Hiện tượng cướp máu (steal phenomenon) ở động mạch đốt sống xảy ra khi có hẹp hoặc tắc ở động mạch dưới đòn (hội chứng cướp máu động mạch dưới đòn) hoặc thân cánh tay - đầu (hội chứng cướp máu kép).
Vậy tại sao lại xảy ra hiện tượng này?
Cơ chế về huyết động thì phức tạp, nhưng để hiểu đơn giản thì đây là “ hiện tượng tưới máu sống còn “ ( survival perfusion phenomenon ), do chi trên chỉ có 1 nguồn máu nuôi duy nhất là từ động mạch dưới đòn, còn động mạch đốt sống có 1 cặp mà lại hợp lưu với nhau nên có thể bù trừ được.
Tùy vào mức độ hẹp mà động mạch dưới đòn sẽ cướp máu nhiều hay ít từ động mạch đốt sống. Do đó sự thay đổi phổ Doppler ở động mạch đốt sống sẽ phản ánh gián tiếp mức độ hẹp của động mạch dưới đòn. Có 3 phổ Doppler bất thường dễ dàng nhận biết, bao gồm phổ tiền cướp máu, phổ cướp máu không hoàn toàn và phổ cướp máu hoàn toàn.
CÁC PHỔ DOPPLER Ở ĐỘNG MẠCH ĐỐT SỐNG
Phổ tiền cướp máu ( presteal waveform ) xảy ra khi hẹp < 50% gốc động mạch dưới đòn, cho hình ảnh phổ con thỏ ( bunny waveform ). Đặc điểm của phổ này là nằm trên đường nền nhưng có hình ảnh khuyết giữa tâm thu ( mid systolic notch ) do hiện tượng giảm tốc thoáng qua ( transient flow deceleration ).
Phổ cướp máu không hoàn toàn ( partial steal waveform ) xảy ra khi hẹp nặng đoạn gốc động mạch dưới đòn. Đặc điểm của phổ này là khuyết giữa tâm thu đi xuống phía dưới đường nền, phổ dương trở lại vào thì tâm trương ( đảo dòng thoáng qua ).
Phổ cướp máu hoàn toàn ( complete steal waveform ) xảy ra khi tắc hoàn toàn đoạn gốc động mạch dưới đòn. Đặc điểm của phổ này là đảo ngược dòng chảy hoàn toàn ( nằm dưới đường nền ).
MỘT SỐ LƯU Ý
Khi thực hiện nghiệm pháp bơm ép cánh tay hoặc cho bệnh nhân vận động bàn tay thì phổ hẹp nhẹ sẽ chuyển thành phổ hẹp nặng, phổ hẹp nặng sẽ chuyển thành phổ tắc hoàn toàn.
Ở một số bệnh nhân không bị hẹp động mạch dưới đòn đôi khi động mạch đốt sống cũng có phổ khuyết giữa tâm thu. Để phân biệt cần làm nghiệm pháp như trên.
Đôi khi bỏ sót phổ cướp máu hoàn toàn do người làm siêu âm “ nhận định sai về hướng dòng chảy “. Do đó luôn phải so sánh hướng dòng chảy với động mạch cảnh chung (hướng dòng chảy hằng định hướng lên trên não).
BS Võ Công Định