Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ cần được vệ sinh tốt, theo dõi cẩn thận và kỹ càng nhằm sớm phát hiện những triệu chứng ban đầu của bệnh, từ đó kịp thời phát hiện và điều trị.
WHO đã đưa ra một số lời khuyên cho các bậc làm cha mẹ để phòng chống căn bệnh truyền nhiễm này cho bé yêu:
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào các nốt giộp da và vết thương, trước khi ăn hay cho trẻ bú, sau khi đi vệ sinh và thay bỉm, tã cho trẻ
- Vệ sinh sạch vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, thường xuyên ngâm rửa đồ chơi của trẻ bằng xà phòng, sau đó khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn clo để tẩy trắng.
- Tránh tiếp xúc gần gũi (ôm, hôn, dùng chung đồ chơi…) với trẻ mắc bệnh tay chân miệng để giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm
- Trẻ mắc bệnh nên được trông giữ tại nhà, không nên đi nhà trẻ hoặc nơi đông người để tránh lây nhiễm ra cộng đồng
- Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nên cho uống nhiều nước hơn bình thường. Việc này sẽ giúp trẻ nhanh hạ sốt, giảm đau và nguy cơ viêm loét.
- Theo dõi chặt chẽ tình hình tiến triển bệnh của trẻ, trực tiếp thông tin cho bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời. Nếu trẻ sốt cao, dai dẳng và kiệt sức, cần đưa trẻ tới các cơ sở chăm sóc y tế ngay
- Nên che miệng khi hắt hơi, sổ mũi hoặc ho
- Xử lý khăn, giấy, tã lót của trẻ mắc bệnh đúng cách, hợp vệ sinh, tránh lây nhiễm
- Luôn vệ sinh sạch sẽ và khô ráo nơi ở của trẻ, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ và thậm chí cả các trường mầm non.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh