Một số sai lầm khi nói về bệnh giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch là một bệnh khá phổ biến. Giãn tĩnh mạch ảnh hưởng đến khoảng 25% dân số Mỹ, tương đương khoảng 22 triệu nữ giới và 11 triệu nam giới trong độ tuổi từ 40 đến 80.

Tĩnh mạch ở chân có một nhiệm vụ rất khó khăn là mang máu từ các ngón chân lên tim của bạn. Các van nằm trong lòng tĩnh mạch không để dòng máu chảy ngược lại (từ tim xuống chân).

Máu có thể sẽ bị tích lại trong tĩnh mạch, đặc biệt là tĩnh mạch ở chân, do đó làm tăng áp lực lên tĩnh mạch. Hậu quả của việc tăng áp lực tĩnh mạch là giãn tĩnh mạch, làm cho tĩnh mạch phình to và mỏng hơn, dẫn đến tình trạng tĩnh mạch xoắn vào nhau trong bệnh giãn tĩnh mạch.

Để giúp bạn hiểu thêm về nhũng sự thật về bệnh giãn tĩnh mạch, chúng tôi đã tổng kết 10 điều mà mọi người thường hiểu lầm về giãn tĩnh mạch, bao gồm những hiểu lầm về đối tượng dễ bị giãn tĩnh mạch, lý do giãn tĩnh mạch, các vấn đề sức khỏe mà giãn tĩnh mạch gây ra và các lựa chọn điều trị.

Hiểu lầm 1: Giãn tĩnh mạch chỉ là vấn đề về thẩm mỹ

Rất nhiều người nói lại với các bác sỹ hoặc những người khác rằng, giãn tĩnh mạch chỉ là vấn đề về thẩm mỹ, tuy nhiên giãn tĩnh mạch gây ra nhiều vấn đề hơn thế. Một tỷ lệ rất lớn những người bị giãn tĩnh mạch sẽ phát triển các triệu chứng. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm đau âm ỉ, cảm thấy nặng chân, đau nhói, chuột rút chân và sưng chân. Những triệu chứng khác bao gồm khô và ngứa da chân nghiêm trọng, đặc biệt là vùng da gần vị trí giãn tĩnh mạch. Những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch cũng thường có nguy cơ trong việc hình thành các cục máu đông hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu.

Những triệu chứng ít phổ biến hơn, xuất hiện ở dưới 10% bệnh nhân bao gồm: chảy máu, da đổi màu, da dày hơn và hình thành các vết loét. Tất cả đều có nguyên nhân là giãn tĩnh mạch. Và một khi bạn đã bị tổn thương da, nó thường kéo dài mãi mãi.

Nếu bạn bị giãn tĩnh mạch và có các triệu chứng trên, việc tìm kiếm lời khuyên của bác sỹ là rất quan trọng, trước khi những thay đổi về da là không thể hồi phục được.

 

Hiểu lầm 2: Giãn tĩnh mạch là dấu hiệu lão hóa không thể tránh được.

Lão hóa tất nhiên là sẽ làm tình trạng giãn tĩnh mạch của bạn tệ hơn, nhưng việc này không phải xảy ra với tất cả mọi người. Quá trình thoái quá sẽ diễn biến tệ hơn và dễ nhận thấy hơn khi chúng ta lớn tuổi. Nhưng những người trẻ cũng có thể bị giãn tĩnh mạch. Trong khi độ tuổi trung bình điều trị giãn tĩnh mạch là khoảng 52 tuổi nhưng cũng có những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch khi chỉ mới 13 tuổi.

Nếu bạn bị giãn tĩnh mạch, bệnh này có thể sẽ di truyền bởi nguyên nhân chủ yếu của giãn tĩnh mạch là do gen.

Thay đổi về nồng độ hoocmôn cũng đóng một vai trò quan trọng trong bệnh giãn tĩnh mạch. Bởi vậy, nguy cơ bị giãn tĩnh mạch của bạn sẽ cao hơn trong thời kỳ mang thai.

 

Hiểu lầm 3: Giãn tĩnh mạch thường chỉ là vấn đề của phụ nữ

Giãn tĩnh mạch đúng là phổ biến ở nữ giới hơn, nhưng nam giới cũng có thể mắc bệnh này. Khoảng ¼ nữ giới bị giãn tĩnh mạch có thể nhìn thấy được, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 10-15%.

Ông Steve Hahn, 51 tuổi sống ở Washington lần đầu tiên nhận thấy tĩnh mạch chân của mình bị giãn là khi ông khoảng 20 tuổi, sau khi mắt cá của ông bị chấn thương trong khi chơi bóng rổ. Và khi đầu gối ông bị chấn thương cách đây 10 năm, ông cũng nhận thấy tĩnh mạch của mình bị giãn rộng hơn.

“Sau 5 năm đắn đo suy nghĩ, tôi đã quyết định điều trị” ông Hahn nói, “Cả hai chân của tôi cảm thấy rất nặng nề vào thời điểm đó. Sau khi điều trị, tôi cảm thấy như mình có một đôi chân mới.” Cảm giác nặng nề đã biến mất, mắt cá cũng không còn sưng nữa. Và như một tác dụng bổ sung, ông trông dễ nhìn hơn khi mặc quần soóc.

