✴️ 3 loại xét nghiệm tiểu đường thường gặp

Vai trò của việc xét nghiệm tiểu đường

Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính, ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Bệnh xảy ra khi cơ thể không tạo đủ insulin (cơ chế của đái tháo đường type 1) hoặc không thể sử dụng insulin do tuyến tụy tiết ra (cơ chế của đái tháo đường type 2). Điều này dẫn đến sự tích tụ một lượng lớn glucose trong máu, có thể đưa đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bệnh lý tim mạch, thận, tổn thương thần kinh, mờ mắt, hoại tử chi,...

Xét nghiệm tiểu đường là các xét nghiệm giúp đánh giá đường huyết, có thể tiến hành nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo được độ hiệu quả trong việc phát hiện sớm (chẩn đoán tiền đái tháo đường) cũng như theo dõi tiến trình điều trị đái tháo đường. Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể đề xuất những phương thức trị liệu và thay đổi cách sinh hoạt của bạn một cách hợp lý nhằm đưa lượng đường huyết trở về bình thường.

Một số loại xét nghiệm tiểu đường đang được dùng hiện nay.

Xét nghiệm HbA1c

Bình thường HbA1c chiếm 4 – 6% trong toàn bộ hemoglobin. Chỉ số HbA1c cao hơn 10% cho thấy sự kiểm soát đường huyết kém, cần có sự thay đổi về việc sử dụng thuốc hay lối sống cho phù hợp. Tất cả bệnh nhân đái tháo đường type 1, type 2 đều nên xét nghiệm HbA1c tối thiểu 2 lần trong 1 năm. Trong trường hợp đường huyết không ổn định, con số này nên là khoảng 3 tháng/lần.

Do HbA1c là xét nghiệm gắn liền với hồng cầu nên mọi vấn đề liên quan đến đời sống hồng cầu hay bệnh lý hemoglobin có thể làm ảnh hưởng đến kết quả. Cần trao đổi với bác sĩ để bác sĩ nắm bắt các bệnh lý huyết học của bạn, từ đó xem xét kết quả cho hợp lý.

Tìm hiểu thêm: Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Xét nghiệm Fructosamine

Fructosamine được sinh ra khi có sự kết hợp các protein máu với đường huyết. Xét nghiệm này có thể mô tả tình trạng đường huyết trong khoảng 1 – 2 tuần, do đó nó có ích trong các trường hợp đái tháo đường thai kỳ hay khi xét nghiệm HbA1c không đáng tin cậy. Tuy nhiên, khả năng theo dõi biến chứng đái tháo đường của xét nghiệm tiểu đường này vẫn còn là một dấu hỏi.

Xét nghiệm đường huyết: đường huyết đói, đường huyết no và đường huyết mao mạch

Lúc đói: ngưỡng bình thường dưới 100 mg/dL (tức không quá 5,2 mmol/L).

2 tiếng sau khi ăn: ngưỡng bình thường dưới 140 mg/dL (tức không quá 7,8 mmol/L). Thường xét nghiệm này được tiến hành 2 tiếng sau khi đưa 75g glucose đường uống ở đối tượng không mang thai.

Ngẫu nhiên: dao động từ 80 – 140 mg/dL (tức khoảng 4,4 – 7,8 mmol/L).

Xét nghiệm đường huyết tại nhà

Thử đường huyết tại nhà là một trong những xét nghiệm phổ biến hàng đầu vì tính dễ áp dụng của nó. Quy trình chung của các máy đo đường huyết tại nhà như sau:

  • Rửa sạch tay với xà phòng và lau khô tay bằng khăn sạch.
  • Đặt kim chích máu sạch vào bút chích.
  • Lấy que thử đường huyết khỏi hộp.
  • Chuẩn bị máy đo đường.
  • Dùng kim chích vào bên cạnh đầu ngón tay. Việc chích vào phần giữa đầu ngón có thể gây cảm giác đau đớn mà không thu được lượng máu đủ để xét nghiệm.
  • Nhỏ giọt máu vừa lấy lên que thử.
  • Ép bông gòn lên vị trí vừa lấy máu và kiểm tra kết quả từ máy đo đường.

Tác dụng phụ của xét nghiệm tiểu đường

Tác dụng phụ của xét nghiệm tiểu đường hiếm gặp và nhẹ (có thể hồi phục nhanh), bao gồm:

  • Chảy máu quá nhiều.
  • Bầm máu dưới da.
  • Mệt mỏi, choáng váng.
  • Nhiễm trùng qua vết đâm.

 

Xem thêm: Hạ glucose máu trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 và cách phòng hạ đường huyết

Tìm hiểu: Xét nghiệm đường huyết trong thai kỳ

return to top