Nguy hiểm trong việc lạm dụng corticoid để dưỡng da

Có khá nhiều những trường hợp bị nám khắp mặt sau điều trị kem trộn có chất làm trắng hydroquinone và corticoid. Trong đó có trường hợp sau khi bôi kem trộn có corticoid được một thời gian trên mặt xuất hiện lông dài và rậm, teo da, giãn mạch, mỏng da, rạn da... Đặc biệt, nguy hiểm hơn các sản phẩm này được quảng cáo là từ thiên nhiên, thảo dược song bên trong lại ẩn chứa thành phần là corticoid gây hại cho người dùng.

Corticoid dùng ngoài da khi nào?

Corticoid là loại thuốc chống viêm mạnh, được dùng tại chỗ chủ yếu để điều trị các bệnh da có viêm.  Có nhiều dạng kem, mỡ corticoid bôi ngoài da có sẵn trên thị trường với nhiều tên biệt dược và độ mạnh chống viêm khác nhau. Thành công hay thất bại trong điều trị phụ thuộc phần lớn vào việc lựa chọn loại corticoid bôi tại chỗ có độ mạnh phù hợp với tính chất bệnh lý, vùng da tổn thương. Khi chọn lựa thuốc bôi có chứa corticoid cần chú ý đến chẩn đoán là bệnh gì, vị trí mắc bệnh, lứa tuổi, vùng da để lựa chọn corticoid có độ mạnh phù hợp.

 

Hệ lụy của việc dùng corticoid bừa bãi

Nếu dùng không đúng bệnh hoặc lạm dụng các sản phẩm chứa corticoid, làn da sẽ đối mặt với những hậu quả khôn lường.

 

Trầm trọng thêm mụn trên da

Việc sử dụng corticoid có thể gây ra một số bệnh trên da như mụn hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng mụn, mụn trứng cá. Tác dụng chống viêm của corticoid ban đầu có thể ngăn chặn các nốt viêm, mụn mủ, giảm đỏ da. Tuy nhiên, khi ngưng sử dụng có thể gây ra sự bùng phát các tình trạng trên.

Tổn thương mụn do corticoid gây ra và mụn thông thường khác nhau dựa trên đánh giá mô học. Trong mụn thông thường, quan sát thấy keratin bất thường của biểu mô tuyến bã. Đối với sự bùng phát mụn do việc sử dụng corticoid chủ yếu là nốt sần và mụn mủ. Sử dụng corticoid tại chỗ dẫn đến tăng nồng độ của các axit béo tự do trong lipid bề mặt da và tăng số lượng vi khuẩn ống tiết bã nhờn. Đây là yếu tố thúc đẩy hình thành mụn trên da.

 

Teo da

Các tác dụng phụ thường gặp nhất của corticoid dùng ngoài là teo da, giãn mao mạch. Tất cả các corticoid tại chỗ có thể gây teo da, mỏng da, nguy cơ cao hơn ở người lớn tuổi. Mụn mu bàn tay và các khu vực bị hăm đặc biệt nhạy cảm hơn với corticoid.

 

Giảm sắc tố da

Việc sử dụng corticoid bôi trên da có thể dẫn đến giảm sắc tố, rõ ràng hơn trên những da tối nhưng có thể xảy ra ở tất cả các loại da. Sự hồi phục lại sắc tố da thường xảy ra sau khi ngưng sử dụng corticoid. Corticoid có thể gây bệnh viêm da tiếp xúc cho một số ít bệnh nhân.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Corticoid có tác dụng với một số bệnh nhất định, tuy nhiên cũng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt là khi sử dụng corticoid một cách tùy tiện không theo chỉ định của bác sĩ. Để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra khi sử dụng corticoid, khi có bệnh lý nám má, mụn trứng cá thì nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để thăm khám, không tự ý dùng thuốc gây biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thuốc cần được dùng đúng bệnh và người bệnh cần dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu dùng không đúng, bệnh không khỏi mà còn trầm trọng thêm. Ví dụ: Đối với trường hợp bị loét da hoặc da đang bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm virut mà mua các thuốc này bôi thì chỉ làm cho vết loét rộng ra, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm... nặng hơn. Hoặc những trường hợp mà đã bị dị ứng với thuốc này rồi không biết lại mua bôi vào thì tình trạng dị ứng sẽ rất nguy hiểm.

Khi có chỉ định của bác sĩ, trước khi bôi, cần vệ sinh vùng da bị bệnh, đợi tổn thương khô hẳn rồi mới bôi thuốc. Đối với thuốc mỡ, bôi một lớp thuốc mỏng rồi mát-xa nhẹ (hoặc xoa miết nhẹ) để thuốc ngấm vào da, không băng kín. Đối với những vùng da dày (bàn tay, bàn chân) hoặc những bệnh dày sừng (vẩy nến, eczema mạn tính...) có thể băng kín sau bôi thuốc để tăng hấp thu thuốc, tăng hiệu quả điều trị (thường băng kín vào ban đêm, lúc đi ngủ). Việc băng kín này cũng cần có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu có bất thường người bệnh phải liên hệ ngay với bác sĩ điều trị biết để được ứng phó kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top