Có thể làm móng khi đang mang thai

Bạn có thể đi làm móng (bao gồm việc sửa và sơn móng tay) trong khi mang thai hay không là câu hỏi mà không ít mẹ bầu thắc mắc. Dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết.

Chưa có nhiều nghiên cứu về sự an toàn trong quá trình mang thai của đa số các biện pháp làm đẹp mà chị em thường thực hiện. Do đó, có thể nói rằng, việc làm móng trong khi mang thai được coi là tương đối an toàn. Làm móng không gây ra những mối nguy hại trực tiếp lên em bé. Vấn đề lớn nhất đó là nguy cơ bị nhiễm trùng ngoài da có thể phát triển sau khi bạn làm móng.

 

Các nguy cơ

Cho dù bạn có đang mang thai hay không, thì bạn cũng cần đảm bảo rằng, salon nơi bạn làm móng thực hiện đúng quy trình vệ sinh sạch sẽ. Khi các dụng cụ làm móng không được vệ sinh sạch sẽ, nguy cơ bị nhiễm trùng da và móng của bạn sẽ tăng lên.

Tình trạng nhiễm trùng có thể xuất hiện ngay lập tức sau khi làm móng hoặc có thể sẽ mất vài tuần cho đến vài tháng mới xuất hiện. Các loại nhiễm trùng bao gồm:

  • Nhiễm vi khuẩn: ví dụ như nhiễm trùng quanh móng, có thể khởi phát bằng tình trạng sưng, đỏ hoặc nóng quanh vùng móng tay hoặc móng chân mới làm. Điều trị loại nhiễm trùng này bao gồm sử dụng kháng sinh hoặc tạo vết cắt để dẫn lưu dịch (mủ) đọng tại vùng bị nhiễm trùng ra ngoài.
  • Nhiễm nấm: ví dụ như nấm móng chân có thể sẽ làm móng chân của bạn đổi thành màu vàng. Bạn cũng có thể xuất hiện dấu hiệu bong, bật móng. Điều trị nhiễm nấm móng thường sử dụng thuốc chống nấm đường uống hoặc bôi ngoài da.
  • Nhiễm virus: bao gồm cả tình trạng mụn cóc bàn chân. Loại nhiễm trùng này có biểu hiện rất đa dang, nhiều màu sắc khác nhau và có thể trông giống như tình trạng bị chai sần. Mụn cóc bàn chân có thể được điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da.

Đa số các sản phẩm sử dụng trong quá trình làm móng, bao gồm sơn móng cho đến nước tẩy sơn móng đều có chứa các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOCs). Nhiều người thường dựa vào mùi của sản phẩm để xác định mức độ độc hại của các sản phẩm làm móng, nhưng điều này lại không hoàn toàn chính xác. Đôi khi, những sản phẩm có mùi hơi khó chịu lại có ít nguy cơ hơn, và một số loại sản phẩm không có bất cứ mùi gì lại có chứa các chất hóa học độc hại.

 

Phơi nhiễm với các hóa chất độc hại

Khi bạn tiến hành sơn sửa móng, bạn sẽ phải tiếp xúc với các loại chất hóa học sau đây:

  • Toluen: là chất hóa học cũng được tìm thấy  trong xăng. Toluen có thể gây ra các vấn đề về hệ sinh sản hoặc chóng mặt
  • Formal dehyde: là một chất gây ung thư thường được sử dụng để bảo quản những vật đã chết. Bạn nên tránh tiếp xúc với formal dehyde trong khi mang thai, bao gồm tránh tiếp xúc với hơi formal dehyde và tránh tiếp xúc trực tiếp ngoài da.
  • Dibutyl phthalate (DBP): được xếp vào nhóm có mức độ độc hại rất cao bởi có thể gây ra các vấn đề về hệ sinh sản, đặc biệt là ở nam giới. Chất hóa học này đã bị cấm sử dụng tại châu Âu và còn có thể gây ra rất nhiều vấn đề với các cơ quan khác nhau và có thể gây rối loạn hệ nội tiết.

