Hầu hết mọi người đều có thể duy trì sự cân bằng điện giải lành mạnh bằng chế độ ăn uống thực phẩm và đồ uống giàu chất điện giải. Những người khác, chẳng hạn như vận động viên thể thao, những người bị ốm và mất nước, có thể cần tăng cường sức khỏe bằng việc bổ sung nước điện giải. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thảo luận về chất điện giải là gì, liệt kê các loại đồ uống chứa nhiều chất điện giải và gợi ý công thức tự pha chế đồ uống giàu chất điện giải mà mọi người có thể chuẩn bị tại nhà.
Định nghĩa về nước điện giải
Thuật ngữ chất điện giải dùng để chỉ các hóa chất mang điện tích khi hòa tan trong nước. Về mặt dinh dưỡng, chất điện giải là nói đến những khoáng chất có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Các chất điện giải xuất hiện trong mô, máu, nước tiểu và các chất lỏng khác của cơ thể. Chúng bao gồm:
-
Natri
-
Canxi
-
Kali
-
Clorua
-
Phosphat
-
Magiê
Những khoáng chất này rất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể, chẳng hạn như giữ cho cơ thể đủ nước, kiểm soát hệ thần kinh và cân bằng nồng độ pH trong cơ thể.
Danh sách những đồ uống có nhiều chất điện giải
Sau đây là những loại đồ uống phổ biến có nhiều chất điện giải:
-
Sữa bò
Sữa bò tự nhiên rất giàu chất điện giải, bao gồm canxi, natri và kali. 1 cốc sữa bò nguyên chất cung cấp:
300 miligam (mg) canxi
92,7 mg natri
366 mg kali
Ngoài ra, sữa bò là một nguồn dinh dưỡng đa lượng tốt. Đối với những người tập thể dục cường độ cao, sự kết hợp giữa chất điện giải và chất dinh dưỡng đa lượng này làm cho sữa bò trở thành thức uống được lựa chọn hàng đầu sau khi tập luyện. Nhưng sữa bò có thể không phải là thức uống thích hợp cho tất cả mọi người. Ví dụ: sữa bò thông thường thường không phải là lựa chọn cho những người không dung nạp lactose.
-
Nước ép trái cây
Nước ép trái cây như nước cam, nước ép anh đào và nước dưa hấu đều là những nguồn cung cấp magiê, kali và phốt pho dồi dào. Một cốc nước cam trung bình cung cấp:
13,6 mg magiê
221 mg kali
34,7 mg phốt pho
Ngoài ra, nước ép trái cây cũng có thể là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và vitamin.
-
Nước dừa
Nước dừa là một nguồn cung cấp một số chất điện giải, đặc biệt là kali, canxi, natri và magiê. Nước từ 1 quả dừa không đường chứa:
396 mg kali
16,8 mg canxi
62,4 mg natri
14,4 mg magiê
-
Đồ uống thể thao
Đồ uống thể thao là đồ uống điện giải pha sẵn. Mặc dù phổ biến nhưng đồ uống thể thao có những ưu và nhược điểm riêng. Ví dụ, uống đồ uống thể thao là một cách thuận tiện cho các vận động viên giữ nước và bổ sung các chất điện giải mà họ bị mất qua mồ hôi khi đang thi đấu thể thao. Mặt khác, đồ uống thể thao có xu hướng chứa nhiều chất điện giải hơn nhu cầu của một người bình thường. Chúng thường chứa nhiều đường (một khẩu phần 360 ml đồ uống thể thao có thể bao gồm 21g đường). Nhìn chung, đồ uống điện giải thương mại như đồ uống thể thao có thể là lựa chọn tốt cho các vận động viên nhưng có thể không phải là lựa chọn phù hợp nhất cho những người bình thường.
Cách tự làm đồ uống điện giải tại nhà
Có nhiều cách để mọi người có thể tự làm đồ uống điện giải tại nhà.
-
Viên sủi điện giải
Làm một thức uống điện giải tại nhà có thể đơn giản như thêm một viên thuốc điện giải vào nước. Loại viên sủi này rất phổ biến và có sẵn ở nhiều hiệu thuốc hoặc cửa hàng
-
Sinh tố
Sinh tố trái cây hoặc rau quả là những cách dễ dàng và phổ biến để bổ sung chất điện giải. Mọi người có thể chọn trái cây và rau quả có nhiều chất điện giải, bao gồm: chuối, bơ, rau bina, cải xoăn, …
-
Oresol
Oresol là thức uống bổ sung điện giải, thường dùng cho người bệnh bị tiêu chảy, sốt, mất nước, ... Oresol thường được bán phổ biến ở các hiệu thuốc, hãy nhớ pha đúng theo công thức hướng dẫn trên vỏ gói để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chất điện giải là khoáng chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong một số chức năng của cơ thể. Thông thường, mọi người có thể nhận đủ lượng chất điện giải từ chế độ ăn uống của mình. Đồ uống giàu chất điện giải có thể có lợi cho các vận động viên tham gia tập thể dục cường độ cao hoặc những người bị bệnh và có nguy cơ mất nước.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh