KHÁI NIỆM
Đối tượng của điều dưỡng là con người bao gồm người khỏe và người có bệnh tật. Con người được tạo ra bởi các yếu tố thể chất, tinh thần và xã hội. Các nhu cầu cần thiết để duy trì các yếu tố tạo ra con người gọi là nhu cầu cơ bản hay còn gọi là các nhu cầu để tồn tại và phát triển của con người.
Người ta cho rằng: mỗi một cá thể ở một phương diện nào đó giống tất cả mọi người, ở một phương diện khác chỉ giống một số người và có những phương diện không giống ai cả. Như vậy, con người vừa có tính đồng nhất vừa có tính duy nhất nên việc chăm sóc phải xuất phát từ nhu cầu và sở thích của từng cá nhân sao cho phù hợp với từng đối tượng.
Tuy nhiên, khi một nhu cầu thiết yếu được thỏa mãn, con người chuyển sang một nhu cầu khác ở mức cao hơn.
Bảng phân loại của “Maslow” phản ánh được thứ bậc của các nhu cầu, và có thể sắp xếp như sau:
Những nhu cầu về thể chất.
Những nhu cầu về an toàn an ninh.
Những nhu cầu thuộc về quyền sở hữu và tình cảm (được yêu thương).
Những nhu cầu về sự kính mến và lòng tự trọng.
Những nhu cầu về sự tự hoạt động bao gồm sự tự hoàn thiện, lòng ao ước muốn hiểu biết cùng với những nhu cầu về thẩm mỹ.
Những nhu cầu ở mức độ thấp luôn tồn tại, cho đến khi những nhu cầu đã được thỏa mãn, con người có khả năng chuyển sang những nhu cầu khác ở mức độ cao hơn.
Khi một người (người bệnh) đòi hỏi có nhu cầu cao hơn, việc ấy chứng tỏ họ có sự khỏe khoắn trong tâm hồn và thể chất.
Hệ thống thứ bậc của các nhu cầu rất hữu ích để làm nền tảng trong việc nhận định về sức chịu đựng của người bệnh, những giới hạn và nhu cầu đòi hỏi sự can thiệp về điều dưỡng.
NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI
Nhu cầu cơ bản của con người phân cấp theo Maslow:
Bậc thang nhu cầu của MASLOW
Nhu cầu về thể chất và sinh lý: là nền tảng của hệ thống phân cấp nhu cầu, và được ưu tiên hàng đầu. Nhu cầu thể chất bao gồm: oxy, thức ăn, nước uống, bài tiết, vận động, ngủ, nghỉ ngơi… Các nhu cầu này cần được đáp ứng tối thiểu để duy trì sự sống. Đáp ứng nhu cầu thể chất là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc cho trẻ em, người già, người có khuyết tật và người ốm. Bởi vì, những nhóm người này cần sự hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu cho chính họ.
Nhu cầu an toàn và được bảo vệ: được xếp ưu tiên sau nhu cầu thể chất bao hàm cả an toàn về tính mạng và an toàn về tinh thần. An toàn về tính mạng nghĩa là bảo vệ cho người ta tránh được các nguy cơ đe dọa cuộc sống và an toàn về tinh thần là tránh được mọi sự sợ hãi, lo lắng. Người bệnh khi vào bệnh viện có sự đòi hỏi rất cao về nhu cầu an toàn và bảo vệ vì cuộc sống, tính mạng của họ phụ thuộc vào cán bộ y tế.
Để giúp bảo vệ người bệnh khỏi bị nguy hiểm, người điều dưỡng phải biết rõ tính chất, đặc điểm của người bệnh và nhận biết rõ bất kỳ những tai biến nào có thể xảy đến cho người bệnh, và nếu có biến chứng xảy ra, người điều dưỡng có thể xử trí một cách thông minh.
Nhu cầu tình cảm và quan hệ: mọi người đều có nhu cầu tình cảm, quan hệ bạn bè, hàng xóm, gia đình và xã hội. Các nhu cầu này được xếp vào nhu cầu ở mức cao. Nó bao hàm sự trao – nhận tình cảm và cảm giác là thành viên của gia đình, đoàn thể, xã hội… Người không được đáp ứng về tình cảm, không có mối quan hệ bạn bè, xã hội có cảm giác buồn tẻ và cô lập. Người điều dưỡng cần xem xét nhu cầu này của người bệnh khi lập kế hoạch chăm sóc.
