Khi virus Rubella lọt vào cơ thể độ 2-3 tuần lễ, bệnh nhân hoàn toàn bình thường nhưng tiếp theo đó sẽ có 3 triệu chứng chính là sốt, phát ban và nổi hạch.
Đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện 1- 4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm. Hạch thường nổi trước phát ban và tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.
Phát ban lúc đầu mọc ở đầu, mặt và sau đó là toàn thân nhưng thường không tuần tự như sởi (ban của sởi mịn và mọc thứ tự từ trên đầu, mặt xuống và sau khi bay thì để lại các vảy trên da và các vằn sẫm).
Nốt ban hình tròn hoặc bầu dục đứng riêng rẽ và cũng có thể là từng mảng, mọc khắp người trong vòng 24 giờ nhưng chỉ vài ngày là hết.
Vì sao các thầy thuốc lại khuyến cáo các bà mẹ nên cảnh giác cao với Rubella?
Vì nếu mắc trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì 70%-100% trẻ sinh ra sẽ bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não; nếu mắc khi có thai được 13-16 tuần thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỉ lệ 17%; nếu mắc khi có thai 17- 20 tuần thì tỉ lệ này là 5%…
Ngoài ra, khi bà mẹ mang thai 3 tháng đầu mà mắc Rubella thì sẽ dễ sẩy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung, nếu sinh được thì thai dễ thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng; trẻ dễ bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ…
Việc điều trị cho bệnh nhân Rubella chủ yếu là điều trị triệu chứng (giảm đau, hạ nhiệt); giữ ấm, tránh gió, kiêng nước trong thời gian phát ban; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả (cam, chanh và các vitamin)…
Thực ra phòng ngừa Rubella khá đơn giản với hai biện pháp chính là cách ly và tiêm phòng. Cách ly là rất khó vì phải 8-10 ngày ban mới bay hết.
Còn tiêm phòng vắc-xin Rubella thì đã được công nhận là có thể tạo nên miễn dịch ít nhất là 16 năm, thậm chí là cả đời. Bởi vậy, nên tiêm phòng Rubella cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi.
Nên tiêm phòng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhưng lưu ý là phải sử dụng các biện pháp tránh thai hữu hiệu 1 tháng trước và 2 tháng sau khi tiêm phòng.
Không quá lo lắng nhưng đừng chủ quan. Đó là khuyến cáo của các thầy thuốc. Kinh nghiệm điều trị cho thấy rất nhiều bệnh nhân nhầm tưởng cứ ban bay hết là lành bệnh.
Thực ra biến chứng thường xuất hiện từ ngày mắc bệnh thứ 5, 6, 7 sau khi ban bay hết chứ không phải ở thời kỳ sốt và phát ban, cũng không thể phòng được vì không thể biết người bệnh nào sẽ biến chứng.
Vì thế, người bệnh khi thấy ban lặn và hết sốt thì vẫn không được chủ quan. Nếu có những dấu hiệu sớm của viêm não (đau đầu, buồn nôn…) thì phải vào bệnh viện ngay, nếu muộn thì viêm não sẽ nặng nề, điều trị khó khăn, dễ biến chứng thần kinh và thậm chí tử vong.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh