✴️ Đau mắt cá chân và những điều cần biết

Nội dung

Đau mắt cá chân là tình trạng đau đớn hoặc khó chịu ảnh hưởng đến bất cứ phần nào ở mắt cá chân. Nguyên nhân gây đau mắt cá chân thường gặp nhất là do bong gân. Đây là một chấn thương ở vùng dây chằng kết nối với xương mắt cá chân. Điều trị bong gân bao gồm chườm lạnh, băng ép, nghỉ ngơi, kê cao chân và dùng thuốc giảm đau không cần kê đơn.

đau mắt cá chân

Đau mắt cá chân mô tả tình trạng đau hoặc khó chịu ở mắt cá chân.

Đau mắt cá chân là gì?

Đau mắt cá chân mô tả tình trạng đau hoặc khó chịu ở mắt cá chân. Đau mắt cá chân có thể:

  • Ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt cá chân.
  • Có nhiều nguyên nhân.
  • Xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào.
  • Ảnh hưởng tới khả năng đi lại, vận động.

Mắt cá chân tập trung nhiều khớp nhỏ với các gân chạy từ chân đến bàn chân. Chính vì cấu trúc khá phức tạp nên chỉ cần có một vài tác động nhỏ cũng có thể khiến mắt cá chân bị tổn thương.

Ai dễ bị đau mắt cá chân?

Bất cứ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể bị đau mắt cá chân. Đau mắt cá chân thường do tai nạn ngã hoặc chấn thương thể thao. Đau mắt cá chân phổ biến hơn ở vận động viên và nam giới thường xuyên hoạt động dưới 24 tuổi. Ở phụ nữ, đau mắt cá phổ biến ở những người trên 30 tuổi.

Nguyên nhân gây đau mắt cá chân?

đau mắt cá chân

Nguyên nhân gây đau mắt cá chân phổ biến nhất là do bong gân.

Đau mắt cá thường gặp nhất là do bong gân. Bong gân là một chấn thương dây chằng kết nối xương cá chân. Bong gân thường xảy ra khi bạn vô tình xoắn hoặc xoay mắt cá chân một cách đột ngột. Do đó, dây chằng giữ xương mắt cá và khớp lại với nhau có thể bị giãn hoặc bị rách.
Đau mắt cá chân cũng có thể do gãy xương mắt cá chân. Những nguyên nhân khác ít gặp hơn bao gồm viêm khớp, bệnh gout và nhiễm trùng. Một nguyên nhân khác gây đau gót chân ở những người hay chạy bộ là viêm gân gót chân (viêm gân Achilles).

Chẩn đoán đau mắt cá chân

Trước hết bác sĩ sẽ tìm hiểu về triệu chứng (người bệnh bắt đầu cảm thấy đau lúc nào, mức độ nghiêm trọng của cơn đau…). Sau đó tiến hành quan sát, thăm khám mắt cá chân. Người bệnh có thể được yêu cầu chụp X quang để xác định xem nguyên nhân gây đau mắt cá chân là do bong gân hay gãy xương. Trong một số trường hợp, chất lỏng từ khớp mắt cá có thể được lấy mẫu để kiểm tra nhiễm trùng hoặc các điều kiện cơ bản khác.

Điều trị đau mắt cá chân

đau mắt cá chân

Khi bị đau mắt cá chân người bệnh nên tới bệnh viện để kiểm tra và điều trị.

Điều trị đau mắt cá chân tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Người bệnh thường sẽ phải nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động, sử dụng nạng để hỗ trợ việc đi lại trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, tùy thuộc vào mức độ thương tích.
Một số biện pháp điều trị khác bao gồm:

  • Chườm lạnh 2 – 3 lần/ngày vào vùng mắt cá chân bị đau để giảm sưng.
  • Băng bó, gạc nén sẽ giúp cố định và hỗ trợ mắt cá chân bị chấn thương.
  • Sử dụng các loại thuốc không cần kê đơn như ibuprofen giúp giảm đau và bớt sưng.
  • Trong trường hợp chấn thương mắt cá chân nặng, phẫu thuật có thể được chỉ định.

Làm thế nào để phòng tránh đau mắt cá chân?

Nên khởi động kỹ càng trước khi tập thể dục, tránh đi giày quá cao và đi giày có kích cỡ phù hợp với bàn chân có thể giúp ngăn chấn thương mắt cá. Nếu bị chấn thương ở mắt cá chân, nghỉ ngơi và làm theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ sẽ giúp người bệnh nhanh khỏi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top