✴️ Điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng như thế nào?

Nội dung

Viêm loét dạ dày hành tá tràng là căn bệnh tiêu hóa rất phổ biến. Ngoài việc gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, viêm loét dạ dày hành tá tràng còn là tiền đề nguy hiểm có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng càng được tiến hành sớm càng cho kết quả hồi phục cao và phòng tránh được các nguy cơ xấu cho sức khỏe.

 

Triệu chứng viêm loét dạ dày hành tá tràng

–Người bệnh bị đau tức vùng thượng vị, đau nhiều khi đói, giảm đau sau khi ăn và thường xuyên đau vào nửa đêm về sáng.

Điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng cần được tiến hành sớm

-Cơn đau bụng có thể xuyên ra sau lưng, đau lan sang phải. Đau có tính chu kỳ.

-Người bệnh bị ợ chua hoặc ợ đắng, ợ hơi, nóng rát vùng thượng vị.

-Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc dính máu.

-Hẹp môn vị; thủng dạ dày hoặc tá tràng…

 

Cách điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng

Viêm loét dạ dày hành tá tràng là bệnh cấp hoặc mạn tính tại niêm mạc đường tiêu hóa do mất cân bằng bảo vệ, vi khuẩn, tác dụng phụ của thuốc (Piroxicam, Aspirin…), ăn uống không điều độ, stress kéo dài, trào ngược mạn tính các chất bài tiết của tụy, mật, acid mật…

Hiện nay, có nhiều loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng  khác nhau. Mục đích của điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng là làm giảm yếu tố gây loét, tăng cường yếu tố bảo vệ niêm mạc và diệt trừ Helicobacter pylori (nếu có).

-Giảm yếu tố gây loét bằng dùng thuốc ức chế bài tiết acid clohydric và pepsin; thuốc trung hòa acid clohydric đã được bài tiết vào dạ dày, tá tràng.

– Tăng cường yếu tố bảo vệ niêm mạc bằng dùng các thuốc bao phủ niêm mạc và băng bó ổ loét; dùng thuốc kích thích sản xuất chất nhầy (mucin) hoặc các phương pháp kích thích sự tái tạo niêm mạc bằng laser cường độ thấp – Heli – Neon.

-Diệt trừ Helicobacter pylori thông qua dùng các kháng sinh và các chất diệt khuẩn như Bismuth.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn uống có vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng. Theo đó, người bệnh cần tránh ăn các thức ăn dễ kích thích như: Rượu, ớt, hạt tiêu, dấm… Không hút thuốc lá, thuốc lào.

Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh và các biến chứng kèm theo để có chế độ ăn uống phù hợp. Ưu tiên ăn những đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa. Nên chia nhỏ bữa ăn, ăn làm nhiều bữa trong ngày. Ăn uống điều độ đúng giờ, ăn chậm nhai kỹ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top