Viêm amidan nói chung và viêm amidan mãn tính nói riêng gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách điều trị viêm amidan mãn tính khoa học, an toàn và hiệu quả. Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về bệnh, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa qua bài viết dưới đây.
1. Tìm hiểu chung về bệnh viêm amidan mãn tính
1.1. Thế nào là viêm amidan mãn tính?
Khi amidan bị nhiễm trùng dai dẳng lâu ngày, tần suất diễn ra liên tục thì được gọi là viêm amidan mãn tính. Tình trạng này khiến amidan xuất hiện những túi nang nhỏ và là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn. Thậm chí, trong các túi nang này còn xuất hiện sỏi amidan (hay còn gọi là bã đậu amidan). Chúng có màu vàng hoặc trắng, thành phần chính là sulfa. Do đó, khi các “viên” sỏi này vỡ ra sẽ gây hôi miệng khiến người bệnh trở nên tự ti, ngại giao tiếp. Không những thế, sỏi amidan khiến người bệnh có cảm cảm giác vướng ở cổ, gây khó khăn trong việc nuốt thức ăn và hít thở. Tình trạng này còn được gọi là viêm amidan mãn tính hốc mủ.
1.2. Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm amidan mãn tính là gì?
Để nhận biết bệnh viêm amidan mãn tính, chúng ta có thể dựa vào những triệu chứng phổ biến sau:
– Đau rát họng
– Ở cổ xuất hiện nhiều hạch bạch huyết sưng to, gây đau nhức, khó chịu
– Amidan phì đại, quá phát nghiêm trọng
– Miệng hôi
– Đau khi nuốt, nuốt khó, thở khó
– Sốt nhẹ
Nếu tình trạng kéo dài, không thuyên giảm, kéo theo sốt cao, cơ yếu, cổ cứng… thì người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất có thể để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng đáng tiếc.
1.3. Những biến chứng của bệnh viêm amidan mãn tính
– Biến chứng tại chỗ: Viêm amidan mãn tính thường gây nên áp xe amidan, đây cũng là biến chứng phổ biến nhất. Ngoài ra, viêm amidan mãn tính làm cho amidan phì đại, dẫn đến hiện tượng ngưng thở khi ngủ ở một số người.
– Biến chứng chứng kế cận: Lâu ngày, bệnh có nguy cơ lan rộng, không chỉ gây nhiễm trùng vùng họng, viêm amidan còn gây ra viêm mũi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, phế quản, viêm hạch dưới hàm…
– Biến chứng toàn thân: Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ lan rộng toàn thân, gây ra loạt bệnh nguy hiểm như: viêm màng tim cấp, biêm nội mạc tim, viêm khớp cấp, viêm cầu thận… Nghiêm trọng hơn cả là nhiễm trùng máu, gây ảnh hưởng đến tính mạng.
2. Nguyên nhân gây nên bệnh viêm amidan mãn tính là gì?
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm amidan mãn tính là do người bệnh không điều trị dứt điểm viêm amidan cấp tính. Từ đó, bệnh có cơ hội tái đi tái lại nhiều lần, làm tổn thương và suy giảm khả năng miễn dịch của amidan, dẫn đến viêm amidan mãn tính.
Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu gây nên bệnh chính là do sự tấn công của các loại virus, vi trùng gây viêm nhiễm như
– Vi khuẩn Strep (Streptococcus)
– Virus cúm
– Parainfluenza (Gây viêm họng do virus)
– Adenovirus
– Epstein-Barr
– Herpes simplex
– Enterovirus
Ngoài ra, một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh không thể không nhắc đến bao gồm:
– Chức năng miễn dịch có dự thay đổi hoặc suy giảm
– Tiền sử viêm amidan mãn tính hoặc dị ứng từ những người trong gia đình
– Nhiễm các loại vi khuẩn có khả năng kháng lại thuốc kháng sinh
– Thường xuyên tiếp xúc với môi trường có chứa tia bức xạ
3. Chẩn đoán và cách điều trị viêm amidan mãn tính
3.1. Chẩn đoán bệnh viêm amidan mãn tính bằng cách nào?
– Các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám cổ họng để chẩn đoán bệnh và đưa ra những kết luận chính xác cho người bệnh.
– Hoặc bác sĩ sẽ lấy bệnh phẩm đem đi xét nghiệm và kiểm tra. Đây là kỹ thuật nuôi cấy vi trùng từ mẫu bệnh phẩm. Để lấy được bệnh phẩm, các bác sĩ sẽ phết nhẹ vào mặt sau của cổ họng. Sau đó các bác sĩ sẽ gửi mẫu bệnh phẩm đến phòng lab thí nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
3.2. Những cách điều trị amidan mãn tính an toàn và hiệu quả
Giống như nhiều bệnh lý khác, điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị viêm amidan mãn tính là người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ, tuân thủ nghiêm ngặt và kiên trì. Đặc biệt, người bệnh không tự ý mua thuốc hay sử dụng những bài thuốc mẹo, cũng không nên tự ý dừng điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Một trong những cách điều trị viêm amidan mãn tính là người bệnh cần uống đủ nước, đảm bảo độ ẩm cho cổ họng. Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê cho người bệnh một số loại thuốc như ibuprofen, paracetamol, kẹo ngậm hoặc thuốc xịt.
Nếu những biện pháp điều trị trên không làm thuyên giảm tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định người bệnh nên tiến hành cắt amidan. Biện pháp này không những an toàn, không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới sức khỏe người bệnh mà còn loại bỏ hoàn toàn những cơn đau họng, cũng như những biến chứng kể trên. Điều này giúp người bệnh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể.
4. Phòng ngừa viêm amidan mãn tính bằng cách nào?
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là lời khuyên của tất cả các bác sĩ đối với mọi người. Hãy chủ động phòng ngừa viêm amidan mãn tính bằng những biện pháp sau:
– Ăn uống khoa học, xây dựng và duy trì thói quen tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng chống lại nhiễm trùng.
– Uống nhiều nước để đảm bảo độ ẩm cho cổ họng.
– Vệ sinh răng miệng đúng cách, kết hợp với nước súc miệng để loại bỏ tối đa vi khuẩn gây bệnh.
– Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, giữ gìn vệ sinh không gian sống, thường xuyên mở cửa để không khí lưu thông.
– Bổ sung máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ để giảm kích ứng do không khí khô gây nên. Đồng thời, cần vệ sinh máy thường xuyên để ngăn ngừa nấm mốc sinh sôi và phát triển.
– Không hút thuốc lá, hạn chế đến nơi đông người, tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm. Luôn luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài.
– Tránh tiếp xúc gần với những người mắc bệnh đường hô hấp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh