Trong số 106 loài, mới xác định loài Leptotrombidium deliense là vector truyền bệnh
LEPTOTROMBIDIUM DELIENSE
Là loài mò đỏ, phân bố rộng rãi ở khu vực phía Bắc Việt Nam.
Đặc điểm hình thể.
Ấu trùng Leptotrombidium deliense có thân hình trứng, màu đỏ, khiên nằm ở phía trước thân. Khiên có hình chữ nhật, cạnh trước hơi lõm, cạnh sau hình cung. Trên khiên có 5 lông, trong đó 4 lông mọc ở 4 góc và 1 lông nằm ở giữa cạnh trước. Ngoài ra còn có 2 lông cảm giác, ngọn lông có phân nhánh. Mặt lưng có 28 lông xếp thành 6 hàng có thứ tự từ trên xuống dưới như sau: 2 - 8 - 6 - 6 - 4 -
Hai bên khiên có mắt. Mặt bụng có 18 - 20 lông.
Đặc điểm sinh học.
Mò phát triển qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng - thanh trùng và trưởng thành.
Mò thanh trùng và trưởng thành sống tự do, ăn thực vật rữa nát hoặc trứng các loài côn trùng nhỏ khác. Chỉ có ấu trùng mò mới sống kí sinh hút máu, dịch mô hoặc tổ chức bị phá hủy (mò kí sinh rất lâu từ 2 ngày đến 2 tháng).
Để ăn no, ấu trùng mò L. deliense cần trung bình từ 2 - 6 ngày. Sau khi ăn no, ấu trùng rơi xuống đất, chui xuống đất mùn. Sau khoảng 12 ngày, ấu trùng lột xác thành thanh trùng; sau khoảng 30 ngày thanh trùng lột xác và phát triển thành mò trưởng thành. Ở nhiệt độ 22 - 300C, độ ẩm 100% thời gian hoàn thành vòng đời khoảng 3 tháng. Ấu trùng sống được khoảng 9 tháng.
Hình : Vòng đời mò đỏ L.deliense
Mò đực sau 1 - 6 ngày xuất túi tinh ra môi trường có mùi hấp dẫn mò cái. Mò cái dùng chân đẩy túi tinh vào lỗ sinh dục. Sau 1 tuần mò cái đẻ trứng. Mò cái đẻ liên tục trong nhiều tháng, tổng cộng khoảng 500 trứng ở điều kiện 23 - 250C. Trung bình mỗi ngày mò đẻ 1- 3 trứng. Sau 1- 3 tuần trứng nở ra ấu trùng.
Mò có tính chọn lọc vật chủ kí sinh: mò ưa kí sinh ở động vật gặm nhấm, động vật ăn côn trùng. Mò cũng có thể kí sinh ở gà, chim, dơi và các loài bò sát. ấu trùng mò L. deliense thích kí sinh trên chuột nhà (Rattus flavipectus) và một số loài chuột khác sống người.
Ấu trùng mò cũng có tính chọn lọc vị trí kí sinh: ở chuột mò thường kí sinh trong lỗ tai, quanh mắt, quanh vú. Ở người, mò thường kí sinh ở nách, rốn, bẹn... Nói chung ấu trùng mò có xu hướng thích kí sinh ở nơi da mềm, ẩm của vật chủ.
Ấu trùng mò ưa vật thể màu đen, nơi có ánh sáng và CO2.
Cách ăn của ấu trùng mò: ấu trùng cắm vòi vào da vật chủ, tiết men theo nước bọt làm tan rữa mô của vật chủ tạo thành một ống dẫn, trong có chứa dịch lỏng của mô, máu và nước bọt. Mò hút chất dịch đó vào dạ dày, rồi lại tiết nước bọt ra theo ống dẫn làm phá hủy sâu hơn tổ chức, mô của vật chủ. Nơi bị kí sinh lúc đầu là một sẩn tịt có đường kính 3 - 6 mm, sau đó hình thành bọc nước ở giữa, xung quanh tấy đỏ, đau, ngứa, khó chịu. Cuối cùng bọc nước vỡ ra để lại một vết loét đặc hiệu có giá trị chẩn đoán bệnh. Ấu trùng mò chỉ kí sinh ở vật chủ 1 lần, ăn cho đến no mới rời vật chủ.
Mò thường không phát tán rải rác, chúng thường tập trung hoạt động trong phạm vi có đường kính 3 m, gọi là ổ mò. Tuy nhiên, do nước lũ hoặc do vật chủ hoạt động, mò có thể đi xa hơn đến nơi mới. Ở khu vực có điều kiện thích hợp, có thể hình thành nhiều ổ mò.
Mò L. deliense phát triển quanh năm, nhưng cao nhất trong mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8. Ở nơi có khí hậu 2 mùa: mưa và khô, mò phát triển mạnh vào mùa mưa.
Khu vực phân bố của mò: ở vùng núi thường gặp ở thung lũng, ven suối, gần nguồn nước, gần làng bản là những nơi có vị trí thấp, râm mát, có độ ẩm cao, cây cỏ rậm, có nhiều chuột hoạt động; ở vùng đồng bằng, thành phố, gặp ở những bãi, vườn hoang có nhiều hồ ao, cây cỏ rậm rạp, có nhiều chuột qua lại; ở vùng bờ biển thường gặp ở bãi lầy, rậm ở ven đê hay bị ngập nước và có nhiều chuột.
Vai trò y học.
Mò kí sinh gây ngứa, khó chịu, tạo vết loét dễ gây nhiễm trùng. Vết loét kéo dài 2 - 3 tháng mới khỏi.
Mò hút máu của các động vật mang mầm bệnh trong tự nhiên như chuột, các thú nhỏ... Rickettsia tập trung lên tuyến nước bọt của mò và truyền được cho người.
Mò đã nhiễm mầm bệnh sẽ mang mầm bệnh Rickettsia trong suốt quá trình phát triển từ giai đoạn thanh trùng (nhộng) cho đến trưởng thành, thậm chí truyền cho cả mò tự do khác chỉ sống tự do ăn trứng và côn trùng nhỏ; truyền cả Rickettsia cho trứng và thế hệ sau.
Mò truyền bệnh sốt mò Tsutsugamushi, còn gọi là bệnh sốt triền sông Nhật Bản. Mầm bệnh là Rickettsia orientalis.
Biểu hiện lâm sàng: sốt cao, nhức đầu, nổi hạch ở nách, bẹn gần chỗ mò đốt. Sau 4 - 5 ngày sốt có nổi ban. Đôi khi bệnh diễn biến nặng có thể hôn mê và chết vào khoảng ngày thứ 9 đến ngày thứ 15 của bệnh.
Đây là bệnh có ổ bệnh thiên nhiên. Mầm bệnh được truyền cho thế hệ sau, nhờ đó nhờ mới có khả năng truyền bệnh sốt mò vì cả đời mò chỉ kí sinh hút máu có 1 lần.
Mò hút máu các động vật mang mầm bệnh trong tự nhiên như: chuột, các thú nhỏ... làm mò bị nhiễm mầm bệnh. Mò đã mang mầm bệnh có thể mang mầm bệnh suốt quá trình phát triển từ giai loạn trứng cho đến trưởng thành.
Thậm chí mò có thể truyền mầm bệnh cho mò trưởng thành sống tự do và chỉ ăn côn trùng và động vật chân đốt nhỏ; truyền mầm bệnh Rickettsia cho thế hệ sau thông qua trứng.
Ở Việt Nam phát hiện nhiều ổ bệnh sốt mò suốt từ miền Bắc đến miền Nam: Mộc Châu (Sơn La), Quảng Ninh, Thanh Hoá, Đồ Sơn, Tây Nguyên...
Nguồn bệnh chủ yếu là chuột, vật môi giới là mò L. deliense.
