✴️ Vị thuốc cây Bông tai

Nội dung

Tên tiếng Việt: Bông tai

Tên khoa họcAsclepias curassavica L.

Tên khác: Ngô thị, Mã lợi cân, Vạn niên hoa, tThảo mộc miên, Mác kha сау (Тàу)

Họ: Thiên lý (Asclepiadaceae)

Công dụng: Hoạt huyết, tiêu viêm, điều kinh, thanh nhiệt, chỉ thống, sinh cơ. Ở một số địa phương, nhân dân dùng rễ bông tai sắc uống chữa khí hư, mụn nhọt. Lá sắc uống chữa bệnh kiết lỵ nhưng với liều lớn lại gây ngộ độc.

1. Mô tả

  • Cây nhỏ, sống lâu năm, cao 1-1,5 m. Thân mảnh. Nhẵn, ít phân nhánh.
  • Lá mọc đối, hình mác, dài 8 – 20 cm, rộng 1,8 – 3,5 cm, gốc và đầu thuôn, hai mặt nhẵn, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới nhạt, có gân nổi rõ, cuống ngắn, lá khi bấm có nhựa mủ trắng.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thân và kẽ lá gần ngọn thành xim tán hoa, 6 – 12, màu đỏ, đài có 5 răng hình mác nhọn, tràng có 5 cánh, khi nở cụp gập xuống, tràng phụ màu vàng gắn vào cột nhị, nhị đính ở gốc tràng. Chỉ nhị dính thành ống, bao phấn có tai ở gốc.
  • Quả cấu tạo bởi hai đại nhẵn, choãi ra, phình ở gốc: hạt màu đỏ nâu mang một chùm lông.
  • Mùa hoa quả: tháng 4 – 9.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Asclepias L., chỉ có một loài là cây bông tai ở Việt Nam. Cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ và mọc rải rác khắp các vùng nhiệt đới khác của thế giới. Ở Việt Nam. bông tai là loại cây cảnh có hoa đẹp, được trồng trong chậu hoặc trên các ô đất nhân tạo ở ban công.

Cây ưa sáng, có thể hơi chịu hạn. Cây trồng ở các tỉnh phía nam ra hoa quả nhiều hơn ở các tỉnh phía bắc. Quả khô tự mở; hạt có mào lông, phát tán được nhờ gió. Cây có thể trồng được bằng cách giâm cành.

3. Bộ phận dùng

Toàn cây thu hái quanh năm, dùng tươi hay khô.

4. Thành phần hóa học

Cây bông tai chứa một glucosid độc là asclepiadin, 6 flavonoid glycosid là quercetin 3 – O. (2″, 6″ – α – L – dirhamnopyranosyl – β – D – galactopyranosid, quercetin – 3 – O – β – D glucopyranosyl – (1 -> 6) – β – D – galactopyranosid, quercetin – 3 – O – (2″ – O – α – L – rhamnopyranosyl – 3 – D – galactopyranosid quercetin – 3 – O – α – L. rhamnopyranosyl – (1->6) – 6 – D – glucopyranosid, quercetin – 3 – O – β – D – galactopyranosid, quercetin – 3 – О -β – D – glucopyranosid (CA 124: 82. 143q.

Thân có 3′- epi-19′ – morafosid và 12 β hydroxycoroglaucigenin (CA 116: 124, 885a) Cardenolid, sterol tự do, triacylglycerol, triterpenyl acetat, steryl vä triterpen ester (CA 5: 203.414 d).

Nhựa mủ có thành phần chính là voruscharin (CA 4 39264 m), lipase (CA 115: 228312g).

5. Tác dụng dược lý

Tác dụng cường tim: Các bộ phận từ cây bông tai như rễ, thân, lá, hoa, hạt, vỏ quả dưới dạng nước sắc thí nghiệm trên tim ếch cô lập đều có tác dụng làm tim ngừng đập ở thời kỳ tâm thu. Dạng cồn thuốc chiết từ hạt bông tai thí nghiệm trên tim mèo tại chỗ. tiêu bản tim phổi, theo dõi trên điện tâm đồ, thể hiện tác dụng cường tim.

Chất curassavicin ở dạng thô, thí nghiệm trên tim động vật máu nóng cũng như trên tim động vật máu lạnh đều thể hiện tác dụng cường tim giống như Strophantin. Tác dụng cường tim của hoạt chất calotropin lại xấp xỉ với tác dụng của strophantin G.

Chất curassavicin có độ tích luỹ thấp, thí nghiệm trên bồ câu. Sau khi dùng thuốc 24 giờ, thuốc không còn tích luỹ trong cơ thể. Hoạt tính sinh học của Curassavicin tính bằng đơn vị bồ câu là 0,751 mg/kg. Hoạt tính sinh học của dạng cồn thuốc thấp hơn 273 lần so với dạng glycosid thô.

Tác dụng độc tế bào: Calotropin thí nghiệm trên ống kính có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư mũi họng.

Các tác dụng khác: Nước sắc lá và thân bông tai có tác dụng ức chế nhẹ đối với tử cung cô lập chuột cống trắng làm tăng lưu lượng dịch truyền đối với tiêu bản chỉ sau chuột cống trắng, không có ảnh hưởng rõ rệt đối với hồi trường chuột lang. Bông tai còn có tác dụng gây nôn, hoạt chất asclepiadin tồn tại trong cây có tác dụng giống emetin, được dùng chữa kiết lỵ nên bông tai ở Ấn Độ có tên gọi là Ipecacuanha hoang dại (wild ipecacuanha).

Độc tính: Bông tai có độc, thành phần có độc tính là một hỗn hợp gồm các glycosid cường tim, với một liều rất nhỏ các glycosid trên làm cho ếch chết trong vòng nửa giờ, tin ngừng đập ở thời kỳ tâm thu.

6. Tính Vị, công năng

Bông tai có vị đắng, tính hàn, có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm, điều kinh, thanh nhiệt, chỉ thống, sinh cơ

7. Công dụng

Ở một số địa phương, nhân dân dùng rễ bông tai sắc uống chữa khí hư, mụn nhọt. Lá sắc uống chữa bệnh kiết lỵ nhưng với liều lớn lại gây ngộ độc.

  • Ở Trung Quốc, bông tai được dùng chữa viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi, Viêm đường tiết niệu, bang lậu đới hạ, kinh nguyệt không đều.
  • Ở Ấn Độ, lá để tẩy giun, làm thuốc ra mồ hôi: hoa làm thuốc cầm máu, rễ được dùng gây nôn, gây se xoắn chữa kiết lỵ

Liều dùng: 0,6-9,0g, sắc nước uống.

Chú ý:

Bông tai có độc, khi sử dụng cần thận trọng. Dùng quá liều dễ bị ngộ độc với triệu chứng đau đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng đi ngoài, nói lảm nhảm, chân tay lạnh ra mồ hôi, mặt nhợt nhạt, mạch không đều, đồng tử giãn to, tiếp theo là co giật hôn mê, tim ngừng đập, tử vong.

  • Cấp cứu bằng cách gây nôn rửa dạ dày, hoặc tẩy, nếu ngộ độc đã lâu, uống lòng trắng trứng gà, vitamin C, nước chè đặc, tiêm atropin, tiêm truyền tĩnh mạch glucose, giữ ấm.
  • Đồng thời, điều trị triệu chứng, nếu xuất hiện bồn chồn vật vã thì dùng thuốc an thần uống chloral hydrat 12g, hoặc tiêm bắp thịt phenobarbital nếu trụy tim mạch thì dùng thuốc gây hưng phấn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top