Phần lớn phụ nữ bị động kinh có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh nếu được kiểm soát tốt cơn co giật và dùng thuốc hợp lý. Tuy nhiên, quá trình mang thai ở nhóm đối tượng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cần được theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh và sản phụ khoa.
Đối với mẹ: Việc sử dụng AEDs trong thai kỳ bị hạn chế do lo ngại về độc tính trên thai nhi, khiến việc kiểm soát cơn động kinh có thể không hiệu quả như ngoài thai kỳ. Cơn co giật trong thai kỳ còn làm tăng nguy cơ chấn thương vùng bụng, gây sảy thai, sinh non hoặc thai lưu.
Đối với thai nhi: Con sinh ra từ mẹ mắc bệnh động kinh có nguy cơ:
Bị rối loạn phát triển thần kinh (như chậm phát triển trí tuệ).
Mắc bệnh động kinh với tỷ lệ cao gấp 2 lần so với dân số bình thường.
Dị tật bẩm sinh, đặc biệt khi mẹ sử dụng các AEDs có nguy cơ cao như valproate.
Cần có kế hoạch mang thai rõ ràng, ưu tiên điều trị ổn định động kinh ít nhất 1–2 năm trước khi thụ thai.
Bác sĩ thần kinh cần đánh giá khả năng ngưng hoặc giảm liều thuốc, chuyển sang thuốc ít độc tính trên thai như lamotrigine hoặc levetiracetam.
Khuyến cáo bổ sung acid folic liều cao (ít nhất 4 mg/ngày) từ trước khi mang thai để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
Tam cá nguyệt đầu: Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc. Chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết và dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Các giai đoạn còn lại: Nếu động kinh tái phát, cân nhắc sử dụng AEDs ở liều thấp nhất có hiệu quả, tránh dùng nhiều loại phối hợp và không ngắt quãng điều trị để ngăn ngừa co giật nặng gây sinh non hoặc ảnh hưởng đến mẹ.
Theo dõi định kỳ: Bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để bác sĩ điều chỉnh liều thuốc phù hợp và đánh giá sự phát triển của thai nhi.
Chế độ sinh hoạt: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, caffeine, trà đặc và các chất gây nghiện.
Tránh phơi nhiễm: Không tiếp xúc với hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, sơn, dung môi công nghiệp.
Tâm lý và vận động: Giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, duy trì tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, thực hành các kỹ thuật thư giãn.
Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng các phương pháp điều trị thay thế (như thuốc đông y) khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Báo ngay với bác sĩ khi có cơn co giật để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng cho mẹ và thai nhi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh