Nguyên nhân hình thành mụn đầu đen

Nguyên nhân hình thành mụn đầu đen

Mụn đầu đen là dạng mụn xuất hiện khi lỗ chân lông trên da bị bít tắc do bã nhờn kết hợp với bụi bẩn, tế bào chết hay mỹ phẩm tích tụ trên da. Các thành phần này bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí và chuyển thành màu đen. Vì thế, mụn đầu đen thường tập trung ở những vị trí có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, vùng da dễ đổ dầu như quanh mũi.

Có tới 20% người trưởng thành gặp phải vấn đề mụn đầu đen trên da, và chúng không dễ điều trị. Nam giới dễ bị mụn đầu đen hơn do hormone testosterone kích thích quá trình tiết dầu trên da. Ngoài ra, thiếu niên ở tuổi dậy thì hoặc phụ nữ mãn kinh có nội tiết tố thay đổi thất thường, cũng dễ gặp phải tình trạng mụn đầu đen.

 

Biện pháp giảm mụn đầu đen trên mũi

Biện pháp tốt nhất để loại bỏ những nốt mụn cứng đầu trên mũi là chăm sóc và vệ sinh da đúng cách theo một số gợi ý sau:

Rửa mặt kỹ càng

Việc làm sạch da 2 lần/ngày (vào buổi sáng và buổi tối) giúp loại bỏ bã nhờn, kem chống nắng, bụi bẩn trên da; Từ đó giúp lỗ chân lông thông thoáng và ngăn mụn đầu đen hình thành.

Với người thường xuyên trang điểm, các chuyên gia khuyến cáo không nên lạm dụng khăn giấy tẩy trang (make-up wipes). Dù có công dụng tẩy trang nhanh, chúng không thể lấy đi lớp bụi bẩn ở sâu trong lỗ chân lông. Bạn cần kết hợp tẩy trang và sữa rửa mặt tác dụng chuyên biệt với mụn.

Lựa chọn mỹ phẩm không gây bít tắc lỗ chân lông

Người bị mụn đầu đen ở vùng mũi nên lựa chọn sản phẩm chăm sóc da và trang điểm (kem nền, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng…) không chứa thành phần gây bít tắc lỗ chân lông. Trên bao bì sản phẩm có thể mang nhãn “non-comedogenic” (không gây bít tắc).

Theo Medical News Today, một số thành phần an toàn cho người bị mụn đầu đen gồm: Aloe vera (nha đam), vitamin C, glycerin. Trái lại, lanolin, dầu dừa, dầu mầm lúa mì, bơ cocoa… lại là những thành phần có nguy cơ gây tắc nghẽn lỗ chân lông cao phổ biến trong mỹ phẩm.

Hạn chế đưa tay chạm vào mặtVùng da mũi là phần da mỏng, thường tiếp xúc với không khí và ánh sáng mặt trời nên dễ xuất hiện mụn đầu đen. Ngoài ra, trung bình cứ 1 giờ, chúng ta đưa tay lên chạm vào mặt 23 lần, làm tăng nguy cơ bám bụi và vi khuẩn trên da.

Do đó, trong quá trình chăm da mụn đầu đen, bạn cần hạn chế thói quen chạm tay lên mặt. Khẩu trang cũng cần được thay mới hàng ngày để bảo vệ làn da.

Sản phẩm hỗ trợ giảm mụn đầu đen

Theo các chuyên gia da liễu, một số thành phần như retinol, tretinoin, acid salicylic, adapalene… có tác dụng tẩy tế bào chết hóa học, giúp loại bỏ tế bào chết gây bít tắc lỗ chân lông. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ, chuyên gia da liễu về sản phẩm phù hợp với tình trạng da của mình, và bắt đầu sử dụng sản phẩm có nồng độ thấp nhất có thể.

Việc lấy nhân mụn đầu đen bằng phương pháp vật lý (nặn, gắp bằng nhíp) chỉ nên được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn tại các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa da liễu. Tự thực hiện biện pháp này tại nhà có thể để lại sẹo, khiến lỗ chân lông to và tăng nguy cơ viêm nhiễm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top