Tai biến mạch não là gì?
Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ não) là một tình trạng thiếu hụt chức năng não một cách cấp tính xảy ra khi khi lượng máu cung cấp cho não đột ngột bị gián đoạn do mạch máu bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn gây nên. Khi đó, não không được máu "nuôi dưỡng" sẽ mất khả năng kiểm soát các chức năng của cơ thể, nếu không được điều trị kịp thời, người bị tai biến mạch não sẽ có nguy cơ tử vong, thậm chí nếu có may mắn sống sót thì phần lớn bọn họ đều phải chịu những di chứng nặng nề suốt đời như sống thực vật, liệt nửa người, nói ngọng hoặc mất hẳn khả năng nói chuyện,… Hiện nay, tai biến mạch não là 1 trong những bệnh có nguy cơ gây tử vong và tàn tật cao hàng đầu (chỉ sau các bệnh ung thư và tim mạch).
Tùy vào nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ mà người ta phân chia tai biến mạch não thành 2 loại là : đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu nuôi não (còn gọi là nhồi máu não) và đột quỵ do vỡ mạch máu (gọi là xuất huyết não).
Tai biến mạch máu não có nguy hiểm không?
Các tế bào não là những tế bào có khả năng chịu đựng tình trạng thiếu oxy kém nhất trong cơ thể. Vì thế, khi bị đột quỵ não, tại phần não bộ bị thiếu oxy thì tế bào não sẽ bị chết đi chỉ sau vài phút. Sau khi đột quỵ xảy ra, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có khoảng gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, “Thời gian chính là Não”. Người bệnh cần được điều trị tái tưới máu lại cho não càng sớm càng tốt.
Theo báo cáo của tổ chức đột quỵ thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 16 triệu người bị tai biến mạch máu não và khoảng 6 triệu người tử vong vì căn bệnh này; cũng như để lại nhiều di chứng nặng nề, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Những ai có nguy cơ cao bị tai biến mạch não?
Những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường)
Bệnh nhân tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường) hoặc có mắc các bệnh tim mạch (nguy cơ tăng gấp 6 lần)
Những người béo phì hoặc có rối loạn mỡ máu
Những người có lối sống thiếu lành mạnh như lười vận động, hút nhiều thuốc lá ; sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích.
Những người có người thân đã từng hoặc đang bị tai biến mạch não cũng có nguy cơ bị tai biến cao hơn.
Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới, tuổi bị đột quỵ của nam giới cũng sớm hơn, phụ nữ thường bị đột quỵ khi đã cao tuổi hoặc có mắc nhiều bệnh phối hợp khác. Tuy nhiên khả năng phục hồi sau đột quỵ của nữ giới thấp hơn và nguy cơ tử vong khibị đột quỵ cũng cao hơn so với nam giới.
Tai biến mạch máu não có phòng ngừa được không?
Thực hành 1 lối sống lành mạnh: thường xuyên có các hoạt động thể lực hợp lý như tập thể dục, chơi thể thao; không uống rượu bia, hút thuốc, không sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống hạn chế uống nước ngọt, hạn chế ăn nhiều các thức ăn có nhiều chất béo, đồ ăn nhanh …
Kiểm soát tốt các bệnh lý có nguy cơ dẫn đến tái biến mạch não: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, các bệnh tim mạch (suy tim, rung nhĩ…)
Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ra các vấn đề sức khỏe (VD: đái tháo đường hay tăng huyết áp) để có thể kiểm soát tốt từ sớm, nhất là ở các đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ, người cao tuổi.
Nhận biết tai biến mạch não tại cộng đồng:
Triệu chứng của đột quỵ não rất đã dạng, phong phú (tùy theo vị trí não bộ bị tổn thương mà có triệu chứng khác nhau). Các triệu triệu chứng thường gặp gồm có: liệt (thường là liệt nửa người, có khi là liệt tứ chi), rối loạn thị giác, rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng hoặc không nói được hoặc không hiểu được người khác nói gì), đau đầu (rất thường gặp, có thể > 50% bệnh nhân có triệu chứng này), rối loạn ý thức thậm chí hôn mê...
Do vậy, khi thấy người thân đột ngột có những biểu hiện sau:
Mặt: lệch so với trước, biểu hiện rõ khi cười nói.
Tay: vụng về khi vận động, yếu, liệt nửa người.
Nói: khó khăn, phát âm không chuẩn so với trước.
Dần mất ý thức, lơ mơ
cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị
Gần đây, trên mang xã hội Facebook có lan truyền 1 thông tin về cách sơ cứu người bị tai biến mạch não như sau: “khi phát hiện người thân bị đột quỵ não, hay cấp cứu bằng cách: có thể dùng một cây kim may chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một milimét cho đến khi có máu rỉ ra. Như thế, khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, chỉ chờ vài phút thì bệnh nhân sẽ tỉnh dậy. Bước tiếp theo là châm vào hai bên dái tai mỗi bên 2 mũi, cho đến khi máu nhỏ giọt ra. Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại”. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cách sơ cứu như vậy là hoàn toàn sai lầm, không có lợi ích gì, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân do nhiều người tin vào cách làm này, không chịu đưa bệnh nhân đi cấp cứu làm bỏ qua thời gian vàng để điều trị cho bệnh nhân.
Xử trí tại hiện trường:
- Đánh giá mức độ ý thức của bệnh nhân:
+ Nếu bệnh nhân bất tỉnh và thở bình thường, hoặc nếu không hoàn toàn tỉnh táo, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn) với đầu cao (nếu huyết áp bình thường) hoặc đầu thấp (nếu tụt huyết áp).
- Gọi thêm người hỗ trợ và gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc số điện thoại dịch vụ cấp cứu y tế tại địa phương bạn ngay lập tức.
- Chăm sóc cho bệnh nhân còn tỉnh:
+ Hỗ trợ bệnh nhân còn tỉnh táo ở một tư thế thoải mái nhất
+ Đắp chăn cho bệnh nhân để làm giảm mất nhiệt nếu thời tiết lạnh
- Theo dõi bệnh nhân:
+ Trong khi đợi xe cứu thương đến hoặc đợi người hỗ trợ đưa bệnh nhân đi bệnh viện, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ nhằm phát hiện bất cứ sự thay đổi tình trạng nào.
+ Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm tình trạng ý thức nào của bệnh nhân, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).
Điều trị đặc hiệu tại cơ sở y tế:
- Tái thông mạch máu càng sớm càng tốt.
- Điều trị bằng liệu pháp oxy cao áp (HBOT): nhờ tác dụng của áp suất cao, các phân tử oxy có thể vượt qua được chỗ mạch máu bị tắc nghẽn cung cấp cho các nhu mô não đang bị thiếu ôxy giúp bảo vệ và phục hồi 1 phần chức năng não bị tổn thương do đột quỵ.
- Tập vận động và phục hồi chức năng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh