Giấc ngủ đối với trẻ tăng động giảm chú ý

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn thần kinh và chưa có cách chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, một số can thiệp về y tế và tâm lý có thể giảm giúp trẻ tiến bộ, tăng khả năng tập trung, hạn chế các khó khăn trong học tập.

Dinh dưỡng, vận động và giấc ngủ là 3 nhu cầu cơ bản với sự phát triển của trẻ. Bên cạnh một chế độ Dinh dưỡng cân bằng, cha mẹ cần đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe toàn diện.

Tập thể dục: Giải pháp tự nhiên cho ADHD

Các hoạt động thể chất đem lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý. Nghiên cứu đã chứng minh rằng, vận động giúp tăng nồng độ dopamine trong não – hormone giúp cải thiện khả năng tập trung.

Không chỉ đơn thuần là để rèn luyện cơ bắp, tập thể dục thực sự có thể kích thích những thay đổi về chức năng của các gene và DNA, khiến não bộ phát triển tốt hơn. Khuyến cáo với trẻ em là tập thể dục 60 phút/ngày, nhưng cha mẹ nên cho con tập luyện và vận động ngoài trời càng nhiều càng tốt.

Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí BMC Public Health còn chỉ ra rằng, với trẻ Tiểu học, việc hoạt động thể chất còn giúp cải thiện thành tích học tập hiệu quả hơn dành thời gian tương đương trong lớp học.

Chơi thể thao là một trong những lựa chọn hợp lý để cải thiện sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, trẻ mắc ADHD thích hợp với những môn thể thao cá nhân hơn các môn đồng đội. Huấn luyện viên cần đưa ra những chỉ dẫn ngắn gọn, dành riêng cho trẻ để tránh xao nhãng. Cha mẹ có thể lưu ý điều này khi giúp con lựa chọn các khóa học, câu lạc bộ ngoại khóa.

 

Giấc ngủ với trẻ tăng động giảm chú ý

Trẻ mắc ADHD đối mặt với nguy cơ gặp phải các vấn đề về giấc ngủ cao hơn hẳn trẻ bình thường. Trong một nghiên cứu, khoảng một nửa cha mẹ cho biết con họ bị ADHD khó ngủ, gặp ác mộng hoặc gặp các vấn đề về giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ.

Trong khi đó, chất lượng giấc ngủ hàng đêm lại ảnh hưởng lớn tới khả năng tập trung và tâm trạng của chúng ta. Học tập cũng phụ thuộc vào giấc ngủ, bởi nghiên cứu chỉ ra rằng kiến thức sẽ được củng cố, ghi nhớ lâu hơn khi bạn ngủ.

Theo Quỹ Giấc ngủ Quốc gia (Mỹ), trẻ mầm non cần ngủ 10 – 13 tiếng/ngày. Trẻ ở tuổi đến trường cần ngủ ít nhất 9 tiếng mỗi ngày. Từ 13-19 tuổi, trẻ vẫn cần ngủ 8 – 10 tiếng mỗi ngày.

Ở trẻ mắc ADHD, những bất thường trong nhịp sinh học (nhịp thức – ngủ) sẽ khiến trẻ khó ngủ, ngủ trằn trọc nhiều hơn. Vì thế, cha mẹ cần giúp trẻ thiết lập thời gian biểu sinh hoạt lành mạnh: Ngủ đúng giờ, tham gia hoạt động thể chất và hoạt động ngoại khóa, hạn chế thời gian dùng các thiết bị điện tử 1 tiếng trước khi ngủ. Thay vì sử dụng điện thoại, máy tính trên giường ngủ, trẻ có thể thư giãn bằng cách đọc sách, tắm nước ấm.

Nếu trẻ gặp tình trạng mất ngủ nghiêm trọng, cha mẹ có thể xin tư vấn với chuyên gia tâm lý để thiết lập các thói quen tốt cho giấc ngủ. Việc sử dụng các thực phẩm hỗ trợ giấc ngủ như melatonin, cũng cần tham vấn của bác sỹ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top