✴️ Câu hỏi hay gặp về vắc xin Covid và một số trường hợp đặc biệt

COVID-19 là một bệnh nhiễm trùng đường thở và phổi do virus Corona SARS-CoV-2 gây ra. Các triệu chứng của COVID-19 có thể bao gồm ho, thở dốc, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và mất khả năng ngửi hoặc vị giác. Tuy rằng một số người mắc COVID-19 có thể không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng những người khác có thể phải nhập viện và có thể tử vong. Tình trạng bệnh nặng thường gặp hơn ở những người lớn tuổi và những người mắc một số bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh phổi. Đối với một số người, các triệu chứng của COVID-19 có thể kéo dài nhiều tuần hoặc lâu hơn.

Vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ bạn chống lại bệnh COVID-19, một bệnh nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Trong các thử nghiệm lâm sàng, những người được chủng ngừa có nguy cơ mắc bệnh do COVID-19 thấp hơn 63% đến 95% và gần như được bảo vệ hoàn toàn trước nguy cơ bệnh diễn biến nghiêm trọng (nhập viện và tử vong). Khi bạn được chủng ngừa, bạn cũng giúp bảo vệ những người khác.

 

Có khoảng thời gian tối thiểu giữa việc tiêm vaccine thông thường và vaccine COVID-19 không? [1]

Không. Bạn có thể sử dụng vaccine COVID-19 và các vaccine khác mà không cần quan tâm đến thời gian. Điều này bao gồm việc sử dụng đồng thời vaccine COVID-19 và các vaccine khác (bao gồm vaccine sống, giảm độc lực như vaccine sởi-quai bị-rubella) trong cùng một ngày, cũng như sử dụng chung vào bất kỳ thời điểm nào. Vẫn chưa biết liệu khả năng gây phản ứng của vaccine COVID-19 có tăng lên khi dùng chung, kể cả với các vaccine khác được biết là có nhiều phản ứng hơn, chẳng hạn như vaccine bổ trợ hoặc vaccine sống hay không.

 

Xét nghiệm định lượng kháng thể sau khi được tiêm vaccine COVID-19 giá trị như thế nào?[4]

Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể ngay sau khi bị nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng. Xét nghiệm kháng thể hoặc huyết thanh học SARS-CoV-2 tìm kiếm các kháng thể trong mẫu máu để xác định xem một cá nhân đã từng bị nhiễm virus gây ra COVID-19 hay chưa.

Mặc dù kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính có thể được sử dụng để giúp xác định những người có thể đã bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm ở những người đã được chủng ngừa COVID-19. Các xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 được phép hiện nay vẫn chưa được dùng để đánh giá mức độ bảo vệ do đáp ứng miễn dịch đối với tiêm chủng COVID-19. Nếu kết quả xét nghiệm kháng thể được diễn giải không chính xác, có nguy cơ tiềm ẩn khiến mọi người có thể thực hiện ít biện pháp phòng ngừa hơn đối với việc phơi nhiễm SARS-CoV-2. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và dẫn đến sự gia tăng lây lan của SARS-CoV-2.

Như vậy xét nghiệm kháng thể hiện không được khuyến nghị để đánh giá khả năng miễn dịch với COVID-19 sau khi tiêm vaccin COVID-19.

 

Người có bệnh lý nền có nên tiêm vaccine không?[3,5]

Người trưởng thành ở mọi độ tuổi có bệnh nền có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn do chủng virus gây bệnh COVID-19.

Vaccine ngừa COVID-19 có thể được tiêm cho hầu hết những người có sẵn bệnh nền.

Theo Bộ Y tế: những người có bệnh lý nền không phải đối tượng nhóm chống chỉ định tiêm, và được xếp vào nhóm cần thận trọng trong tiêm chủng ngừa COVID-19, được khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm trong các cơ sở y tế.

 

Vaccine COVID-19 có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản không?[2]

Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc khả năng sinh sản trong tương lai. Những người đang cố gắng mang thai không cần tránh mang thai sau khi tiêm vaccine COVID-19. Không có khuyến nghị về việc kiểm tra thai định kỳ trước khi nhận vaccine COVID-19.

