✴️ Viêm gan siêu vi B là gì? Triệu chứng, nguyên nhân dẫn đến viêm gan siêu vi B, con đường lây nhiễm, phương pháp dự phòng

 1. VIÊM GAN SIÊU VI B LÀ GÌ?

- Viêm gan siêu vi B (gọi tắt viêm gan B ) là bệnh khá phổ biến và là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Nếu không được chủng ngừa, nhiễm viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan và tử vong. Tại Việt Nam, cứ 8 người thì có 1 người nhiễm viêm gan B.

- Viêm gan B được mệnh danh là sát thủ thầm lặng

- Bệnh viêm gan B do virut viêm gan B gây ra. Bệnh thường không có triệu chứng, phần lớn người bệnh không có biểu hiện gì và vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ phát hiện khi tình cờ đi làm xét nghiệm máu.

2. TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM GAN SIÊU VI B

Những triệu chứng điển hình của viêm gan B như: đau hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu... thường không xuất hiện hoặc xuất hiện khi bệnh đã có biến chứng. Do đó, để nhận biết sớm và chắc chắn mình có nhiễm virut viêm gan B hay không thì giải pháp tốt nhất là nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm máu để kiểm tra.

3. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN VIÊM GAN SIÊU VI B

- Virut viêm gan B lây lan cao hơn 100 lần so với HIV gây bệnh AIDS

- Viêm gan siêu vi B lây qua 3 con đường chính:

+ Đường từ mẹ sang con: đây là đường lây truyền phổ biến nhất, khả năng lây lên đến 95%.

+ Đường quan hệ tình dục: tiếp xúc với dịch sinh dục của người nhiễm viêm gan B và đặc biệt dịch sinh dục được xếp vào nhóm chứa lượng siêu vi cao.

+ Đường truyền máu: truyền máu có nhiễm siêu vi viêm gan B, dùng chung dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng có dính dịch tiết hoặc qua vết thương hở của người nhiễm viêm gan siêu vi B.

+ Ngoài ra, có khoảng 40% viêm gan B không xác định được nguồn gốc lây truyền.

- Sở dĩ khả năng lây của virut viêm gan siêu vi B cao hơn 100 lần so với HIV vì virut này có khả năng sống rất dai - chúng có thể tồn tại trên các vết máu khô hoặc trên bề mặt các đồ vật như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đồ chơi, dụng cụ y khoa... trong nhiều ngày.

- Như vậy, hầu như tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm virut viêm gan B. Tuy nhiên, những nhóm người sau có nguy cơ cao bị lây nhiễm là: nhân viên y tế; bệnh nhân thường xuyên nhận các chế phẩm từ máu; trẻ sinh ra từ người mẹ mang virut viêm gan B; người có hoạt động tình dục cao; cư dân ở những nơi dân số tập trung cao; người tiêm chích ma túy...

4. BIẾN CHỨNG CỦA VIÊM GAN SIÊU VI B

- Xơ gan và ung thư gan là những biến chứng nghiêm trọng của viêm gan B

- Khoảng 10% trường nhiễm viêm gan B cấp tính chuyển sang mạn tính. Khi nhiễm mạn tính, siêu vi không tăng trưởng nhưng thật sự vẫn tồn tại trong cơ thể, cụ thể là trong máu và trong các dịch cơ thể. Người mang siêu vi đang ở dạng không hoạt động này gọi là người lành mang virut, người này phải thường xuyên kiểm tra mỗi 3 - 6 tháng/lần để xem tình trạng nhiễm siêu vi của mình, tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là người này lại mang nguồn lây cho những người khác thông qua những con đường lây như quan hệ tình dục, đường máu, đường mẹ truyền sang con như đã đề cập ở trên, nguy hại hơn cả là nếu người này không biết mình đang mang virut viêm gan B thì sẽ là nguồn lây nguy hiểm cho những người thân xung quanh.

- Điều trị viêm gan B mạn tính rất tốn kém và hiệu quả thật sự không cao, thuốc để chữa bệnh chỉ nhằm mục tiêu ức chế virut tăng trưởng chứ không quét sạch virut khỏi cơ thể. Và mỗi khi cơ thể suy nhược, virut lại bùng lên, làm tổn thương mô gan, hình thành những vết sẹo, những vết sẹo này với mật độ dày đặc và tạo nên tình trạng xơ, lâu ngày dẫn đến ung thư gan.

5. CON ĐƯỜNG LÂY NHIỄM CỦA VIÊM GAN SIÊU VI B

- Đường lây truyền siêu vi viêm gan B qua tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể như: dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu... Nhiều người bị mắc bệnh từ lúc mới sinh do siêu vi B lây truyền từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang đứa bé. Viêm gan siêu vi B không lây truyền qua tiếp xúc thông thường như: hắt hơi, sổ mũi hoặc ăn uống chung.

- Người mẹ mang mầm bệnh viêm gan siêu vi B sẽ lây cho thai nhi qua đường máu. Nếu không được chủng ngừa khi mới chào đời thì 90% số bé được sinh ra từ người mẹ đang mang mầm bệnh viêm gan siêu vi B sẽ trở thành người mang mầm bệnh siêu vi B suốt đời. Trong đó, có khoảng 25% số bé trên sẽ chết vì xơ gan hoăc ung thư gan về sau.

- Ở vùng lưu hành cao, lây nhiễm chủ yếu theo con đường từ mẹ sang con. Khi mẹ nhiễm HBV thì có thể truyền cho con vào giai đoạn trước khi sinh, trong lúc sinh và ngay cả sau sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp lây nhiễm được ghi nhận vào lúc chuyển dạ và lúc sinh. Trẻ nhiễm HBV càng nhỏ, tỷ lệ diễn biến mạn tính càng cao. HBV được lây nhiễm chủ yếu qua máu và các loại dịch tiết của cơ thể. Nồng độ siêu vi cao nhất trong máu; ở mức độ trung bình trong tinh dịch, dịch âm đạo, nước bọt; thấp nhất trong nước tiểu, phân và sữa mẹ.

6. PHƯƠNG PHÁP DỰ PHÒNG

- Bởi vì, đường lây truyền của virút viêm gan siêu vi B chủ yếu qua đường máu và đường tình dục. Cho nên, cần phải có sự vô trùng tuyệt đối trong các động tác tiêm truyền các loại dịch và thuốc để chữa bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc truyền máu. Thực hiện tình dục an toàn như hạn chế các bạn tình, sử dụng bao cao su... Kế đến là việc thực hiện xét nghiệm máu để xem cơ thể đã có kháng thể kháng lại virút viêm gan siêu vi B chưa? Nếu chưa có nên thực hiện việc chích ngừa theo đúng lịch quy định của Bộ Y tế. Việc chích ngừa nên thực hiện cho tất cả những đối tượng có nguy cơ cao, nhất là những phụ nữ làm trong ngành Y tế, nơi có khả năng nhiễm siêu vi B cao nhất vì các tai nạn nghề nghiệp: kim tiêm đâm vào tay, vết thương trong lúc phẫu thuật hay săn sóc vết thương cho những bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B hoặc màng trong mình mầm bệnh.

Nếu được chủng ngừa viêm gan siêu vi B đầy đủ theo đúng phác đồ, 95% các bé sẽ không bị vướng bệnh viêm gan siêu vi B. Bé nên được chủng ngừa một mũi HBsAG và một mũi ngừa viêm gan siêu vi B trong vòng 12 giờ sau khi chào đời. Sau đó, người mẹ có thể cho bé bú sữa của mình.

Từ một đến hai tháng tuổi, bé tiếp tục được chủng mũi ngừa viêm gan siêu vi B thứ hai và đến sáu tháng tuổi chủng ngừa mũi thứ ba. Những mũi chủng ngừa trên sẽ giúp cơ thể bé tạo kháng thể chống lại siêu vi viêm gan B. Điều quan trọng người mẹ phải nhớ là bé phải được kiểm tra kháng thể chống siêu vi B khi được 12 - 15 tháng tuổi và bạn nhớ hỏi các bác sĩ về điều này.

- Chủng ngừa là biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất để phòng ngừa viêm gan B. Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận vaccin ngừa viêm gan B là vaccin đầu tiên phòng ngừa ung thư ở người. Hiện nay đã có 179 quốc gia trên thế giới đưa vaccin ngừa viêm gan B vào chương trình chủng ngừa quốc gia. Vaccin ngừa viêm gan B có hiệu quả cao giúp phòng ngừa viêm gan B. Vaccin có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn. Phác đồ chủng ngừa 3 mũi cơ bản 0, 1, 6 tháng.

- Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bé từ mẹ thì sau khi sinh bé cần được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 12 - 24 giờ đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu không tiêm phòng đúng cách (hoặc tiêm phòng quá muộn), bé có nguy cơ viêm gan B rất cao.

- Với mẹ nhiễm viêm gan B có HBsAg dương tính (cơ thể đang bị nhiễm siêu vi B ) và HBeAg âm tính (siêu vi B đang trong giai đoạn nằm yên, không sinh sôi nảy nở) thì ngay sau sinh, bé được tiêm một liều HBIG (Hepatitis B Immune Globulin) và một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường. HBIG không phải là chủng ngừa mà là chủng dự phòng cho bé có kháng thể ngay để đề kháng với viêm gan B nếu mẹ bé mang virut viêm gan B. Vaccin được tiêm nhắc lại vào thời điểm tháng thứ hai và tháng thứ tư sau sinh.

- Nếu mẹ có cả HBsAg dương tính và HBeAg dương tính thì bé sẽ được tiêm hai liều HBIG và một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường. Các mũi vaccin tiếp theo sẽ tiêm ở tháng thứ hai và tháng thứ tư. Vaccin này tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia cho tất cả trẻ em sau sinh.

- Khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh thì tỷ lệ lây nhiễm HBV theo đường dọc (từ mẹ con) giảm từ 90% xuống còn khoảng 1,1 - 15%. Tỷ lệ này có khoảng thay đổi khá rộng liên quan rất nhiều đến sự tuân thủ của bệnh nhân vào chương trình theo dõi sau tiêm phòng hay không.

- Ngay sau khi sinh em bé được tiêm HBIG miễn dịch kháng viêm gan B thì có hiệu quả tức thì và kéo dài khoảng từ 3 - 6 tháng. Đối với bà mẹ mang HbsAg (+) và HBeAg (+), HBIG được bổ sung vào chương trình tiêm chủng viêm gan B, giảm được tỷ lệ lây nhiễm nhiều hơn tiêm vaccin phòng. Tuy nhiên, mặc dù trẻ được chủng ngừa thụ động - chủ động nhưng cũng không thể ngăn chặn tất cả trường hợp lây nhiễm HBV từ mẹ nếu trong khi mang thai, nồng độ virut trong máu mẹ tăng cao hơn 10 triệu phiên bản/ml máu. Vì thế, hiện nay đối với thai phụ nhiễm HBV nếu xét nghiệm cho thấy nồng độ virut tăng cao thì sẽ được điều trị thuốc chống siêu vi, nhờ vậy sẽ giảm tỷ lệ lây HBV cho thai nhi. Điều trị nên bắt đầu vào 3 tháng cuối của thai kỳ, tốt nhất vào khoảng 6 - 8 tuần trước sinh (thời điểm thích hợp để giảm nồng độ siêu vi trong máu mẹ) và nên tiếp tục kéo dài thêm khoảng 4 tuần sau sinh. Người mẹ nên được theo dõi thường xuyên xem bệnh có phát triển sau khi ngưng thuốc hay không. Mổ sinh chưa được chứng minh một cách chắc chắn là làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HBV trước, trong và sau sinh, vì vậy không nên thực hiện mổ sinh với lý do người mẹ nhiễm HBV.

LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC

- Theo dõi sau sinh: Trẻ sơ sinh, con của bà mẹ HBsAg (+), HBeAg (+) có nhiều nguy cơ bị nhiễm HBV mạn tính, tỷ lệ này thay đổi từ 70 - 90% sau sinh 6 tháng nếu như không được dự phòng bằng HBIG và vaccin. Trẻ sơ sinh con của bà mẹ HBsAg (+) nên được tiêm phòng sớm trong vòng 12 giờ sau sinh bằng HBIG và vaccin. Các liều thuốc chủng tiếp theo cần được thực hiện đúng lịch. Theo dõi và kiểm tra HBsAg và anti-HBs vào lúc trẻ được 9 - 15 tháng. Vào giai đoạn sau sinh, người mẹ cần được theo dõi viêm gan bùng phát do ngưng thuốc. Một trong những kiểu lây nhiễm HBV cần quan tâm là lây nhiễm qua sữa mẹ. Một vài nghiên cứu cho thấy trong sữa mẹ có một số lượng nhỏ HBsAg, nhưng bú mẹ không làm tăng nguy cơ lây nhiễm HBV từ bà mẹ mang HBsAg (+) sang cho con. Ngoài ra, khi trẻ sơ sinh được dùng HBIG và vaccin sẽ giúp trẻ chống lại được nhiễm HBV. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trẻ sơ sinh có thể bú mẹ ngay sau khi sinh với điều kiện có chủng ngừa như đã nêu trên. Bú bình được đề nghị cho những trẻ con của bà mẹ có núm vú bị nứt hay nhiễm khuẩn vú.

- Trung bình mỗi năm có từ 10 - 30 triệu người nhiễm HBV, ước tính có khoảng 1 triệu người chết do HBV và do những biến chứng của bệnh. Như vậy, trung bình mỗi phút có 2 người chết vì HBV. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 10 trên toàn thế giới. Bệnh thường không có triệu chứng, phần lớn người bệnh không có biểu hiện gì và vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ phát hiện khi tình cờ đi làm xét nghiệm máu (HBsAg).

Xem bs tư vấn về viêm gan siêu vi B

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top