộm PAS (peridodic acid Schiff). Ở lớp nền, các tế bào sáng có nhiều ti thể và có phần đáy lõm vào là nơi tiết ra nước và các ion. Sau đó, mồ hôi này sẽ đi qua các ống gian bào nhỏ để đến lòng mạch và qua ống dẫn mồ hôi để tiết ra ở bề mặt da. Tế bào biểu mô nằm ở ngoại vi của các tuyến mồ hôi và được cho là có tác dụng gia cố cho cấu trúc tuyến mồ hôi 

return to top