 

Hiểu lầm 4: Chạy có thể gây ra giãn tĩnh mạch

Tập thể thao, bao gồm tập chạy, thường rất tốt cho tĩnh mạch. Tập thể thao luôn luôn tốt cho hệ tuần hoàn. Đi bộ hoặc chạy có thể giúp cho bơm máu ở bắp chân tốt hơn và đẩy được nhiều máu về tim hơn.

Mặc dù các bác sỹ còn đang tranh cãi về việc liệu tập thể thao có làm chứng giãn tĩnh mạch tệ hơn không, nhưng chạy không gây ra chứng giãn tĩnh mạch. Tất bó chặt có thể giúp bạn ngăn chặn việc ứ máu ở chân trong suốt quá trình luyện tập. Với những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chưa được điều trị và đang tập chạy, các bác sỹ khuyên rằng nên dùng băng ép. Khi bạn tập chạy xong và đang nghỉ ngơi, hãy nâng chân của bạn cao hơn để máu có thể dễ chảy về tim hơn.

 

Hiểu lầm 5: Giãn tĩnh mạch luôn nhìn thấy được

Trong khi bạn có thể nhìn thấy chứng giãn tĩnh mạch ở ngay trên bề mặt của da thì chứng giãn tĩnh mạch cũng có thể xảy ra ở những vùng sâu hơn của cơ thể, ở những nơi bạn không nhìn tháy được. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kết cấu chân của bạn. Nếu bạn có rất nhiều mô mỡ giữa da và cơ, bạn có thể không nhìn thấy tĩnh mạch bị giãn. Đôi khi những tĩnh mạch bê mặt chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Có rất nhiều vấn đề sức khỏe phía sau nó.

 

Hiểu lầm 6: Công việc phải đứng nhiều gây ra giãn tĩnh mạch

Nếu bạn đang phải làm công việc phải đứng nhiều, như giáo viên hoặc tiếp viên hàng không, bạn có thể gặp nhiều rắc rối hơn bởi chứng giãn tĩnh mạch. Nhưng việc đứng lâu có thực sự là nguyên nhân của giãn tĩnh mạch hay không vẫn chưa được làm rõ. Mọi người thường nhận thấy triệu chứng của giãn tĩnh mạch rõ hơn khi họ đứng hoặc ngồi.

 

Hiểu lầm 7: Thay đổi thói quen sống không giúp ích gì cho chứng giãn tĩnh mạch

Thói quen sống có ảnh hưởng rất nhiều đến chứng giãn tĩnh mạch, bởi béo phì sẽ làm chứng giãn tĩnh mạch nặng hơn và việc giảm cân sẽ giúp làm giảm các triệu chứng. Sống một lối sống năng động cũng sẽ giúp ích rất nhiều. Đi tất bó chặt, luyện tập sức mạnh của bắp chân và nâng cao chân có thể cải thiện và dự phòng chứng giãn tĩnh mạch.

 

Hiểu lầm 8: Phẫu thuật là lựa chọn điều trị duy nhất

Việc điều trị thích hợp cho chứng giãn tĩnh mạch trước đây chỉ có thể phẫu thuật để loại bỏ tĩnh mạch bị giãn. Nhưng điều đó không đúng với ngày nay nữa. Phẫu thuật vẫn là lựa chọn điều trị phổ biến nhất trên thế giới để điều trị giãn tĩnh mạch, nhưng những thủ thuật nhỏ, không xâm lấn, không để lại sẹo cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Ví dụ như việc dùng một mũi kim để truyền nhiệt đến tĩnh mạch, làm cho tĩnh mạch co lại và không hoạt động nữa. Quy trình này tuy không để lại sẹo nhưng có thể sẽ gây ra đau đớn và bạn có thể sẽ cần gây tê trước khi điều trị. Bạn sẽ phải tiêm rất nhiều vào tĩnh mạch để làm tê liệt nó, nếu không bạn sẽ cảm thấy rất đau đớn vì sức nóng được truyền vào. Bạn cũng nên nghỉ làm một ngày để hồi phục và cũng như nghỉ tập gym một vài ngày.

Giãn tĩnh mạch nhẹ có thể được điều trị bởi bác sỹ da liễu sẽ không xâm lấn, ví dụ như việc dùng tia laser. Với những trường hợp nặng hơn, bác sỹ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật.

Mặc dù việc điều trị giãn tĩnh mạch đồng nghĩa với việc bạn sẽ mát đi môt vài tĩnh mạch, nhưng bạn có rất nhiều tĩnh mạch khác trong cơ thể để hoạt động thay cho những tĩnh mạch đã bị cắt đi. Lượng máu trong các tĩnh mạch ở chân không nằm chủ yếu ở các tĩnh mạch bề mặt mà chủ yếu nằm ở các tĩnh mạch sâu trong cơ. Các tĩnh mạch này hoàn toàn có thể đảm nhận thêm chức năng của các tĩnh mạch bề mặt đã  bị cắt đi một cách dễ dàng.

 

Hiểu lầm 9: Hồi phục sau khi điều trị giãn tĩnh mạch là rất khó khăn

Những phương pháp điều trị mới có thời gian hồi phục rất nhanh. Những phương pháp này thường chỉ thực hiện tại cơ sở y tế trong khoảng 20-30 phút và người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường ngay trong ngày hôm đó.

 

Hiểu lầm 10: Giãn tĩnh mạch có thể chữa khỏi

Việc điều trị rất có hiệu quả nhưng không thể chữa khỏi chứng giãn tĩnh mạch. Đôi khi, chứng giãn tĩnh mạch sẽ tái phát sau khi điều trị. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top