Điều trị nấm móng như thế nào?

Nấm móng sẽ làm hỏng móng

Móng là bộ phận nằm ngoài cùng, trên da. Móng chính là phần sừng của chân móng sống hoàn chỉnh nằm ở dưới chân da. Hàng ngày, phần chân móng sinh sản, sừng hóa và đẩy phần sừng này lên trên, thò ra ngoài, làm móng dài ra.

Vì móng vẫn còn một số chất hữu cơ “sống” nên có khả năng bị nhiễm nấm. Các loại nấm thường gây bệnh là Nấm sợi tơ (Dermatophytes) và nấm hạt men (Candida).

Nhữn loại nấm này thâm nhập móng từ ngoài vào trong, từ nông vào sâu, từ rìa vào trung tâm, từ đầu móng đến chân móng, phá hủy và làm hỏng móng. Ban đầu, chúng làm móng mất sáng bóng, trở nên khô và rạn nứt. Sau đó, nấm thâm nhập vào sâu phía trong, tới tận phần chân móng và phá hủy móng hoàn toàn, khiến móng không còn khả năng mọc lại tại vùng tổn thương.

 

Điều trị nấm móng hiệu quả thế nào?

Hiện nay, có 2 phương pháp được sử dụng để điều trị nấm móng là thuốc tây y và phẫu thuật lấy bỏ móng. Tùy vào mức độ tổn thương móng do nấm gây ra mà có cách chữa trị phù hợp.

Thuốc tây y: Người bệnh có thể sử dụng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống toàn thân. Trước khi bôi thuốc cần rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng. Nên bôi thuốc vào ban đêm để tránh hoạt động và tiếp xúc với nước. Người bệnh có thể sử dụng băng nhựa bịt móng để giữ thuốc qua đêm.

Trong trường hợp nấm móng nặng cần kết hợp với thuốc uống. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng liều lượng và thời gian chữa trị của bác sĩ để điều trị nấm móng đạt hiệu quả cao.

Phẫu thuật lấy bỏ móng: Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp nấm móng đã tàn phá toàn bộ móng chân/tay. Phẫu thuật lấy bỏ móng sẽ giúp tiêu diệt nấm gây bệnh không lây lan sang các móng khác.

Điều trị nấm móng hiệu quả thế nào là thắc mắc của hầu hết người bệnh. Bên cạnh việc chữa bệnh theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh cần áp dụng chế độ chăm sóc móng phù hợp.

- Hạn chế tiếp xúc với nước khi không cần thiết, đặc biệt là nước bẩn, ô nhiễm.

- Khi làm việc trong môi trường hóa chất độc hại cần đeo găng tay, ủng lội nước để ngăn bệnh tiến triển.

- Không sơn sửa móng chân/tay bởi hóa chất trong sơn sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

- Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày để tăng cường độ chắc khỏe của móng, củng cố lớp sừng và bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh.

Nấm móng là bệnh da liễu khá phổ biến và có thể điều trị khỏi nếu người bệnh kiên trì, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về dùng thuốc và chăm sóc móng. Việc theo dõi tình trạng bệnh và đi khám lại cũng đóng vai trò quan trọng. Cần điều chỉnh đơn thuốc chữa nấm móng phù hợp mới mang lại hiệu quả tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top