Không có nguy cơ đã biết nào liên quan đến việc tiêm vaccine vi khuẩn hoặc virus bất hoạt, tái tổ hợp trong thai kỳ. Vì vaccine bất hoạt không thể tái tạo nên chúng không thể gây nhiễm cho cả mẹ và thai nhi. Mặc dù vaccine AstraZeneca COVID-19 có chứa vector adenovirus sống, virus này không nhân lên nên sẽ không gây nhiễm cho mẹ hoặc thai nhi.

Phụ nữ không cần phải tránh thai sau khi tiêm chủng.

Không nên chấm dứt thai kỳ sau khi chủng ngừa không chủ ý.

 

Bệnh nhân có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai có phải lo lắng về việc tiêm vaccine COVID-19 không?[2,5]

Những phụ nữ vô tình tiêm vaccine trong thời kỳ đầu mang thai nên được tiêm liều thứ hai của cùng một sản phẩm nếu không có chống chỉ định.

Thực tế trong thực hành tại Pháp

PNCT từ quý hai của thai kỳ, được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.

Các loại vaccine được đề nghị hiện nay là vaccine COVID-19 loại mRNA (Comirnaty [Pfizer/BioNtech] hoặc Moderna).

Mặc dù chưa được hiểu rõ nhưng tính đến thời điểm này, dữ liệu chưa ghi nhận ảnh hưởng đáng lo ngại nào ở người mẹ và thai nhi khi người mẹ được tiêm vaccine mũi đầu tiên vào giai đoạn đầu của thai kỳ, bất kể loại vaccine nào.

Theo Bộ Y Tế

Phụ nữ mang thai từ tuần 13 có chỉ định chủng ngừa áp dụng như các đối tượng khác.

 

Chủng ngừa vaccine COVID-19 ở phụ nữ đang cho con bú? [2]

Phụ nữ cho con bú có thể nhận vaccine COVID-19 và tiếp tục cho con bú. Lời khuyên này áp dụng cho vaccine Pfizer-BioNTech, AstraZeneca hoặc Moderna.

Trong khi chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của vaccine lên sữa mẹ, các cơ chế sinh học của vaccine cho thấy không có khả năng vaccine sẽ ảnh hưởng lên trẻ sơ sinh và trẻ bú sữa mẹ khi người mẹ được tiêm vaccine. Việc tiêm vaccine khi đang cho con bú và đặc biệt là khi có các yếu tố nguy cơ, người mẹ cần phải được tư vấn chặt chẽ bởi nhân viên y tế.

Với bất kỳ trường hợp tiếp xúc với thuốc nào trong thời gian cho con bú, trẻ sơ sinh cần được theo dõi. Nếu trẻ bú không tốt như bình thường hoặc nếu có bất kỳ lo lắng nào khác, cần liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

 

Chủng ngừa vaccine COVID-19 cho những người có thừa cân hoặc thiếu cân quá mức?[2]

Người béo phì: 

Thuộc nhóm có nguy cơ cao, diễn tiến nghiêm trọng và tử vong khi nhiễm COVID-19. Y tế Anh khuyến cáo nên sử dụng kim tiêm dài hơn (38mm) được sử dụng cho những người béo phì mắc bệnh để đảm bảo tiêm vaccine vào cơ.

Người thiếu cân

Không chống chỉ định tiêm vaccine.

Y tế Anh khuyến cáo rằng đối với những người có khối lượng cơ delta của cánh tay trên nhỏ, hoặc những người có lý do cụ thể để tránh tiêm chủng ở cơ delta, thì có thể tiêm vaccine cho họ ở vùng cơ delta ở đùi nếu cần thiết.

 

Chủng ngừa vaccine COVID-19 ở những người bị sốt cấp tính?[2]

Nếu một người bị sốt cấp tính, thì thông tin từ cả hai nhà sản xuất,  Pfizer-BioNTech và AstraZeneca đề xuất việc tiêm chủng nên được hoãn lại.

Các bệnh nhẹ không sốt hoặc khó chịu toàn thân không phải là lý do hợp lệ để hoãn tiêm chủng.

Những người không khỏe có thể hoãn tiêm chủng cho đến khi họ hồi phục hoàn toàn. Điều này nhằm tránh nhầm lẫn giữa chẩn đoán phân biệt với bất kỳ bệnh cấp tính nào (bao gồm cả COVID-19) bằng cách gán sai bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho tác dụng phụ của vaccine.

 

Chủng ngừa vaccine COVID-19 ở bệnh nhân rối loạn chống đông máu và xuất huyết?[2]

Đối với người đang điều trị bằng warfarin

Vaccine có thể được tiêm bắp cho những người đang sử dụng warfarin với xét nghiệm INR theo lịch trình của họ và có INR mới nhất dưới mức cao hơn của phạm vi điều trị .

Nên sử dụng một cây kim nhỏ để tiêm chủng, sau đó ấn mạnh vào vết tiêm mà không cọ xát trong ít nhất hai phút. Bệnh nhân cần được thông báo về nguy cơ tụ máu do tiêm.

Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về mức độ kiểm soát chống đông máu, bác sĩ lâm sàng chịu trách nhiệm theo dõi việc điều trị chống đông máu của bệnh nhân.

Đối với người đang được điều trị bằng Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp hoặc các thuốc DOAC (apixaban, dabigatran, edoxaban hoặc rivaroxaban)

Vaccine có thể được tiêm bắp cho những người ổn định bằng thuốc DOAC.

Lời khuyên về việc giảm thiểu rủi ro khi tiêm vaccine dẫn đến tụ máu tương tự như mô tả đối với warfarin ở trên.

Ở những bệnh nhân bị rối loạn chảy máu

Vaccine có thể được tiêm bắp cho những người bị rối loạn chảy máu. Nếu bệnh nhân đang được điều trị thường xuyên để giảm chảy máu (ví dụ bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông), việc tiêm vaccine có thể được thực hiện ngay sau khi điều trị này được thực hiện.

Ở những người có tiền sử đông máu hoặc rối loạn chảy máu

Về mối liên quan giữa việc sử dụng vaccine AstraZeneca và sự xuất hiện của các biến cố huyết khối tắc mạch nghiêm trọng kèm theo giảm tiểu cầu ở một số lượng tương đối nhỏ bệnh nhân, có một số lời khuyên sau:

  • Chống chỉ định tiêm chủng vaccine AstraZeneca COVID-19 hiện đã được sửa đổi để bao gồm những người có tiền sử mắc bệnh huyết khối và giảm tiểu cầu do heparin trước đây (HITT hoặc HIT loại 2). Những người này có thể được tiêm chủng bằng vaccine COVID-19 thay thế.
  • Những người xuất hiện tình trạng này sau lần tiêm chủng đầu tiên nên được xem xét tiêm liều thứ hai bằng vaccine khác thay thế.

 

Sử dụng vaccine COVID-19 ở những người có phẫu thuật gần đây hoặc sắp xảy ra?[2]

Phẫu thuật gần đây hoặc sắp xảy ra KHÔNG phải là chống chỉ định đối với việc chủng ngừa thông thường; phẫu thuật khẩn cấp thiết yếu nên được thực hiện, bất kể tình trạng tiêm chủng.

  • Phẫu thuật không khẩn cấp cũng có thể diễn ra ngay sau khi tiêm chủng. Có một số lý do hợp lý để tách ngày phẫu thuật khỏi tiêm chủng vài ngày (nhiều nhất là 1 tuần) để bất kỳ triệu chứng nào như sốt có thể được xác định chính xác do hậu quả của việc tiêm chủng hoặc chính cuộc phẫu thuật.
  • Hiện tại, không có chính sách chính thức nào được chính phủ đồng ý về việc ưu tiên những bệnh nhân được chủng ngừa trước ngày phẫu thuật theo kế hoạch. Tuy nhiên, nếu vaccine có sẵn cho bệnh nhân phẫu thuật trong bệnh viện, khuyến khích việc này được thực hiện để giảm thiểu các rủi ro được báo cáo cho bệnh nhân COVID19 sau phẫu thuật.

 

Tiêm phòng vaccine COVID-19 ở bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch?[2]

Những bệnh nhân phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch rất dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng và nên được tiêm vaccine COVID-19. 

Bệnh nhân dùng bất kỳ loại thuốc nào sau đây nên được ưu tiên tiêm chủng:

  • Hóa trị liệu ức chế miễn dịch
  • Liệu pháp ức chế miễn dịch sau khi cấy ghép nội tạng rắn
  • Các liệu pháp sinh học ức chế miễn dịch hoặc điều hòa miễn dịch như kháng thể đơn dòng kháng TNF, alemtuzumab, rituximab, ofatumumab
  • Chất ức chế protein kinase như imatinib, erlotinib, everolimus
  • Chất ức chế poly-adp ribose polymerase (parp) như niraparib, olaparib, rucaparib
  • Thuốc ức chế miễn dịch dài hạn cho bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vẩy nến
  • Corticosteroid toàn thân trong hơn một tháng với liều tương đương với prednisolone 20mg mỗi ngày (mọi lứa tuổi)

Về thời gian, nên tính thời gian chích ngừa trùng với thời điểm công thức máu đã hồi phục tối đa nhưng tránh cùng ngày với hóa trị

Nên trì hoãn việc tiêm chủng ở những bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính không khỏe cho đến khi số lượng bạch cầu trung tính phục hồi > 1 x109/L và đã khỏe trở lại. Bệnh nhân bị giảm bạch cầu mãn tính nên được chủng ngừa ngay lập tức.

Các loại thuốc như mitomycin, gemcitabine,… được đưa vào bàng quang không ảnh hưởng đến thời gian tiêm chủng.

Những bệnh nhân sắp được điều trị ức chế miễn dịch theo kế hoạch nên được xem xét tiêm chủng trước khi bắt đầu điều trị (lý tưởng là ít nhất hai tuần trước đó), khi hệ thống miễn dịch có khả năng tốt hơn. Nếu có thể, cũng nên tiêm đủ 2 mũi trước khi bắt đầu liệu pháp ức chế miễn dịch. Điều này sẽ đòi hỏi phải cung cấp mũi 2 ở khoảng cách thời gian tối thiểu được khuyến nghị cho loại vaccine đó (ba hoặc bốn tuần kể từ liều đầu tiên).

 

Chủng ngừa với bệnh nhân đang điều trị bằng corticosteroid (uống, tiêm nội khớp, tiêm trong cơ hoặc tiêm tĩnh mạch)? [2]

Có một số nguyên tắc chung nhưng trong mỗi trường hợp, lợi ích và rủi ro nên được thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ để đi đến quyết định chung:

  • Việc chủng ngừa COVID-19 cùng thời điểm với dùng corticosteroid là an toàn, nhưng bệnh nhân có thể không đạt được phản ứng miễn dịch tốt như mong muốn.
  • Đừng trì hoãn việc tiêm chủng cho người đang dùng, đã hoặc sắp tiêm steroid dưới mọi hình thức.
  • Nếu cần thêm steroid để kiểm soát bệnh viêm, điều đó có thể được ưu tiên, vì bùng phát cũng có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ từ COVID-19.
  • Có thể trì hoãn việc tiêm steroid không cần thiết, như một phần của quyết định chung, để phản ứng với vaccine hiệu quả hơn. Đối với một bệnh nhân nằm trong danh sách chờ lựa chọn để được tiêm corticosteroid lên đến 80mg methylprednisolone hoặc 80mg triamcinolone, ưu tiên sử dụng vaccine COVID-19 nếu vaccine đã được tiêm cho bệnh nhân và tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 cao. Trong trường hợp này, việc tiêm steroid nên được hoãn lại 2 tuần sau khi tiêm vaccine, để bệnh nhân có thể đáp ứng tốt nhất với vaccine COVID-19.

 

Chủng ngừa với bệnh nhân đang điều trị bằng rituximab? [2]

Đối với các chỉ định về bệnh thấp khớp

  • Nếu có thể về mặt lâm sàng, nên tiêm vaccine COVID-19 bốn tuần hoặc hơn trước khi dùng rituximab.
  • Có thể có đáp ứng dưới mức tối ưu đối với vaccine COVID-19, đặc biệt đối với những người trong vòng sáu tháng kể từ liều rituximab cuối cùng, hoặc những người phải điều trị duy trì do tình trạng lâm sàng. Không có bằng chứng cho thấy bệnh nhân nên trì hoãn việc tiêm vaccine COVID-19 bao lâu sau khi dùng rituximab, nhưng sự đồng thuận cho rằng lý tưởng nhất là 4-8 tuần sau rituximab nếu có thể hoãn tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, điều này có thể phụ thuộc vào sự phổ biến của COVID-19 và cần được đồng ý là có thể chấp nhận được với bệnh nhân.
  • Khi thích hợp về mặt lâm sàng, nên cân nhắc sử dụng các liệu pháp thay thế cho rituximab, vì rituximab có thể có phản ứng dưới mức tối ưu với vaccine COVID-19. Điều này phải dựa trên từng trường hợp cụ thể, cân bằng giữa nhu cầu sử dụng rituximab và sự phù hợp của các liệu pháp thay thế đối với tình trạng lâm sàng liên quan.

Đối với các chỉ định về ung thư

Những bệnh nhân dùng các kháng thể đơn lớp bao gồm cả rituximab nên được xem xét để tiêm chủng. Không có vấn đề gì liên quan đến thời điểm tiêm chủng khi rituximab được sử dụng như một liệu pháp đơn trị liệu với điều kiện công thức máu nằm trong phạm vi chấp nhận được. Khi sử dụng kết hợp với điều trị hóa chất độc tế bào thì tiêm vaccine nên trùng với thời điểm công thức máu đã hồi phục tối đa, nhưng tránh cùng ngày với hóa trị liệu.

 

Người chích không thể nhớ họ tiêm vaccine nào lần 1, bác sĩ chích ngừa phải làm sao?[1]

Chưa đầy đủ bằng chứng về khả năng thay thế lẫn nhau của vaccine COVID-19 mặc dù các nghiên cứu đang được tiến hành. Tốt nhất là tiêm cùng một loại vaccine để hoàn thành liệu trình.

Cần cố gắng hết sức để xác định xem cá nhân đã nhận được loại vaccine nào và hoàn thành lịch trình với cùng loại vaccine đó.

Ngoại lệ duy nhất không được tiêm mũi 2 của vaccine AstraZeneca COVID-19 là những người đã bị rối loạn đông máu sau khi tiêm vaccine COVID-19 bất kỳ (Chống chỉ định cụ thể của vaccine AstraZeneca).

Nếu còn lại một khoảng thời gian dài hơn khoảng thời gian khuyến cáo giữa các mũi, thì vẫn nên tiêm mũi 2 (tốt nhất là sử dụng cùng loại vaccine đã được tiêm cho liều đầu tiên nếu có thể). Không cần phải tiêm lại mũi 1.

Nếu phải tiêm khác loại vaccine với mũi 1  thì phải cân nhắc giữa nguy cơ không tiêm chủng phải cao hơn nguy cơ tiêm chậm trễ.

Trong các tình huống đặc biệt, khi không xác định được vaccine được tiêm cho liều đầu tiên hoặc không còn thuốc vaccine phù hợp, bạn có thể sử dụng bất kỳ loại vaccine COVID-19 loại mRNA nào có sẵn, với thời gian cách nhau tối thiểu 28 ngày. Nếu hai sản phẩm vaccine COVID-19 loại mRNA khác nhau được sử dụng, thì không cần liều bổ sung nào của cả hai sản phẩm.

Nếu bệnh nhân đã nhận được liều đầu tiên của vaccine COVID-19 loại mRNA nhưng không thể hoàn thành loại vaccine COVID-19 loại mRNA giống nhau hoặc khác loại (ví dụ: do chống chỉ định), bạn có thể cân nhắc sử dụng một liều duy nhất của Janssen Vaccine COVID-19, với thời gian cách nhau tối thiểu 28 ngày. Xem phần chống chỉ định và lưu ý  để biết thêm thông tin về việc sử dụng Vaccine Janssen COVID-19 và các lưu ý bổ sung ở những người có chống chỉ định với vaccine COVID-19 loại mRNA.

 

Tổng hợp: SVD. Nguyễn Trần Mỹ Dung, Hà Phương Linh, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Hiệu đính: GV. Nguyễn Thị Liên, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BV Nguyễn Tri Phương

Tài liệu tham khảo: các thông tin, hướng dẫn của

CDC Hoa Kỳ [1], NHS  Anh [2], HealthlinkBC Canada [3], FDA Hoa Kì [4], Bộ Y tế Việt Nam [5]

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top