✴️ Viêm loét dạ dày cấp tính: Chẩn đoán trúng để điều trị đúng

Nội dung

Viêm loét dạ dày cấp tính là bệnh tiêu hóa phổ biến với hơn 1,5 tỷ dân trên thế giới mắc bệnh này mỗi năm. Trong đa số trường hợp, viêm loét dạ dày cấp tính không nghiêm trọng và nhanh chóng được cải thiện nếu được chuẩn đoán và điều trị chính xác.

 

1. Hiểu về bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

Viêm loét dạ dày cấp tính là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây sưng, viêm đột ngột. Bệnh thường khởi phát nhanh và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn.

Phân biệt dạ dày khỏe mạnh và viêm loét dạ dày cấp tính

Viêm loét dạ dày cấp được biểu hiện lâm sàng bởi các triệu chứng như: đau bụng vùng thượng vị; buồn nôn, nôn sau khi ăn; đầy hơi, khó tiêu kèm cảm giác nóng rát; xuất huyết tiêu hóa (nôn ra dịch có lẫn máu hoặc đi ngoài phân đen)…

Trên thực tế, đây không phải bệnh lý nguy hiểm, rất nhanh có thể chuyển biến tích cực khi được điều trị đúng cách và kịp thời. Đối với điều trị viêm loét dạ dày, đây còn được coi là thời điểm “vàng” trong điều trị dứt điểm bệnh. Mặt khác, nếu không được điều trị, viêm loét dạ dày cấp tính có thể tiến triển thành mãn tính, gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

 

2. Viêm loét dạ dày cấp tính do đâu?

Dịch vị axit tiết ra làm kích thích phần niêm mạc dạ dày bị tổn thương là nguyên nhân chủ yếu làm khởi phát bệnh viêm loét dạ dày cấp. Tình trạng này xảy ra có thể kể đến các yếu tố như:

– Bệnh nhân lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và corticosteroid trong thời gian dài

– Nhiễm khuẩn Hp (Helicobacter Pylori), tác nhân chiếm đến 90% trường hợp viêm loét dạ dày

Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày cấp tính

– Sử dụng rượu bia quá mức làm kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày

Một số yếu tố ít phổ biến hơn có thể kể đến:

– Người bệnh ở trong trạng thái căng thẳng thần kinh cực độ

– Người bệnh sử dụng chất kích thích hoặc chất gây nghiện

– Rối loạn tự miễn dịch (Viêm dạ dày tự miễn)

– Bệnh nhân mắc các bệnh lý khác: bệnh lý về tiêu hóa và rối loạn tiêu hóa như Crohn; trào ngược dịch mật; nhiễm virus, ký sinh trùng…

Hình ảnh nội soi mô tả bệnh Crohn ở đường ruột

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày cấp:

– Do biến chứng hậu thuật

– Bệnh nhân có tiền sử suy gan hoặc suy hô hấp

 

3. Cơ sở chẩn đoán bệnh

Như đã đề cập, viêm loét dạ dày cấp tính không phải là bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, việc chủ quan trong chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh có thể dẫn đến hệ quả khác như:

– Viêm loét dạ dày mãn tính

– Xuất huyết dạ dày

– Hẹp môn vị

– Mất nước

– Suy thận

Đây đều là những biến chứng nghiêm trọng của viêm loét dạ dày cấp. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh nếu diễn ra trong thời gian dài.

Khi có nghi ngờ về triệu chứng bệnh, bệnh nhân cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng tình trạng bệnh. Trước tiên, các bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh lý và bệnh sử của bệnh nhân. Tiếp theo, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một số kiểm tra, hỗ trợ cho các bác sĩ đưa ra chẩn đoán lâm sàng:

– Thực hiện tổng phân tích tế bào máu đánh giá sức khỏe tổng quát

– Kiểm tra dương tính vi khuẩn Hp bằng xét nghiệm máu, test hơi thở hoặc phân tích mẫu nước bọt

– Kiểm tra tình trạng xuất huyết trong phân thông qua xét nghiệm mẫu phân

– Nội soi dạ dày nhằm đánh giá mức độ, vị trí viêm loét tại lớp niêm mạc dạ dày

– Sinh thiết mô dạ dày

– Một số nguyên nhân liên quan đến cấu trúc trong hệ tiêu hóa, được chỉ định siêu âm và chụp X-quang

 

4. Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày cấp tính hiệu quả

Điều trị viêm loét dạ dày cấp cần chú trọng nguyên tắc sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng bệnh, kết hợp với thay đổi lối sống, cách sinh hoạt.

4.1 Điều trị viêm loét dạ dày cấp tính theo phác đồ của bác sĩ

Dựa vào mức độ viêm loét và nhu cầu của bệnh nhân, các bác sĩ có thể chỉ định những phác đồ điều trị khác nhau. Trong đó, người bệnh có thể được kê đơn sử dụng các loại thuốc để điều trị viêm dạ dày cấp như:

– Thuốc kháng axit: giúp trung hòa axit dư thừa tại dạ dày.

– Thuốc kháng thụ thể histamin H2: sử dụng trước khi ăn khoảng 30 phút để làm giảm tiết axit dạ dày

– Thuốc ức chế bơm proton có tác dụng ức chế quá trình sản xuất axit dạ dày. Thuốc được dùng theo chỉ định của bác sĩ 1 lần/ ngày và không dùng quá 14 ngày

– Trong trường hợp người bệnh dương tính với vi khuẩn HP, thuốc kháng sinh diệt HP sẽ được đưa vào phác đồ điều trị. Loại thuốc này thường sử dụng trong khoảng từ 10 đến 14 ngày

4.2 Các thói quen lành mạnh phòng – hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày cấp tính

Không thể thay thế phác đồ điều trị nội khoa, nhưng việc xây dựng các thói quen có lợi sẽ giúp người bệnh hạn chế đáng kể các dấu hiệu của bệnh. Một số thói quen bạn có thể thực hiện như:

– Không sử dụng hoặc hạn chế tối thiểu các thức uống có cồn như rượu, bia

– Hình thành thói quen ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm dầu mỡ,cay, nóng hoặc có vị chua

– Có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, ăn chậm, nhai kỹ

– Hạn chế thức khuya

– Cố gắng điều chỉnh tâm trạng, giảm áp lực, stress trong công việc và cuộc sống

– Hạn chế sử dụng các thuốc làm kích thích niêm mạc dạ dày

– Ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh thông qua thói quen rửa tay, sát khuẩn thường xuyên

– Sử dụng các loại thuốc kháng viêm nhóm NSAIDs đúng chỉ định của bác sĩ, không sử dụng thường xuyên, liên tục

Với các kiến thức về viêm loét dạ dày cấp tính trên đây, hy vọng các bạn có thể tìm được câu trả lời cho những thắc mắc, lo lắng về cách chuẩn đoán – điều trị bệnh lý này. Đặc biệt, cần lưu ý không tự ý dùng thuốc hay tự chữa trị tại nhà khi chưa được tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa. Viêm loét dạ dày cấp tính là căn bệnh có thể chữa trị dứt điểm, nhưng chỉ khi được chẩn đoán đúng, điều trị trúng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top