Nhu cầu được tôn trọng: sự tôn trọng tạo cho con người lòng tự tin và tính độc lập. Khi sự tôn trọng không được đáp ứng, người ta tin rằng họ không được người khác chấp nhận nên sinh ra cảm giác cô độc và tự ti. Điều dưỡng đáp ứng nhu cầu này của người bệnh bằng thái độ thân mật, niềm nở và chú ý lắng nghe ý kiến của người bệnh.
Nhu cầu tự hoàn thiện: là mức cao nhất trong hệ thống phân loại nhu cầu của Maslow và Maslow đánh giá rằng chỉ 1% dân số trưởng thành đã từng đạt đến mức độ tự hoàn thiện. Nhu cầu tự hoàn thiện diễn ra trong suốt đời, nó chỉ xuất hiện khi các nhu cầu dưới nó được đáp ứng trong những chừng mực nhất định. Các nhu cầu cơ bản càng được đáp ứng thì càng tạo ra động lực sáng tạo và tự hoàn thiện ở mỗi cá thể. Người điều dưỡng cần biết đánh giá đúng những nhu cầu, kinh nghiệm, kiến thức và thẩm mỹ của người bệnh để từ đó có sự quan tâm và lập kế hoạch chăm sóc thích hợp.
SỰ LIÊN QUAN GIỮA NHU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC ĐIỀU DƯỠNG
Nguyên tắc điều dưỡng xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu người bệnh. Người khỏe mạnh tự đáp ứng được các nhu cầu của họ, khi bị bệnh tật, ốm yếu, người bệnh không tự đáp ứng được nhu cầu hàng ngày cho chính mình nên cần sự hỗ trợ của người điều dưỡng. Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân dẫn đến sự ra đời của ngành y tế và cán bộ y tế.
Nhu cầu của con người có tính đồng nhất vừa có tính duy nhất nên điều dưỡng cần có kế hoạch chăm sóc riêng biệt cho từng người bệnh. Nhu cầu con người tuy cơ bản giống nhau nhưng mức độ và tầm quan trọng đối với từng nhu cầu ở từng người có khác nhau. Hơn nữa, trong cùng một con người nhu cầu này có thể mạnh hơn nhu cầu khác và thay đổi mức ưu tiên theo từng giai đoạn của cuộc sống. Người điều dưỡng cần nhận biết được các nhu cầu ưu tiên của người bệnh để lập kế hoạch chăm sóc thích hợp.
Nhu cầu giống nhau nhưng cách đáp ứng có thể khác nhau để thích hợp với từng cá thể. Việc chăm sóc người bệnh cần hướng tới từng cá thể, tùy từng trường hợp, từng hoàn cảnh sao cho phù hợp.
Sự tham gia của người bệnh vào quá trình chăm sóc: chăm sóc xuất phát từ nhu cầu của người bệnh, thông thường người bệnh hiểu rõ nhu cầu của họ, trừ trường hợp người bệnh hôn mê, tâm thần… nên khi lập kế hoạch chăm sóc, điều dưỡng cần tham khảo ý kiến người bệnh và gia đình người bệnh để tạo cho họ tham gia tích cực vào quá trình điều trị, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho chính họ.
Điều dưỡng cần tạo ra môi trường chăm sóc thích hợp để người bệnh được thoải mái, mau chóng lành bệnh hoặc nếu chết thì chết được thanh thản, nhẹ nhàng.
NHU CẦU CƠ BẢN CỦA NGƯỜI BỆNH VÀ CHĂM SÓC THEO VIRGINIA HENDERSON
Thành phần của chăm sóc cơ bản gồm 14 yếu tố
Đáp ứng các nhu cầu về hô hấp.
Giúp đỡ người bệnh về ăn, uống và dinh dưỡng.
Giúp đỡ người bệnh trong sự bài tiết.
Giúp đỡ người bệnh về tư thế, vận động và tập luyện.
Đáp ứng nhu cầu ngủ và nghỉ ngơi.
Giúp người bệnh mặc và thay quần áo.
Giúp người bệnh duy trì thân nhiệt.
Giúp người bệnh vệ sinh cá nhân hàng ngày.
Giúp người bệnh tránh được các nguy hiểm trong khi nằm viện.
Giúp người bệnh trong sự giao tiếp.
Giúp người bệnh thoải mái về tinh thần, tự do tín ngưỡng.
Giúp người bệnh lao động, làm một việc gì đó để tránh mặc cảm là người vô dụng.
Giúp người bệnh trong các hoạt động vui chơi, giải trí.
Giúp người bệnh có kiến thức về y học.
Đáp ứng nhu cầu cơ bản trong vấn đề chăm sóc người bệnh
Đáp ứng nhu cầu về hô hấp
Đánh giá sự thở: bình thường hay bất thường.
Thở bình thường tần số 16 - 20 lần/phút, nhịp thở đều đặn qua mũi và êm dịu.
Khó thở: sự thở người bệnh hạn chế bởi nhiều nguyên nhân: tắc nghẽn đường hô hấp do vật lạ, do dịch tiết, do phù nề, giảm nồng độ oxy trong máu do giảm tuần hoàn…Tùy theo nguyên nhân để giải quyết sự khó thở và đáp ứng nhu cầu như: cung cấp oxy, thông đường thở, tư thế thích hợp…
Nếu ngưng thở thì hô hấp nhân tạo hoặc trợ giúp bằng máy giúp thở.
Đáp ứng nhu cầu điều hòa thân nhiệt
Thân nhiệt bình thường 370C, nếu thân nhiệt cao trên 37,50C gọi là sốt hoặc dưới 360C gọi là hạ thân nhiệt. Cần phải theo dõi để tìm rõ nguyên nhân để giải quyết.
Nếu thân nhiệt cao cần theo dõi nhiệt độ và mạch.
Áp dụng các biện pháp hạ sốt: lau mát, lau ấm… Thực hiện y lệnh về thuốc: thuốc hạ sốt, truyền dịch… Cho người bệnh ăn thức ăn dễ tiêu, loãng nhẹ.
Theo dõi lượng nước xuất nhập.
Giữ an toàn cho người bệnh nếu có nguy cơ co giật, hôn mê, mê sảng.
Chăm sóc người bệnh hạ thân nhiệt: cần theo dõi sát tổng trạng người bệnh, điều trị các nguyên nhân: xuất huyết nặng, ngộ độc thuốc…
Đáp ứng nhu cầu về ăn uống
Giúp người bệnh ăn ngon miệng.
Ăn qua miệng: vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thức ăn phù hợp với tình trạng bệnh lý, hợp khẩu vị, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Nếu người bệnh không ăn được qua miệng, giữ an toàn cho người bệnh khi ăn qua sonde hoặc an toàn cho người bệnh khi truyền dịch.
Nhu cầu về mặc
Quần áo phải phù hợp với thời tiết, tùy theo tình trạng người bệnh, quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thấm hút, phù hợp với sinh hoạt của người mặc, không cản trở về hô hấp, tuần hoàn, vận động, hợp vệ sinh và thẩm mỹ.
Nhu cầu bài tiết: Bao gồm dịch bài tiết từ cơ thể
Cần phải biết số lượng, tính chất và cơ chế bình thường.
Cần phải biết cách quản lý dịch tiết, không làm lây nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường và bản thân.
Các vấn đề đáp ứng về sự ngủ và nghỉ
Môi trường xung quanh phải thoáng mát và yên tĩnh.
Cần tập trung việc chăm sóc người bệnh ngoài những giờ nghỉ ngơi.
Có quy định rõ về giờ thăm nuôi và sinh hoạt của người bệnh.
Cách ly những người bệnh kích động, la hét.
Vệ sinh cá nhân.
Vệ sinh môi trường ngủ, nghỉ.
Đáp ứng nhu cầu về vệ sinh cá nhân
Thân thể.
Quần áo.
Ăn uống.
Đáp ứng nhu cầu về tư thế đúng
Nằm, ngồi, đi, đứng.
Đáp ứng đúng tư thế cơ năng của người bệnh.
Tùy tư thế người bệnh mà ta có vị trí chêm lót để tránh những vùng bị tì đè.