Phòng chống.
Vệ sinh, phát quang quanh nhà ở, nơi tắm, bến nước. Triệt phá ổ mò xung quanh làng bản, nơi đóng quân; thường xuyên diệt chuột (vật chủ của mò).
Dùng hoá chất xua côn trùng DMP, DETA bôi lên da khi phải tiếp xúc với mò. Khi hành quân, lao động, lúc nghỉ ngơi không ngồi bệt xuống đất, cỏ.
Phun hoá chất diệt côn trùng để diệt mò.
Điều trị sốt mò bằng clormycetin, tetracycline.
GAMASIDAE - HỌ MẠT
Mạt là những động vật chân đốt nhỏ, sống tự do trong mùn đất hoặc sống kí sinh ở các động vật máu nóng, đôi khi kí sinh ở người. Ở nước ta đã phát hiện 36 loài mạt (Grakhovskaia, 1956), nhưng phổ biến hơn cả là mạt gà và mạt chuột.
Mạt gà - Dermanysus gallinae.
Hình thể:
Kích thước: con đực 0,6 x 0,2 mm; con cái 0,75 x 0,4 mm.
Thân có hình trứng, đầu nhỏ, bụng có lông ngắn, thưa. Chân ngắn khoẻ, hai chân trước gần bằng chiều dài của thân, ống thở dài tới gốc đôi chân thứ hai (hình 15.5). Màu trắng, đỏ hoặc tím tùy theo lúc mạt đói hay no.
Sinh lí, sinh thái:
Mạt hoạt động về đêm. Ban ngày mạt trú ẩn ở các tổ chim, ổ gà, khe vách chuồng gà... đêm đến bò ra đốt chim, gà, đôi khi đốt cả người.
Mạt có khả năng nhịn đói nhiều tuần. Khi đói lâu, mạt không đốt được người nhưng bò trên người gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Vai trò gây bệnh và truyền bệnh
Nước bọt của mạt rất độc với gà, nếu nhiều có khả năng làm chết gà trong vòng 24 giờ, nhất là vào cuối mùa hạ. Mạt đốt người gây ngứa dữ dội và tạo những đám nổi mẩn mọng nước.
Ở Việt Nam, mạt gà có nhiều nhưng vai trò truyền Dermanysus gallinae.
Hình:Mạt gà
Mạt có khả năng truyền bệnh viêm não – màng não cho người. bệnh chưa rõ.
Mạt chuột - Dermanyssus sanguineus.
Con đực nhỏ hơn con cái; thân hình trái xoan, màu nâu vàng.
Mạt chuột thường kí sinh trên chuột đen (Rattus rattus), chuột cống (Rattus norvegicus) phổ biến ở nước ta.
Mạt chuột có khả năng truyền bệnh đậu do Rickettsia (giống bệnh thủy đậu) và bệnh sốt phát ban chuột.
Một số tác giả đã phân lập được mầm bệnh sốt phát ban do virut Liponyssus bacoti, bệnh truyền từ chuột sang người.
Phòng chống.
Vệ sinh chuồng chim, chuồng gà, lấp hang chuột, diệt chuột thường xuyên.
Khi làm việc gần chuồng gà, chim cần dùng các hoá chất xua diệt côn trùng để phòng mạt đốt.
Phun DDT hoặc xông hơi diêm sinh vào chuồng gà, chuồng chim để diệt mạt.
SARCOPTOIDAE - HỌ GHẺ
Loài cái ghẻ Sarcotes scabiei kí sinh trên người gây bệnh ghẻ.
SARCOPTES SCABIEI
Đặc điểm hình thể.
Gần như không thể nhìn thấy cái ghẻ bằng mắt thường. Cái ghẻ có thân hình bầu dục hoặc gần tròn (hình 15.6). kích thước: con cái 0,33 - 0,45 x 0,25 - 0,35 mm; con đực 0,2 - 0,24 x 0,15 - 0,20 mm.
Màu vàng nhạt, mình ngắn, lưng gồ, không có mắt, không có lỗ thở, có nhiều lông dài.
Đặc điểm sinh học.
Cái ghẻ đào hang trong da để đẻ trứng, mỗi ngày đẻ 1 - 2 trứng, cả đời đẻ 40 - 50 trứng. Sau 3 - 4 ngày trứng nở ra ấu trùng, sau 3 - 10 ngày ấu trùng phát triển thành thanh trùng (nhộng), khoảng ngày thứ 21 đến ngày thứ
22 thành ghẻ trưởng thành. Sau giao phối, ghẻ cái phải lột xác lần nữa mới đào hang để đẻ trứng. Mỗi ngày ghẻ cái có thể đào hang dài 2 - 10 mm. Đời sống của cái ghẻ khoảng 2 - 5 tuần. Ghẻ đào hang về đêm.
Hình : Sarcoptesscabiei
Cái ghẻ có khả năng kí sinh trên nhiều loài vật chủ khác nhau: người, động vật nuôi và động vật hoang dã..., hình thể rất thay đổi (quan sát KHV điện tử), do đó có thêm nhiều tên phụ loài như: Sarcoptes scabiei hominis, S. scabiei equi, S. scabiei ovis...
Tất cả các giai đoạn phát triển đều có khả năng đào hầm trong da, nhất là con cái đã thụ tinh đào những đường hầm rất đặc trưng . Gần như toàn bộ đời sống của cái ghẻ là ở trên và trong da người, rời cơ thể vật chủ nó chỉ sống thêm được vài ngày.
Hình: Hang ghẻ.
Có thể nhận biết bằng cách dùng mũi dao nhọn, kim để lẩy ở vài chỗ da nghi ngờ, chuyển lên lam kính và soi kính hiển vi. Cũng có thể dùng dầu mỏ để kiểm tra sự nhiễm ghẻ. Có thể dùng mực bôi lên vùng da nghi ngờ rồi rửa đi để phát hiện các hang ghẻ.
Tác hại.
Sarcoptes scabiei gây bệnh ghẻ. Cái ghẻ khi đào hang tiết ra chất độc gây hủy hoại mô, chúng dùng chân để đào gây ngứa dữ dội về ban đêm. Ghẻ thường đào hang ở kẽ ngón tay, bàn tay, bìu... Do ngứa nhiều, gãi nhiều, da bị xây xát dễ bị nhiễm trùng, mưng mủ gọi là ghẻ mủ.
Bệnh lây lan là do tiếp xúc, nằm cùng giường, bắt tay, chung đụng đồ dùng... Bệnh gặp nhiều ở những khu dân cư có mức sống thấp, nhà ở chật hẹp, điều kiện vệ sinh thấp kém.
Một dạng ghẻ khác hiếm gặp là ghẻ Na Uy: nó kết hợp số lượng lớn cái ghẻ với những vẩy, nắp rõ nét, đặc biệt ở lòng bàn tay, bàn chân. Bệnh xảy ra ở người thiếu hụt miễn dịch (như nhiễm HIV) nhiều hơn ở người có hệ miễn dịch bình thường.
Phòng chống.
Giữ vệ sinh thân thể, quần áo... tắm giặt thường xuyên, luộc quần áo...
Khi mắc bệnh ghẻ có thể áp dụng kinh nghiệm dân gian dùng các loại lá đắng (lá chuối, ba gạc...) nấu nước tắm hoặc ngâm chân, tay bị ghẻ.
Bôi mỡ lưu huỳnh hoặc DEP (diethylphtalat), bôi dầu permethrine 5% điều trị.
Thường khi nhiễm ghẻ phải điều trị cho cả gia đình hoặc tập thể.
Nên điều trị 2 đợt cách nhau từ 2 - 7 ngày. Các thuốc nên bôi để 15 phút cho khô mới mặc quần áo, đến hôm sau mới rửa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh