Phân biệt cháy nắng và ngộ độc ánh nắng mặt trời

Nguyên nhân và đối tượng dễ bị ngộ độc ánh nắng

Ngộ độc ánh nắng xảy ra khi da bạn tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời mà không có biện pháp bảo vệ (ví dụ như mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, bôi kem chống nắng...). Nó cũng có thể xảy ra nếu bạn không được cung cấp đủ nước.

Theo bác sĩ da liễu Elizabeth Geddes-Bruce, đến từ Westlake Dermatology ở Austin, Texas (Mỹ) và bác sĩ Anisha Patel, PGS. về Da liễu tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas (Mỹ), những người có nguy cơ bị ngộ độc nắng bao gồm: 

  • Người có nước da trắng sáng hoặc nhạt.

  • Những người vừa bị cháy nắng và tiếp tục dành thời gian ở ngoài trời.

  • Những đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm trẻ sơ sinh và trẻ em, những người có làn da nhạy cảm và không thể nói ra cảm giác khó chịu hoặc không có khả năng tự tìm bóng râm.

  • Người đang dùng một số loại thuốc làm tăng nguy cơ cháy nắng, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và một số thuốc điều trị huyết áp.

  • Người lao động ngoài trời, đặc biệt là những người tiếp xúc với nắng trong giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

  • Những người dành thời gian dưới ánh nắng mà không thoa kem chống nắng hoặc mặc quần áo bảo vệ.

  • Những người sử dụng giường tắm nắng trong nhà.

Bác sĩ Patel nói mặc dù một số người có thể dễ bị cháy nắng và ngộ độc ánh nắng hơn, nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng bất kỳ ai, bất kể loại da nào, đều có thể bị cháy nắng hoặc gặp phải những tác dụng nghiêm trọng này.

 

Bạn nên làm gì nếu bị ngộ độc ánh nắng?

Bác sĩ Patel cho biết hầu hết những người bị cháy nắng hoặc ngộ độc ánh nắng có thể tự điều trị các triệu chứng tại nhà bằng cách uống đủ nước, nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc thêm với ánh nắng mặt trời và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen để giảm đau và hạ sốt. Bên cạnh đó, bạn có thể chườm lạnh và thoa kem dưỡng ẩm để làm mát giúp phục hồi lớp bảo vệ da và ngăn ngừa mất thêm độ ẩm.

Tuy nhiên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu gặp phải tình trạng lú lẫn, ngất xỉu, sốt và ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa, da phồng rộp nghiêm trọng,...

 

Phòng ngừa cháy nắng và ngộ độc ánh nắng

Theo bác sĩ Patel, cách tốt nhất để phòng ngừa cháy nắng và ngộ độc ánh nắng là hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vào những giờ cao điểm trong ngày. Nếu bạn phải ra ngoài trời, hãy thử các mẹo sau để bảo vệ bản thân khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời:

Bảo vệ làn da cẩn thận

Che chắn bằng áo sơ mi dài tay, quần dài và mũ rộng vành để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Bạn cũng nên bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm có khả năng chống tia UV 100%.

Sử dụng kem chống nắng

Sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF ít nhất 30 và thoa lại sau mỗi hai giờ hoặc nhiều hơn, nếu bơi hoặc đổ mồ hôi.

Uống đủ nước

Uống nhiều nước suốt cả ngày để tránh mất nước. Giữ đủ nước có thể giúp thay thế chất lỏng cơ thể bị mất, bổ sung điện giải và cũng có thể giúp da phục hồi sau khi tiếp xúc với nắng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top