✴️ Bệnh Chagas

Nội dung

Trypanosoma cruzi gây ra bệnh Chagas hay còn gọi là Trypanosomiasis Mỹ. Người mắc bệnh do tiếp xúc với phân của loài bọ xít hút máu Triatoma - một loại côn trùng hút máu người và động vật. Trypanosoma cruzi sẽ xâm nhập vào cơ thể người qua vết đốt hoặc vết xước ở da (do ngứa gãi) hoặc qua kết mạc.

 

VỀ HÌNH THỂ:

Ở người có dạng trypomastigote (roi dài và phần roi ngoài thân ngắn) sống trong máu và dạng amastigote (3 - 4 μm, không có roi, sống trong hệ lưới mô bào và trong cơ vân, nhất là cơ tim,hình tròn hoặc trái xoan).

Ở côn trùng trung gian truyền bệnh: có dạng epimastigote và promastigote. Dạng epimastigote cũng gặp trong nuôi cấy.

 

DỊCH TỄ HỌC VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ:

Bệnh Chagas là một trong những gánh nặng bệnh cao nhất ở châu Mỹ Latinh. Các nước có bệnh lưu hành: Argentina, Belize, Bolivia, Brazil, Colombia, Costa Rica, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Guyana, Honduras, Mexico, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Suriname và Venezuela.Khoảng 16 - 18 triệu người nhiễm bệnh, trong đó có 50.000 tử vong mỗi năm.

Bệnh thường gặp ở những thành phần dân nghèo, nhà lá, vách đất - là nơi trung gian truyền bệnh dễ trú ẩn. Vì vậy, ở các nước có lưu hành, người dân sống ở khu vực nông thôn có nguy cơ mắc cao. Những nỗ lực về y tế công cộng nhằm ngăn chặn lây truyền đã làm giảm số mắc mới và loại trừ bệnh do véc tơ truyền ở một số vùng. Nguy cơ mắc bệnh từ các sản phẩm máu, cấy ghép nội tạng, hoặc bẩm sinh vẫn tiếp tục là một mối đe dọa. Theo CDC ước tính, có hơn 300.000 người bị nhiễm Trypanosomacruzi sinh sống tại Mỹ. Hầu hết những người bị bệnh Chagas ở Mỹ bị lây nhiễm từ người dân nhập cư đến từ các nước có lưu hành bệnh. Mặc dù có trung gian truyền bệnh ở Mỹ nhưng các ca bệnh do véc tơ truyền chiếm tỷ lệ rất ít trong số ca được ghi nhận.

Có 3 hình thức lây truyền chủ yếu: do véc tơ truyền, từ mẹ sang con (bẩm sinh) và truyền máu, cơ quan, nội tạng được cấy ghép từ người hiến bị bệnh. Ngoài ra, còn có các hình thức lây truyền khác nhưng hiếm gặp: tai nạn trong phòng thí nghiệm, thức ăn, nước uống bị nhiễm KST.

Hình 3: Bọ xít hút máu lây truyền bệnh Chagas
(Nguồn: http://www.cdc.gov)

Nguồn chứa mầm bệnh là người, thú gần người (mèo, chó, chuột,..) và các động vật có vú khác.

Hình 4: Các vật chủ của T. cruzi
(Nguồn http://www.uta.edu)

 

CHU TRÌNH PHÁT TRIỂN:

Chu trình phát triển của T. cruzi đòi hỏi phải qua trung gian một côn trùng hút máu, đó là bọ xít Triatoma, thuộc họ Reduviidae. Bọ xít đốt người bệnh, hút máu có mầm bệnh. Khi ký sinh trùng vào đến ruột của bọ xít thì sinh sản tích cực (vô tính), cuối cùng tụ lại trong phần cuối của ruột dưới dạng gây nhiễm. Khi bọ xít đốt người nó thải phân ra da hoặc niêm mạc. Ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể ký chủ qua vết đốt, niêm mạc mắt hoặc sang thương do ngứa gãi.

Hình 6: Chu trình phát triển của Trypanosoma cruzi
(nguồn: http://www.who.int)

 

VỀ BỆNH HỌC:

Bệnh Chagas có giai đoạn cấp tính và mãn tính. Nếu không được điều trị, sẽ bị nhiễm trùng suốt đời.

Bệnh Chagas cấp tính xảy ra ngay sau khi nhiễm trùng, có thể kéo dài đến vài tuần hoặc vài tháng, và giai đoạn này có thể tìm thấy ký sinh trùng trong máu. Nhiễm trùng có thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Bệnh biểu hiện bằng phản ứng tại chỗ xâm nhập của ký sinh trùng: phù nề do viêm, hạch trong vùng bị đốt nổi lên, thường vùng mặt với viêm mí mắt một bên. Các dấu hiệu này có thể kéo dài khoảng một tháng.

Sau đó, ký sinh trùng theo máu phát tán khắp cơ thể. Sốt cao 38 - 400C, sốt không đều, nhức đầu, mệt mỏi.

Trong giai đoạn cấp, bệnh biểu hiện bằng những dấu hiệu:

Viêm cơ tim cấp: nhịp tim nhanh, tiếng tim nhỏ đi, huyết áp hạ, tim to với những biến đổi đặc biệt của điện tâm đồ.

Phù có tính chất tập trung ở một vài nơi hoặc lan tỏa, hạch sưng, gan, lách ít nhiều cũng to lên, đôi khi có rối loạn tiêu hóa (ói mửa, tiêu chảy) và những dấu hiệu viêm màng não - não.

Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể chết vì viêm màng não - não hay vì viêm cơ tim. Một số bệnh nhân vượt qua được giai đoạn này, các triệu chứng lâm sàng giảm dần nhưng không khỏi hẳn. Bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Bệnh Chagas mạn tínhtiến triển âm thầm và có thể kéo dài hàng chục năm.

Bệnh tái xuất hiện với những biến chứng ở não, tim và hệ tiêu hóa. Đa số có những di chứng ở tim: hồi hộp, đau vùng trước tim, suy tim với to nhĩ trái hoặc to toàn bộ. Bệnh nhân có thể chết do thuyên tắc hoặc do trụy tim mạch. Một số có di chứng ở ruột: thực quản và đại tràng phì to lên.

 

CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH BỆNH CHAGAS:

Ở giai đoạn cấp tính: lấy máu, làm tiêu bản giọt dầy và giọt mỏng, soi tươi hoặc sau khi nhuộm phết máu bằng May - Grunwald - Giêmsa dưới kính hiển vi để tìm T. cruzi. Ở giai đoạn trễ hơn, có thể tìm thấy T. cruzi dạng không có roi trong tiêu bản sinh thiết hạch.

Ở giai đoạn mạn tính: dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân, các yếu tố dịch tễ (sinh sống hoặc đi đến vùng có bệnh lưu hành). Cũng có thể sử dụng phương pháp huyết thanh miễn dịch học để chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, có thể tìm ký sinh trùng trong máu gián tiếp bằng cách cho bọ xít Triatoma nuôi ở phòng thí nghiệm không bị nhiễm hút máu người bệnh rồi sau đó theo dõi sự xuất hiện T. cruzi trong phân của bọ.

Kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) mặc dù có độ nhạy cao nhưng chưa được sử dụng phổ biến.

 

ĐIỀU TRỊ:

Hai loại thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng Trypanosoma cruzi là benznidazole và nifurtimox.Đối với cả hai loại thuốc, tác dụng phụ là khá phổ biến, có xu hướng thường xuyên và nghiêm trọng hơn đối với người lớn tuổi.

Tác dụng phụ thường gặp của điều trị benznidazole bao gồm: viêm da dị ứng, viêm dây thần kinh ngoại biên, chán ăn và giảm cân, mất ngủ

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của nifurtimox là: chán ăn và giảm cân, viêm đa dây thần kinh, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt hoặc hoa mắt
Chống chỉ định: bệnh gan nặng và/hoặc bệnh thận.

Bảng phác đồ điều trị được khuyến cáo:

 

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG:

Tại các khu vực lưu hành bệnh Chagas: vệ sinh, cải tạo, nâng cấp nhà ở và phun thuốc diệt bọ xít hút máu bên trong nhà, xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu ở những người hiến máu. Phát hiện và xử lý các ca mắc mới, bao gồm từ mẹ sang con (bẩm sinh).

Tại các khu vực không có lưu hành bệnh Chagas nhưng có phát hiện ca bệnh thì chiến lược kiểm soát là tập trung vào việc ngăn ngừa lây truyền từ truyền máu, cấy ghép nội tạng và từ mẹ sang con.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top