✴️ Đau thần kinh tọa: Tổng quan và điều trị

Đau thần kinh tọa là bệnh gì?

Dây thần kinh toạn là dây thần kinh dài nhất của cơ thể, kéo dài từ thắt lưng cho đến ngón chân. Dây thần kinh tọa có chức năng là chi phối cảm giác, vận động và dinh dưỡng.

Đau thần kinh tọa hay đau dây thần kinh tọa là cảm giác đau theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau sẽ bắt đầu từ cột sống thắt lưng rồi lan xuống đùi, mặt trước cẳng chân, mắt cá chân và xuống tận các ngón chân. Triệu chứng đau ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày và vận động của người bệnh.

Đau thần kinh tọa thường gặp ở những người từ 30 – 50 tuổi, với tỷ lệ nam mắc nhiều hơn nữ. Theo thống kê, có tới 80% các trường hợp đau thần kinh tọa là do bện lý đĩa dệm chèn vào rễ thần kinh tọa.

Nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh tọa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau thần kinh tọa. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do đĩa đệm cột sống bị lồi ra và đè lên dây thần kinh tọa. Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân như: chấn thương, viêm đĩa vị cột sống, sưng dây thần kinh tọa, tổn thương thân cột sống…

Một nguyên nhân hiếm gặp khác là do dây thần kinh bị chèn ép bởi khối u, bị chảy máu trong, biến chứng từ việc gãy xương chậu, do mang thai, nhiễm trùng…

Đau thần kinh tọa có triệu chứng gì?

Khi bị đau thần kinh tọa, đa số bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng sau:

  • Đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa. Ban đầu thường đau ở cột sống thắt lưng sau đó lan tới mặt ngoài của đùi, cẳng chân rồi lan xuống mắt cá chân và các ngón chân. Có nhiều trường hợp chỉ đau cẳng chân mà không đau cột sống thắt lưng.
  • Các cơn đau thường khác nhau, có lúc đau nhẹ, lúc lại đau nhói dữ dội. Nhiều khi người bệnh chỉ cảm thấy như bị điện giật. Các cơn đau thường nặng hơn khi bạn hắt hơi, ho và ngồi lâu một chỗ.
  • Một số trường hợp ngoài đau đớn còn cảm thấy ngứa ran, tê và yếu cơ chân, bàn chân.

Đau thần kinh tọa có nguy hiểm?

Đau thần kinh tọa trước tiên là gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Những cơn đau ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, đến vận động của họ. Tuy nhiên, nó cũng không quá nguy hiểm, nhiều trường hợp có thể tự khỏi sau một vài tuần điều trị mà không cần phẫu thuật.

Thế nhưng, bạn cũng không nên xem nhẹ bệnh lý này vì có nhiều trường hợp đau thần kinh tọa gây tổn thương và làm thay đổi ruột, bàng quang, cần phải phẫu thuật để cải thiện.

Đau thần kinh tọa tuy không đe dọa đến tính mạng người bệnh nhưng nếu không chữa trị, bệnh kéo dài có thể dẫn đến tàn phế. Vì thế, phát hiện và điều trị sớm là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ chính mình.

Đau thần kinh tọa khi nào cần gặp bác sĩ?

Những trường hợp đau thần kinh tọa nhẹ có thể sẽ tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, với những trường hợp đau nặng thì bạn cần đi khám để được chữa trị sớm, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Đi khám ngay nếu bạn có những biểu hiện sau:

  • Đau dữ dội, đột ngột ở lưng hoặc chân.
  • Gặp khó khăn trong việc kiểm soát ruột hoặc bàng quang.

Ai có nguy cơ cao bị đau thần kinh tọa?

Đau thần kinh tọa có thể gặp ở bất cứ ai. Tuy nhiên, những yếu tố dưới đây khiến bạn nằm trong đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này.

  • Tuổi tác: Thông thường, những người bị đau thần kinh tọa sẽ ở độ tuổi 30 – 50. Tuổi tác liên quan đến sự thay đổi của cột sống nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh lý này.
  • Nghề nghiệp: Người làm công việc thường xuyên phải xoay lưng, quay người, mang vác nặng, lái xe.
  • Béo phì: Trọng lượng cơ thể quá lớn có thể tạo căng thẳng cho cột sống, gây nên những thay đổi ở cột sống và dễ dẫn đến đau thần kinh tọa.
  • Lối sống: Thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những người khác.

Chẩn đoán hình ảnh

Tình trạng thoát vị đĩa đệm hay gai cột sống thường được phát hiện qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh nhưng lại không gây biểu hiện triệu chứng ở người bệnh. Do đó, bác sĩ thường không yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm này trừ khi cơn đau ngày càng nghiêm trọng hoặc không cải thiện trong vài tuần.

  • Chụp X-quang. Phương pháp này có thể cho thấy sự phát triển của các gai xương ở cột sống đang gây ảnh hưởng dây thần kinh tọa.
  • Chụp MRI. Kỹ thuật sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết của xương và các mô mềm, từ đó thấy được tình trạng thoát vị đĩa đệm đang xảy ra ở đâu.
  • Chụp CT. Bạn có thể được tiêm thuốc cản quản vào ống sống trước khi chụp để cho ra hình ảnh rõ ràng hơn.
  • Điện cơ (EMG). Thử nghiệm này giúp xác định dây thần kinh có đang bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm hay hẹp ống sống không.

Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Khi điều trị đau thần kinh tọa, cần tuân theo các nguyên tắc sau:

  • Điều trị dựa theo nguyên nhân.
  • Điều trị nội khoa với trường hợp bệnh nhẹ và vừa.
  • Khi bệnh có biến chứng cần điều trị bằng ngoại khoa.

Điều trị nội khoa

Người bệnh cần áp dụng chế độ nghỉ ngơi phù hợp: nên nằm giường cứng, tránh mang vác nặng, lao động quá sức, không ngồi hoặc đứng quá lâu.

Điều trị bằng thuốc

Thông thường, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân gồm những loại thuốc như: Thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc vitamin nhóm B, thuốc giảm đau thần kinh, tiên corticosteroid ngoài màng cứng trong trường hợp đau do rễ thần kinh tọa…

Điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu

Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng thần kinh tọa, giảm đau, cải thiện tính linh hoạt của cơ. Chúng gồm:

  • Massage liệu pháp.
  • Thể dục trị liệu với các bài tập kéo giãn cột sống, bơi, xà đơn treo nhẹ người…
  • Đeo đai lưng hỗ trợ.

Điều trị ngoại khoa

Thường được áp dụng trong các trường hợp nặng hoặc những trường hợp đã áp dụng các phương pháp trên nhưng không đem lại hiệu quả. Lúc này, người bệnh sẽ được điều trị ngoại khoa bằng phương pháp phẫu thuật. Có hai phương pháp chính là:

  • Phẫu thuật lấy nhân đệm: Bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ một phần địa đệm bị thoát vị với những trường hợp có biến chứng hạn chế vận động, điều trị giảm đau 3 tháng nhưng không hiệu quả hoặc bị rối loạn cảm giác nặng.
  • Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống: Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp đau thần kinh tọa do hẹp ống sống.

Điều trị hỗ trợ

Người bệnh có thể tự điều trị hỗ trợ tại nhà bằng cách chườm lạnh hay chườm nóng tại khu vực tổn thương sẽ giúp giảm bớt cơn đau.

Điều trị khác

Một vài phương pháp khác được áp dụng trong điều trị đau thần kinh tọa là: Châm cứu, nắn khớp xương… Cần lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện những phương pháp này.

Biện pháp phòng ngừa đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh mà còn có thể biến chứng dẫn đến bại liệt nên cần phòng ngừa từ sớm. Hãy áp dụng các biện pháp sau:

  • Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày.
  • Duy trì tư thế ngồi phù hợp, không ngồi một chỗ quá lâu.
  • Hạn chế khuân vác nặng.
  • Hạn chế nâng hoặc vặn thắt lưng thường xuyên.

Có thể bạn quan tâm: Những điều cần biết về đau hông lưng và đau chân

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top