✴️ Hệ số lây lan bệnh dịch Covid và tình hình hiện tại ở Tp.HCM

Nội dung

Chỉ số lây lan

Đây là con số (kí hiệu R, gọi là ‘basic reproduction number‘) quan trọng nhứt trong bất cứ trận dịch nào. Xin nhắc lại cho những bạn nào chưa biết ý nghĩa của nó: nếu một người lây cho 2 người, và 2 người tiếp tục lây cho 4 người, v.v. thì chỉ số R = 2. Đây là con số mà tôi (và những ai làm về mô hình hoá) sử dụng để dự báo và đánh giá dịch. Chỉ số R càng cao có nghĩa là dịch càng nặng, và ngược lại, khi R giảm có nghĩa là dịch đang giảm.

Chỉ số R rất rất khác biệt giữa các quần thể và quốc gia. Theo một phân tích tổng hợp công bố trên PLoS ONE thì R giữa các nước có thể dao động trong khoảng 1.44 đến 6.50 [1], với trung bình là 2.87. Riêng ở Sài Gòn, dùng số liệu tính đến ngày 28/7 tôi ước tính rằng R = 1.25.

Cộng đồng phải chung tay giảm chỉ số R xuống dưới 1. Chỉ khi nào R < 1 thì mới có lí do để xem xét ngưng lockdown.

Một chỉ số dịch tễ học khác ít người nghe đến nhưng quan trọng trong việc hoạch định chánh sách là Re (còn gọi là ‘effective reproduction number‘). Re phản ảnh số người trong cộng đồng có thể bị lây nhiễm ở bất cứ thời điểm nào. Chỉ số Re phụ thuộc vào tỉ lệ người được tiêm vaccine (kí hiệu P) và R qua công thức:

Re = R*(1 – P)

Công thức trên cho thấy chỉ khi nào R = 0 hay P = 1 (tức 100%) thì số người có thể bị (nguy cơ) lây nhiễm mới xuống còn 0. Nhưng không thể hay rất khó đạt mục tiêu Re = 0 đó, cho nên có thể lấy Re < 0.5 làm ngưỡng để xem xét ngưng lockdown.

Khi nào thì Re < 0.5? Khi R = 0.7 và P = 0.3, tức khi vaccine đã bao phủ ít nhứt 30% dân số và khi chỉ số lây lan giảm xuống dưới 0.7.

Sự thay đổi của hệ số lây lan có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó là một trong những yếu tố để quyết định chánh sách. Nếu R > 1 thì dịch còn lây lan; nếu R < 1 thì dịch đang suy giảm và sẽ 'suy tàn' theo thời gian.

 

Năm ngoái, dùng dữ liệu của Vũ Hán và số ca hàng ngày ở Việt Nam, tôi ước tính rằng R = 1.08, nhưng xác suất 95% có thể dao động từ 0.87 đến 1.33. Sau đó thì hệ số R giảm xuống dưới 1 và quả vậy, dịch đã được kiểm soát.

[1] https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0242128

 

Hiện nay với TPHCM thì sao?

Tôi dùng dữ liệu về số ca nhiễm hàng ngày (tính từ 1/7/21) và lại tính toán R cho mỗi tuần. Biểu đồ dưới đây cho thấy vào thời điểm đầu tháng 7, hệ số R = 1.33 (khoảng tin cậy 95%: tứ 1.12 đến 1.61). Nhưng sau đó thì trồi sụt theo thời gian, và quan trọng nhứt là tính từ đầu tháng 9/21 thì R giảm xuống thấp hơn 1. Tính từ tuần 13/9 thì R = 0.94 (khoảng tin cậy 95%: 0.89 đến 0.99).

Nhưng R phải được điều chỉnh cho tỉ lệ tiêm chủng vaccine. Do đó, một chỉ số khác quan trọng hơn là 'hệ số lây lan thực tế' (Re hay effective R). Có thể ước tính bằng công thức:

Re = R*(1 - P),

trong đó P là tỉ lệ dân đã được miễn dịch qua vaccine hay bình phục sau khi bị nhiễm. Chúng ta biết rằng ở TPHCM số người được tiêm 1 liều là 90%, và với R = 0.94 thì Re = 0.094. Ngay cả nếu tỉ lệ 2 liều là 30% Thì Re = 0.63.

Như vậy, có thể nói rằng: Hệ số lây lan ở TPHCM đang giảm

Tóm lại, lí giải dịch tễ học trên cho thấy dịch ở TPHCM đang suy giảm và hệ số lây lan thực tế thấp hay rất thấp.

 

Tác giả: GS. Nguyễn Văn Tuấn

return to top