Tổng quát về thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một loại bệnh lý rất thường gặp. Đây là loại bệnh lý không làm chết người nhưng có thể gây đau và tàn phế cho những người bị bệnh nầy, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và giao tiếp trong đời sống xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống vùng thắt lưng như lao động nặng lâu ngày, nhấc một vật nặng quá đột ngột và sai tư thế, gây tác động mạnh đến vòng xơ bao quanh đĩa đệm, khi vòng xơ bị vỡ, nhân đệm lồi ra sau gây chèn ép rễ thần kinh; Cũng có khi nhân nhày chui qua các khe hở dây chằng dọc sau vào trong ống sống, chèn ép rễ và chùm đuôi ngựa làm rối loạn vận động và cảm giác, đôi khi có ảnh hưởng đến cơ vòng như tiểu khó, đây là một triệu chứng thường gặp trong các thoát vị đĩa đệm chèn ép chùm đuôi ngựa nằm giữa ống sống như là một giả u.

Ngoài các thoát vị đĩa đệm, rễ thần kinh L5 và S1 có thể bị đau nhưng trên cộng hưởng từ (MRI) không chứng minh có thoát vị đĩa đệm. Đa số những trường hợp nầy do lỗ thần kinh, nơi đó rễ L5 hoặc S1 đi ra đã bị hẹp, có thể do phì đại mặt khớp trên hoặc chồi xương, thường gặp những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống trong nhiều năm. Thoát vị đĩa đệm cột sống vùng thắt lưng, thường gặp nhất là L4-L5 và L5-S1. Trong toàn bộ cột sống, thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng xếp vị trí hàng đầu, kế đến là vùng cổ.

Ngày nay, với phương tiện hiện đại như cộng hưởng từ (MRI) với độ phân giải cao, dễ dàng tầm soát các thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng và các vùng khác, đồng thời qua MRI cũng có thể đánh giá tủy sống và các dây chằng chính xác hơn. Như vậy, khi nào chúng ta có chỉ định chụp MRI? Chỉ định chụp MRI trong các trường hợp sau:

–  Đau thắt lưng kèm theo đau rễ L4, L5 hoặc S1

–  Chỉ đau rễ L4, L5 hoặc S1 mà không đau thắt lưng

–  Tê hoặc mất cảm giác mu bàn chân hoặc lòng bàn chân mà không đau thắt lưng

–  Teo cơ vùng cẳng chân, đôi khi không đau thắt lưng

–  Teo cơ cẳng chân và kèm rối loạn cơ vòng

Các chỉ định chụp MRI như đã nêu trên là tuyệt đối, ngoài ra, trong các trường hợp khác tuy lâm sàng đau theo rễ không điển hình nhưng  cũng có thể làm MRI để tầm soát thêm các bệnh lý khác như : trượt đốt sống thắt lưng, khối u chùm đuôi ngựa (Ependymoma, Neurinoma, Lymphoma, áp xe ngoài màng tủy …), nang quanh rễ S2 hoặc S3 (nang Tarlov, u dây sống cùng cụt (Chordoma) hoặc lao cột sống ….

Điều trị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng không phải lúc nào cũng áp dụng phương pháp ngoại khoa. Đa số các trường hợp phải được điều trị nội khoa từ 3 đến 4 tuần lễ, nếu trong thời gian điều trị nội khoa đáp ứng trên 50% là có thể tiếp tục lâu dài hơn. Một số thuốc thường dùng trong điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm như NSAIDSneurontinmethycobal

Còn ngược lại, vấn đề ngoại khoa cần phải được xem xét kỹ hơn trong những trường hợp nầy. Tuy nhiên, một số trường hợp khi vòng xơ đã vỡ, nhân đệm đi qua khe hở của dây chằng dọc sau vào trong ống sống hoặc lỗ thần kinh (intervertebral foramen) chèn ép nặng rễ và chùm đuôi ngựa, đã được biểu hiện rõ trên MRI, nên đặt vấn đề can thiệp ngoại khoa sớm.

Khi đặt vấn đề can thiệp phẫu thuật cần phải dựa vào hai yếu tố chính:

(1) điều quan trọng nhất phải đánh giá thật đầy đủ trên lâm sàng để tìm dấu hiệu đau rễ;

(2) xem xét thật kỹ trên MRI.

Phối hợp hai yếu tố nầy để đưa ra một quyết định phẫu thuật cho phù hợp. Các chỉ định phẫu thuật trong trường hợp thoát vị đĩa đệm thắt lưng:

– Thoát vị đĩa đệm thắt lưng kèm đau rễ điển hình (đau một hoặc hai chân)

– Thoát vị đĩa đệm thắt lưng kèm teo cơ cẳng chân và tê ở bàn chân-ngón chân

– Nhân đệm đã nằm trong ống sống

– Hẹp quá nặng lỗ thần kinh biểu hiện rõ trên MRI kèm đau rễ điển hình

 

return to top