✴️ Xét nghiệm A1c là gì?

Xét nghiệm A1c là gì?

Xét nghiệm A1c là một xét nghiệm máu để đo lượng đường trung bình máu trong khoảng 2–3 tháng.

Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận Hoa Kỳ (NIDDK). Xét nghiệm này được chỉ định để xem mức độ ổn định của lượng đường trong máu ở một người mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, có thể sử dụng trong chẩn đoán ban đầu của bệnh tiểu đường type 2 và không được sử dụng trong chẩn đoán tiểu đường type 1.

Các tên khác của xét nghiệm A1c là:

  • Xét nghiệm Hemoglobin A1c
  • Xét nghiệm HbA1c
  • Xét nghiệm Hemoglobin Glycated
  • Xét nghiệm Glycohemoglobin

Hemoglobin là protein trong các tế bào hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi lượng glucose trong máu cao, một số glucose sẽ liên kết với hemoglobin.

Loại hemoglobin mà glucose gắn vào là hemoglobin A tạo thành glycated hemoglobin (A1c).

Các tế bào hồng cầu sống trong khoảng 120 ngày (4 tháng). Vì vậy, kết quả tại thời điểm xét nghiệm kết sẽ cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa A1c và mức đường huyết trung bình trong 4 trước đó hoặc lâu hơn.

Cần chuẩn bị gì khi làm xét nghiệm A1c

Có thể thực hiện xét nghiệm A1c bất kỳ lúc nào mà không cần phải nhịn ăn trước hay chuẩn bị gì trước.

Hiểu các mức độ của chỉ số A1c như thế nào?

Kết quả của xét nghiệm A1c sẽ được tính bằng tỷ lệ phần trăm cho biết lượng hemoglobin mà glucose liên kết trong máu của một người.

Để chẩn đoán, kết quả xét nghiệm có các thang đo giá trị như sau:

  • Bình thường: Dưới 5,7%
  • Tiền đái tháo đường: 5,7–6,4%
  • Đái tháo đường: 6,5% trở lên

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm A1c cao không có nghĩa là một người mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thêm mức đường huyết của người đó. Nếu mức đường huyết là 200 miligam trên decilit (mg/dl), bác sĩ có thể sẽ kết luận mắc bệnh tiểu đường.

Một số yếu tố và tình trạng bệnh lý cũng có thể làm thay đổi kết quả đôi chút. Theo NIDDK, nếu kết quả xét nghiệm A1c cho thấy 6,8%, thì kết quả đọc thực tế có thể nằm trong khoảng 6,4-7,2%.

Các tình trạng khác có thể cho kết quả A1c sai lệch đối với mức thực tế bao gồm:

  • Bệnh thận
  • Bệnh gan
  • Một số rối loạn về máu như thiếu máu hồng cầu hình liềm
  • Mất máu hoặc vừa được truyền máu gần đây
  • Mức sắt trong máu thấp
  • Ốm yếu
  • Stress.

Nếu có hoặc nghi ngờ có bất kỳ tình trạng nào kể trên, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác.

Ngoài ra, nếu kết quả A1c, mức glucose trong máu, hoặc cả hai đều cho thấy mắc bệnh đái tháo đường, nhưng người đó không có triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện lại xét nghiệm để so sánh đối chiếu.

Một người bị tiền tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn. Việc thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. Hơn nữa, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 như:

  • Béo phì
  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Mức độ thấp của lipoprotein mật độ cao (HDL)

Xét nghiệm A1c không những có giá trị chẩn đoán cao mà còn rất quan trọng trong việc đánh giá, theo dõi. Xét nghiệm A1c và đường huyết trong máu thường xuyên có thể cho bác sĩ biết mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị hiện tại và bổ sung, thay đổi liệu pháp điều trị khác nếu cần thiết.

xét nghiệm A1c

eAG là gì?

Mức glucose trung bình hoặc eAG là một hình thức khác để báo cáo kết quả từ xét nghiệm A1c. Thay vì đơn vị là phần trăm, eAG được tính bằng đơn vị mg/dl tương tự như xét nghiệm đường huyết.

Dưới đây là bảng so sánh theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA).

A1C (%)

eAG (mg/dL)

5,7

117

6,4

137

6,5

140

7

154

8

183

9

212

10

240

Mức mục tiêu

Một người không được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường nên có điểm cho bài kiểm tra A1c dưới 5,7%.

Nếu từ 6,5% trở lên sẽ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường và cần điều trị. Các phương pháp điều trị sẽ bao gồm thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc hỗ trợ điều trị.

Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ cố gắng giữ cho điểm A1c ở mức dưới 7%. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có các mục tiêu khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và loại thuốc họ sử dụng để điều trị.

Tại sao việc kiểm tra theo dõi A1c lại quan trọng?

Kiểm soát lượng đường trong máu và mức A1c là cần thiết vì một số biến chứng có thể phát triển với bệnh tiểu đường, chẳng hạn như bệnh tim mạch.

Khi tỷ lệ A1c tăng, nguy cơ tiền tiểu đường trở thành bệnh tiểu đường type 2 và xuất hiện nhiều biến chứng đi kèm.

Ví dụ, đánh giá năm 2010 đã xem xét 16 nghiên cứu bao gồm hơn 44.000 người mà các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu trong 5,6 năm.

Một nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có chỉ số A1c từ 6,0–6,5% thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 20 lần trong vòng 5 năm khi so sánh với những người có mức A1c dưới 5%.

Sử dụng A1c để theo dõi ngăn ngừa các biến chứng

Quản lý mức đường huyết có thể làm giảm nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ, đặc biệt là ở mắt, thận và động mạch vành. Từ đó có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề có thể xảy ra với bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Mất thị lực
  • Bệnh tim mạch
  • Đột quỵ
  • Bệnh thận

Đạt được và duy trì mức A1c từ 7%  có thể làm giảm đáng kể những nguy cơ này.

Tuy nhiên, tình trạng mỗi người là khác nhau, do đó mục tiêu đạt được ở từng người sẽ do bác sĩ điều trị quyết định.

Xét nghiệm A1c trong thai kỳ

Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện xét nghiệm A1c khi bắt đầu mang thai để xem mức độ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở thai phụ.

Trong thai kỳ có thể kiểm tra đánh giá đái tháo đường thai kỳ theo những cách khác vì việc mang thai có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm A1c.

Nếu bị đái tháo đường thai kỳ có thể cần kiểm tra theo dõi đến 12 tuần sau khi sinh, vì đái tháo đường thai kỳ có thể phát triển thành đái tháo đường type 2

Nên thực hiện xét nghiệm A1c bao lâu 1 lần?

Một nghiên cứu lớn năm 2014 về xét nghiệm A1c đã kết luận rằng xét nghiệm 3 tháng một lần có thể giúp theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị, giúp những người mắc bệnh tiểu đường giữ mức đường huyết ổn định, đặc biệt nếu mức A1c ban đầu của họ là 7% trở lên.

ADA khuyến nghị xét nghiệm A1c cho những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường như sau:

  • Ít nhất 2 lần một năm đối với những người có mức đường huyết ổn định đang đáp ứng các mục tiêu điều trị.
  • Thường xuyên hơn khi kế hoạch điều trị có sự thay đổi hoặc nếu không đạt được các mục tiêu về mức đường huyết.
  • Đối với những người không mắc bệnh tiểu đường, ADA khuyến cáo rằng bất kỳ ai từ 45 tuổi trở lên hoặc dưới 45 tuổi nhưng có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường như béo phì nên thực hiện các xét nghiệm tầm soát theo khuyến nghị của bác sĩ.
  • Những người đã từng bị tiểu đường thai kỳ có thể cần sắp xếp khám sàng lọc đái tháo đường 3 năm một lần.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top