Mối lo ngại lớn nhất với 3 chất ở trên đến từ việc hít phải hơi hoặc mùi của những chất này, mặc dù những sản phẩm có chứa chúng cũng có thể được hấp thu trực tiếp qua da hoặc vô tình bị nuốt phải. Nhưng, tin tốt là, các hợp chất hữu cơ bay hơi này lại rất dễ bay hơi trong không khí, do vậy, chỉ cần spa nơi bạn làm móng có độ thông khí tốt, thì mức độ tiếp xúc của bạn với những hợp chất này sẽ giảm xuống ngưỡng an toàn. Nhưng an toàn nhất, bạn nên để móng tay và móng chân của bạn có màu sắc tự nhiên và tránh xa khỏi việc tiếp xúc với các hợp chất này.

 

Massage lúc làm móng trong khi mang thai có an toàn hay không?

Bạn đã bao giờ nghe nói đến việc làm móng tay, móng chân có thể khiến bạn bị chuyển dạ hay chưa? Điều này có thể đúng, mà cũng có thể không. Có một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là vì trong quá trình làm móng, mọt số huyệt ở bàn tay và bàn chân có thể bị kích thích trong quá trình massaga và gây ra các cơn co thắt tử cung mức độ nhẹ.

Có rất ít bằng chứng cho thấy việc bấm huyệt có thể gây kích thích chuyển dạ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hãy nhắc thợ làm móng nên tránh kích thích vào các huyệt này trong quá trình làm móng cho bạn. Bạn cũng nên bỏ qua chu trình massage trong quá trình làm móng mà chỉ nên sơn móng mà thôi.

 

Để đảm bảo an toàn

Bạn vẫn có thể tự làm đẹp cho bản thân mình một chút trong quá trình mang thai, miễn là bạn tuân theo những điều lưu ý dưới đây nếu có ý định làm móng tại salon hoặc tại nhà:

  • Bạn nên đến salon nhiều lần trước khi quyết định làm móng tại đây để quan sát tình trạng vệ sinh của salon. Đặc biệt chú ý đến quy trình làm sạch các dụng cụ cũng như các chậu ngâm chân.
  • Không nên xấu hổ: hãy hỏi salon về quy trình làm sạch dụng cụ của họ nếu bạn nghi ngờ. Hấp là phương pháp tốt nhất để khử trùng dụng cụ, và đó cũng là phương pháp mà bệnh viện sử dụng để khử trùng dụng cụ phẫu thuật
  • Bạn cũng nên hỏi về việc thông khí tại salon. Bạn nên chọn ví trí làm móng gần cửa sổ hoặc gần quạt
  • Các vi sinh vật có thể xâm nhập vào cơ thể bạn từ các chậu ngâm chân. Bạn cũng không nên làm móng nếu bạn có vét thương hở, vết xước hoặc bất cứ loại vết thương nào trên chân.
  • Nếu bạn chọn cách làm móng tại nhà, bạn cũng nên đảm bảo rằng bạn tiến hành sơn móng tại nơi thoáng khí
  • Cân nhắc đến việc sử dụng các loại sơn móng không độc.
  • Yêu cầu thợ làm móng tránh kích thích các huyệt tại bàn tay hoặc bàn chân bạn trong chu trình massage khi làm móng.

Cũng giống như việc nhuộm tóc khi mang thai, cũng có rất nhiều mối lo ngại về việc làm móng trong khi mang thai bởi cả nhuộm tóc và làm móng đều sử dụng các chất hóa học và bạn nên đợi đến 3 tháng giữa thai kỳ mới nên thực hiện các quá trình làm đẹp này.

Nếu bạn vẫn cảm thấy lo ngại về việc làm móng trong khi mang thai, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ để có thêm lời khuyên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top