Ngồi: nên để bàn chân tựa lên mặt phẳng, lưng có chỗ dựa, đầu thẳng trục với cột sống.
Đi: Thân người cân xứng chi trên, chi dưới, trường hợp người bệnh không vững vàng nên trợ giúp bằng cách dìu hoặc cung cấp nạng hoặc xe đẩy…
Đáp ứng về sự an toàn
Tránh những nguy hiểm khi người bệnh nằm viện, đặc biệt nhất là những người bệnh kém ý thức hoặc hôn mê: tránh té ngã bằng các phương tiện, kéo song giường, bất động tay chân…
Phòng bệnh cần phải có những khoảng trống để người bệnh đi lại dễ dàng.
Tránh để nhiều đồ đạc trang thiết bị không cần thiết trong phòng bệnh.
Phòng vệ sinh phải được sạch sẽ, tránh trơn trợt.
Tránh cháy nổ: cần phải có quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Tránh sự lây nhiễm chéo giữa các người bệnh từ những thủ thuật, kỹ thuật do cán bộ y tế gây nhiễm.
Áp dụng biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn theo quy chế.
Đáp ứng kiến thức sức khoẻ y tế
Cần cung cấp những thông tin về sức khoẻ, bệnh của họ: nguyên nhân chẩn đoán, tiến triển, biến chứng, cách điều trị, chế độ ăn, thời gian phục hồi, cách phòng ngừa hoặc sự truyền nhiễm của bệnh.
Người bệnh cần biết thông tin để tự theo dõi, hợp tác trong việc điều trị và chăm sóc.
Giáo dục cho người bệnh một số kiến thức về chăm sóc sức khỏe ban đầu như: kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng…
Đáp ứng về nhu cầu giao tiếp
Tạo điều kiện cho người bệnh tiếp xúc với những người có cùng bệnh với họ để cùng trao đổi và có kinh nghiệm.
Niềm nở giải đáp mọi thắc mắc của người bệnh về bệnh của họ trong sự tôn trọng và cảm thông.
Giới thiệu một số câu lạc bộ về các bệnh để họ có thể tham gia và gia nhập.
Đáp ứng nhu cầu về tự do tín ngưỡng
Tôn trọng sự tự do tín ngưỡng của mỗi người.
Có thể thỏa mãn tín ngưỡng của người bệnh, đặc biệt là người bệnh ở giai đoạn cuối.
Đáp ứng nhu cầu về lao động
Hướng dẫn cho người bệnh làm những công việc trong khả năng của mình để họ cảm thấy mình không là người vô dụng.
Hướng nghiệp cho người bệnh tùy theo tình trạng hồi phục sức khoẻ của mỗi người để đưa họ hòa nhập với xã hội.
Nhu cầu về vui chơi giải trí
Cung cấp sách, báo, tivi, radio, sân chơi thể thao… người bệnh có thể tham gia sinh hoạt trong thời gian nằm viện để giảm stress.
KẾT LUẬN
Nhu cầu cơ bản của người bệnh và các nguyên tắc cơ bản của việc chăm sóc, cơ bản giống nhau, nhưng không bao giờ có hai người bệnh có nhu cầu hoàn toàn giống nhau cả. Do đó, kế hoạch chăm sóc được xây dựng riêng biệt, tùy theo tuổi tác, giới tính, cá tính, hoàn cảnh văn hóa xã hội và khả năng, thể chất và tinh thần của người bệnh. Kế hoạch này còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng bệnh lý sốt, nhiễm khuẩn, mất nước hay suy nhược…
Kế hoạch được thảo ra để đem lại sự chăm sóc đồng nhất và liên tục, nhưng nó cần thay đổi tùy theo sự thích ứng với nhu cầu của người bệnh.
Điều quan trọng và cần nhấn mạnh là trong lúc cung cấp sự chăm sóc điều dưỡng cơ bản, người điều dưỡng chuyên nghiệp sẽ có dịp nghe người bệnh và gia đình họ, để nhận định nhu cầu của người bệnh và để xây dựng mối liên hệ nhân sự bổ ích cần thiết cho việc điều dưỡng người bệnh một cách hữu hiệu nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh