ĐẶC ĐIỂM SPOROZOA - LỚP TRÙNG BÀO TỬ
Lớp trùng bào tử gồm những đơn bào sống trong dịch và mô của động vật có xương sống và không có xương sống. Thể hoạt động không có cơ quan chuyển động. Vòng đời luân phiên sinh sản vô giới và hữu giới trên cùng một vật chủ hoặc sang một vật chủ khác. Có hình thức sinh sản bằng bào tử. Lớp trùng bào tử có nhiều lớp phụ và chi liên quan đến y học:
Lớp phụ Coccidia, trong đó có họ Eimeriidae, chi Isospora.
Lớp phụ Haemosporina, họ Plasmodiidae, chi Plasmodium.
Lớp phụ Toxoplasmea, họ Toxoplasma, chi Sarcocystis.
Lớp phụ Haplospora, chi Pneumocystis.
Trước đây có hai loài được xếp vào chi Isospora kí sinh và gây bệnh cho người đó là Isospora belli và Isospora hominis. Nhưng đến nay Isospora hominis được xếp sang chi Sarcocystis cùng lớp với Toxoplasma tức là Sarcocystis hominis (WHO, 1981).
ISOSPORA BELLI
Đặc điểm hình thể.
Thể thường gặp của I.belli trong phân là nang trứng. Nang non có hình trái xoan, nửa đầu hơi thắt lại, nửa sau hơi phình ra. Kích thước 25 - 33 x 12 - 16 µm. Nang có hai lần vỏ, nhân tập trung ở giữa bào tương (hình 7.1). Nang già có hai bào tử ở bên trong, trong bào tử chứa trùng bào tử.
Hình 7.1: Isospora belli.
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời phát triển của I.belli có giai đoạn vô giới và giai Isospora belli. đoạn hữu giới trên cùng một vật chủ (hình 7.2).
Giai đoạn phát triển vô giới: I.belli kí sinh ở tế bào lát ruột non của người hoặc động vật. Ở đây I.belli sinh sản theo hình thức phân liệt, khi đã tạo ra một số lượng lớn trùng bào tử, lại phá vỡ tế bào kí sinh rồi xâm nhập vào các tế bào khác, cứ như thế trùng bào tử phát triển.
Giai đoạn phát triển hữu giới: sau nhiều vòng sinh sản vô giới, trùng bào tử xâm nhập vào các tế bào lát của cơ thể vật chủ phát triển thành thể hữu giới (giao bào đực và giao bào cái). Sau đó giao bào cái biến thành giao tử cái, giao bào đực biến thành giao tử đực (có roi), giao tử đực hoạt động tìm đến giao tử cái và kết hợp với giao tử cái tạo thành trứng thụ tinh (zygote) rồi phát triển thành nang trứng (oocyst), nang trứng theo phân ra ngoại cảnh, ở ngoại cảnh nang trứng tiếp tục phát triển thành nang trứng có hai bào tử, trong mỗi bào tử có bốn trùng bào tử (sporozoit). Khi nang trứng già này vào vật chủ qua đường tiêu hoá, tới ruột non thì các trùng bào tử thoát nang chui vào các tế bào lát và tiếp tục phát triển.
Hình 7.2: Vòng đời của I.belli.
Vai trò y học.
Bệnh do I.belli gây ra hiếm gặp ở người. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh chủ yếu là rối loạn tiêu hoá, bệnh nhân có thể đi lỏng kéo dài trong nhiều ngày.
Chẩn đoán.
Lâm sàng ít có giá trị vì triệu chứng không đặc hiệu.
Xét nghiệm phân tìm nang trứng hoặc lấy dịch tá tràng có thể thấy trùng bào tử. Xét nghiệm công thức máu, bạch cầu ái toan tăng có thể tới 20%.
Điều trị.
Bệnh thường tự khỏi.
Nếu phát hiện sớm điều trị bằng các thuốc có asen (carbason, bemarsal...).
Dịch tễ học và phòng chống.
Nguồn bệnh: là người bệnh, có thể là chó. Isospora bigemia kí sinh ở chó có hình thể giống I.belli.
Mầm bệnh: nang trứng đã có trùng bào tử.
Đường lây: qua đường tiêu hoá.
Phòng chống: chủ động phát hiện người bệnh để điều trị sớm. Vệ sinh ăn uống, bảo quản chặt chẽ nguồn phân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh