Vì sao bạn bị nổi mề đay?

Mề đay là tình trạng phản ứng của các mao mạch dưới da hay niêm mạc do các tác nhân từ bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, gây hiện tượng phù tại chỗ, da bị phồng lên, kèm triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay. Trong đó, các nguyên nhân thường gặp nhất là:

Do dị ứng: có nhiều tác nhân gây dị ứng như: Thuốc (một số người mẫn cảm với một số thành phần thuốc như aspirin, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau kháng viêm… ); Hóa mỹ phẩm (những loại mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chứa nhiều hóa chất…); Thực phẩm (các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, ghẹ…, trứng, sữa, đậu phộng... ; Các dị nguyên như khói bụi, phấn hoa, lông chó mèo…

Do thời tiết: Thời tiết thay đổi đột ngột có thể khiến nhiệt độ và độ ẩm tăng/ giảm bất thường, gây tăng các kháng thể quá mẫn trong cơ thể.

Do côn trùng cắn: thông thường, khi bị các loại côn trùng (ong, nhện, rết) cắn/đốt, mọi người sẽ có cảm giác châm chích hoặc đau, sưng tấy, kèm ngứa ngáy trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, với những người có cơ địa nhạy cảm, nọc độc có thể gây ra sốc phản vệ, dị ứng nặng.

Do di truyền: nếu trong gia đình có bố mẹ bị mề đay thì con cái khi sinh ra có nguy cơ mắc phải cao gấp đôi người bình thường.

Do gan suy yếu hay một số bệnh lý cũng có thể gây nổi mề đay như lupus ban đỏ, bệnh tuyến giáp tự miễn…

Trường hợp nổi mề đay nặng khi giao mùa, có khả năng vì nhiệt độ môi trường thay đổi, hay có một loại phấn hoa nào đó xuất hiện vào mùa này gây dị ứng. Để phòng ngừa, bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân và chữa trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top