Chấn thương gối là một trong những nguyên nhân đi khám bệnh thường gặp. Các chấn thương gối thường có thể được điều trị tại nhà nhưng một số trường hợp cũng có thể nặng đến mức cần phải được phẫu thuật can thiệp.
Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về giải phẫu của gối, các nguyên nhân chấn thương gối thường gặp, và một số biện pháp điều trị.
Gối là một khớp phức tạp chuyển động giống như một bản lề cửa, cho phép chúng ta có thể gập và duỗi chân, nhờ đó có thể thực hiện các hành động như ngồi, ngồi xổm, nhảy và chạy.
Gối được hình thành bởi 4 thành phần:
Xương đùi nằm ở vị trí trên cùng của khớp gối. Xương chày nằm phía dưới của khớp. Xương bánh chè nằm che phủ lên vị trí gặp nhau giữa xương chày và xương đùi.
Phần sụn là các mô mang chức năng đệm cho các xương của khớp gối, giúp các dây chằng có thể trượt một cách dễ dàng ở trên bề mặt các xương và bảo vệ xương khỏi va chạm.
Có bốn dây chằng ở tại vùng gối, chúng có chức năng tương tự như các sợi dây thừng, nối các xương lại với nhau và cố định chúng. Các gân cơ nối liền các cơ hỗ trợ cho khớp gối vào các xương ở phần trên và dưới của chân.
Có nhiều dạng chấn thương gối khác nhau. Dưới đây là 10 dạng thường gặp nhất.
Bất kỳ xương nào ở vùng khớp gối cũng có thể bị gãy. Xương bánh chè là xương thường bị gãy nhất ở khớp gối.
Các chấn thương va chạm mạnh, ví dụ như ngã hay tai nạn giao thông có thể khiến hầu hết các xương tại vùng gối bị gãy. Bệnh nhân có bệnh lý nền loãng xương có thể bị gãy xương tại vùng gối khi chỉ cần bước nhầm hoặc bị trượt ngã.
Dây chằng chéo trước chạy chéo xuống dưới mặt trước của gối, có vai trò quan trọng trong việc cố định khớp. Các chấn thương tại dây chằng này có thể rất nghiêm trọng và cần phải được phẫu thuật.
Chấn thương dây chằng chéo trước được chia thành 3 mức độ. Độ 1 là chấn thương nhẹ tại dây chằng còn độ 3 là rách hoàn toàn dây chằng.
Các vận động viên tham gia vào các môn thể thao mang tính va chạm cao như bóng bầu dục hay bóng đá thường hay mắc phải chấn thương dây chằng chéo trước. Tuy nhiên, các môn thể thao này không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra chấn thương dạng này.
Khi đáp xuống không đúng cách lúc nhảy lên hoặc thay đổi hướng đột ngột có thể dẫn đến rách dây chằng chéo trên.
Trật khớp gối xảy ra khi các xương tại gối dịch chuyển ra khỏi vị trí bình thường. Các dị dạng về cấu trúc hay chấn thương trong tai nạn giao thông, ngã, các môn thể thao va chạm có thể gây trật khớp gối.
Nói đến rách sụn tại vùng gối chính là nhắc đến rách sụn chêm.
Sụn chêm là hai cấu trúc sụn có tính đàn hồi nằm giữa xương chày và xương đùi. Các mảnh sụn này có thể bị rách đột ngột trong khi đang chơi thể thao. Chúng cũng có thể bị rách do lão hóa.
Khi sụn chêm bị rách do lão hóa thì tình trạng này được gọi là rách sụn chêm thoái hóa.
Với sụn chêm rách đột ngột thì khi rách thường đi kèm với âm thanh rách nhẹ có thể nghe thấy hoặc cảm nhận được tại đầu gối. Sau chấn thương ban đầu thì các triệu chứng như đau, sưng và chèn ép có thể tăng lên dần trong những ngày tiếp theo.
Bao hoạt dịch là những cấu trúc dạng túi nhỏ, bên trong chứa dịch nằm đệm tại vùng khớp gối, có nhiệm vụ làm cho gân cơ và các dây chằng trượt dễ dàng trên khớp.
Những túi này có thể phù to và bị viêm khi hoạt động quá mức hay gây áp lực lên vùng gối liên tiếp.
Hầu hết các trường hợp viêm bao hoạt dịch thường không nghiêm trọng và có thể tự chữa trị. Tuy nhiên, một số trường hợp cần được sử dụng kháng sinh hay chọc hút dịch.
Viêm gân tại vùng gối còn được biến đến là viêm gân xương bánh chè. Đây là tình trạng chấn thương tại gân cơ liên kết xương bánh chè với xương chày.
Gân xương bánh chè hoạt động cùng với phần trước của đùi để làm dãn khớp gối, cho phép chúng ta chạy, nhảy và thực hiện các hoạt động thể chất khác.
Viêm gân thường gặp ở những vận động viên hay thực hiện các động tác nhảy. Tuy nhiên, những người năng động nào cũng có nguy cơ gặp viêm gân.
Gân là những mô mềm liên kết cơ và xương lại với nhau. Tại vùng gối, gân thường gặp chấn thương nhất là tại xương bánh chè.
Chấn thương hay rách gân cơ thường hay gặp ở những vận động viên và những người tuổi trung niên. Va chạm trực tiếp do ngã hay bị đánh cũng có thể làm rách gân cơ.
Các dây chằng bên nối xương đùi và xương bánh chè. Chấn thương tại các dây chằng này là một vấn đề thường gặp ở các vận động viên, đặc biệt là ở những môn thể thao va chạm nhiều.
Rách dây chằng bên thường xảy ra do lực tác động trực tiếp hay va chạm với người hoặc vật khác.
Hội chứng dải chậu chày thường hay gặp ở các vận động viên chạy đường dài. Hội chứng xảy ra khi dải chậu chày ở phía ngoài của gối ma sát vào phần ngoài của khớp gối.
Thường thì cơn đau khi khởi đầu chỉ là một cảm giác khó chịu nhỏ, dần dần tăng lên khiến vận động viên phải ngừng lại một thời gian để cho phần dải chậu chày hồi phục lại.
Dây chằng chéo sau nằm ở vùng sau của gối. Đây là một trong những dây chằng kết nối xương đùi và xương chày. Dây chằng này có nhiệm vụ giữ cho xương chày không di chuyển quá nhiều về phía sau.
Bất kỳ chấn thương nào tại dây chằng chéo sau cũng cần phải có một lực tác động mạnh trong khi gối đang ở tư thế gập. Lực ở mức độ này thường xảy ra khi ngã mạnh lên gối đang gập hoặc một tai nạn gây tác động đên đầu gối khi đang ở tư thế gập.
Nếu như cơn đau tại đầu gối kéo dài dai dẳng, nặng hơn hoặc kéo dài hơn 1 tuần thì bệnh nhân nên đi khám. Nên đi khám khi vận động của khớp bị giảm hoặc khi khi việc gập đầu gối trở nên khó khăn.
Trong các trường hợp va chạm mạnh hay chấn thương thì nên đi khám ngay sau khi chấn thương xảy ra.
Điều trị dựa theo nguyên nhân và dạng chấn thương. Trong các trường hợp chấn thương do vận động quá mức thì nghỉ ngơi và chườm đá cũng có thể chữa lành gối dần theo thời gian.
Các biện pháp điều trị có thể bao gồm kiểm soát cơn đau và viêm bằng thuốc. Trong hầu hết các trường hợp thì bệnh nhân cần một khoảng thời gian để nghỉ dưỡng.
Rách hay các chấn thương do tai nạn khác cần được nẹp bó và chỉnh khớp gối lại đúng vị trí, hoặc phẫu thuật. Trong trường hợp phải phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ không thể sử dụng đầu gối thêm một khoảng thời gian sau đó và sẽ cần phải sử dụng nạng hoặc xe lăn trong thời gian hồi phục.
Trong một số trường hợp, vật lý trị liệu cần được thực hiện để giúp bệnh nhân hồi phục lại được cử động và sức mạnh tại đầu gối và chân.
Phòng ngừa chấn thương gối không phải lúc nào cũng thực hiện được, nhưng bệnh nhân cần nên thực hiện các biện pháp bảo vệ để làm giảm nguy cơ. Ví dụ như, nếu như chạy hoặc chơi thể thao thì cần phải mang giày phù hợp và các dụng cụ bảo vệ.
Trong trường hợp của hội chứng dải chậu chày và chấn thương do vận động quá mức thì bệnh nhân nên giảm lại quãng đường chạy của mình.
Một số bài tập cũng có thể làm cải thiện sức mạnh của các cơ nhỏ ở chân từ đó có thể phòng ngừa được chấn thương. Ngoài ra việc dãn cơ trước và sau khi tập thể dục cũng có thể ngăn ngừa chấn thương đầu gối.
Việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là cho các vận động viên cũng rất quan trọng. Protein, canxi và vitamin D rất cần thiết để duy trì được sức khỏe của xương, cơ và các dây chằng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh