Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều của mùa hè là điều kiện thuận lợi phát sinh nhiều loại bệnh trong đó có bệnh chàm. Bệnh chàm không nguy hiểm nhưng kéo dài dai dẳng và gây rất khó chịu cho người bệnh. Đặc biệt với bệnh chàm, việc chọn không đúng thuốc và dùng không đúng cách sẽ làm bệnh nặng thêm hoặc chí ít là không khỏi được.
Chàm là loại bệnh tổn thương ngoài da với 2 nguyên nhân chủ yếu là do cơ địa dị ứng sẵn có trong cơ thể và tác nhân bên trong hoặc bên ngoài tác động vào yếu tố cơ địa gây nên bệnh.
Bệnh thường kèm theo các biểu hiện sau: Ban đầu chỉ xuất hiện các vùng đỏ da rồi xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ lấm tấm, bên trong có chứa dịch gây vướng víu, khó chịu cho người bệnh. Thời gian tiếp theo thì nước vàng chảy ra do mụn nước vỡ. Huyết tương rỉ ra đóng thành vảy màu vàng rồi thâm dần, vài ngày sau bong vảy. Vảy bong để lại lớp da non màu đỏ, không để lại sẹo.
Theo nguyên nhân gây nên bệnh, bệnh chàm được chia thành các loại sau như:
– Chàm tiếp xúc: Gây nên do tiếp xúc với một số hóa chất gây dị ứng như: nước tẩy rửa, phấn trang điểm, hoa, dép cao su.
– Chàm vi khuẩn: Do vi khuẩn có sẵn trong cơ thể gây nên. Với loại chàm này, vùng bị chàm gồm nhiều mụn nước, dễ lan tràn đến nơi khác gây sưng đỏ, chảy nước, ngứa dữ dội.
– Chàm trẻ em: Do cơ địa, nội tiết, rối loạn chuyển hóa nước, một số bệnh nhiễm khuẩn, dị ứng một số chất thần kinh.
– Chàm nội tạng: Thương tổn bị biến đổi, mụn nước chuyển thành sẩn lẫn mụn nước, rải rác khắp người.
– Chàm khô: Căn nguyên do cả việc tiếp xúc với hóa chất và do nội tạng bên trong.
Bệnh chàm thường không nguy hiểm nhưng thời gian mắc bệnh kéo dài, gây khó chịu, ngứa ngáy và mất thẩm mỹ cho người bệnh. Việc chọn thuốc không đúng và dùng thuốc không đúng cách sẽ làm cho bệnh nặng thêm hoặc kéo dài, thậm chí là không khỏi được.
Đầu tiên là phải tìm ra nguyên nhân, lý do mắc bệnh chàm (do cơ địa hay do tiếp xúc với hóa chất,..) Nếu nguyên nhân là do tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng thì cần hạn chế tiếp xúc, làm việc có những hóa chất đó. Kết hợp dùng thuốc uống với thuốc bôi ngoài da.
– Thuốc uống: Uống dung dịch natri bromid 2-3%. Nếu bị ngứa về đêm thì có thể dùng các thuốc kháng histamin, có thể dùng cả thuốc an thần gây ngủ để chống ngứa.
– Thuốc bôi:
+ Hồ nước: Trong giai đoạn đầu khi da mới đỏ, chảy nước ít thì việc dùng hồ nước có tác dụng làm dịu da, đỡ ngứa. Tuy nhiên, sau 1-2 ngày thì lại nên thay dạng thuốc khác.
+ Dung dịch: Thường dùng dung dịch Jarish, natri clorid 0,9%; thuốc tím 0,001%; vioform 1%. Dùng trong giai đoạn chàm bán cấp. Chú ý, không được dùng các dung dịch có axit boric cho trẻ em.
+ Thuốc mỡ: Chỉ trong giai đoạn chàm mạn tính thì mới nên dùng thuốc mỡ. Nếu dùng thuốc mỡ trong giai đoạn cấp tính sẽ gây phản ứng mạnh, có thể gây khó khăn cho việc điều trị bệnh.
– Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý: ăn nhạt, kiêng muối, hạn chế dùng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác
– Tránh việc tùy tiện dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc mạnh
– Tuyệt đối không cọ, gãi, sát xà phòng hoặc bôi đắp tùy ý.
– Nên đến khám tại các bệnh viện, phòng khám để có được hướng điều trị tốt nhất khi bệnh có dấu hiệu nặng thêm và không khuyên giảm.
Việc điều trị bệnh chàm sẽ kéo dài, nên khi mắc bệnh, bạn cần kiên trì chữa bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên chủ quan, bất cẩn khi dùng thuốc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh