Mong muốn sở hữu làn da trắng sau thời gian ngắn, nhiều chị em không ngần ngại tìm đến những giải pháp làm đẹp tức thời bằng cách “lột da”.
Có tên thuật ngữ tiếng Anh là chemical peelings, tại các spa, thẩm mỹ viện, phương pháp này còn được gọi là thay da hóa học hay thay da sinh học. Bản chất của phương pháp này là liệu pháp trị liệu da liễu thẩm mỹ được các bác sĩ da liễu hay các chuyên viên thẩm mỹ ứng dụng trong trị liệu một số vấn đề về da như mụn, sẹo, thâm, lão hóa, rối loạn sắc tố,...
Cơ sở khoa học của lột da hóa học dựa trên việc sử dụng các hoạt chất thay da, có bản chất là các axit hữu cơ như alpha hydroxy acid (AHA) hay beta hydroxy axit (BHA). Chúng kích thích quá trình bong vảy của lớp biểu bì, thúc đẩy thay mới và tái tạo của làn da, đồng thời tạo tín hiệu thương tổn lành tính, khởi phát một phản ứng viêm có kiểm soát để kích thích việc tăng sinh collagen, elastin, tăng cường tái cấu trúc biểu bì và trung bì.
Bên cạnh khả năng gây bong da và tróc vảy, mỗi axit hữu cơ còn có một số tác dụng sinh học đi kèm, thường được lựa chọn phù hợp với loại da và vấn đề da.
Các quy trình thay da hóa học khác nhau sẽ tạo nên những tác dụng không giống nhau, phụ thuộc vào bản chất hóa học của axit được chọn lựa, độ pH, môi trường của dung dịch thay da và thao tác, kỹ thuật thực hiện.
Ngoài ra, tình trạng và cách chăm sóc da của bệnh nhân trước khi thực hiện cũng có ảnh hưởng. Người có da mỏng đỏ, yếu hay da khô bong tróc, sử dụng các chế phẩm dưỡng da như AHA, BHA, retinol, isotretinoin trước khi thay da đều dễ làm cho da trở nên nhạy cảm và tổn thương hơn.
Khi thực hiện đúng, thay da hóa học có thể khắc phục được nhiều vấn đề như mụn, sẹo, thâm, lỗ chân lông to, lão hóa, rối loạn sắc tố,... với chi phí thấp hơn so với các phương pháp trị liệu bằng công nghệ cao như laser, ánh sáng cường độ cao,... Thậm chí, trong một số trường hợp như mụn do vi khuẩn hay viêm nang lông do vi nấm, viêm da tiết bã, liệu pháp này phát huy hiệu quả rất tốt.
Tuy nhiên, liệu pháp thay da hóa học cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tai biến nghiêm trọng nếu không được thực hiện đúng cách. Việc sử dụng những dung dịch thay da tự chế như ngâm rễ cây, thuốc rượu, củ huệ tây tại nhà dễ gây tổn thương nghiêm trọng. Bởi nồng độ các hóa chất tiêu sừng, bong vảy không được kiểm soát nghiêm ngặt, chỉ số pH của dung dịch không phù hợp với loại da và vấn đề da và nhiều yếu tố khác.
Bên cạnh đó, nếu kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản cũng sẽ gây ra những tác hại khó lường khi thực hiện liệu pháp này do không nhận biết được điểm dừng lâm sàng phù hợp, lựa chọn sai tác nhân thay da hay kỹ thuật không chuẩn mực.
Các tai biến của thay da hóa học có thể chỉ nhẹ nhàng như đỏ da, kích ứng, bong da quá mức hoặc rất nghiêm trọng như nhiễm trùng, tạo sẹo, da mỏng đỏ - lộ chỉ máu, tăng sắc tố sau viêm.
Một số người còn truyền tai nhau kinh nghiệm bôi kem làm trắng cấp tốc sau khi thay da để da trắng hồng, mịn màng. Những loại kem này thường có chứa thành phần corticoid tạo tác dụng trắng da nhờ kháng viêm và ức chế miễn dịch mạnh, căng bóng da nhờ tác dụng phụ gây phù và giữ nước. Tuy nhiên, sau một thời gian, làn da sẽ bị mỏng đỏ, lộ mạch máu do tác dụng phụ gây teo da, giãn mạch, có thể nổi mụn, kích ứng da, hình thành nám kháng trị.
Câu hỏi này cần được trả lời bởi các bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia thẩm mỹ sau khi thăm khám da cụ thể. Biện pháp này cần được chỉ định đúng loại da, đúng trường hợp để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh những rủi ro, tai biến và tác dụng phụ. Bạn không nên tự áp dụng thay da bằng các liệu pháp dân gian, truyền miệng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh