Giải phẫu và chức năng xương chậu

Xương chậu nằm ở đâu?

Xương chậu nằm ở vị trí phần cuối cột sống thắt lưng, nằm ở dưới thắt lưng bao quanh phần đoạn dưới của xương cột sống.

Ở một góc độ khác thì xương chậu nằm trên phần xương đùi, đan xen giữa xương hông với phần đầu của xương đùi.

Vùng xương chậu chính là phần diện tích từ phần xương mu đến bẹn, đùi và quanh phần hông, dưới eo và bao trọn cả vùng hông đến đùi.

Giải phẫu xương chậu – Cấu tạo xương chậu

Xương chậu được tạo thành bởi 3 xương là xương mu (ở phía trước) với xương cánh chậu (ở phía trên) và xương ngồi (ở phía sau). Xương chậu có cấu tạo gồm 2 mặt với 4 góc và 4 bờ.

Hai mặt xương chậu

Cấu tạo 2 mặt bao gồm mặt trong và mặt ngoài. Mặt trong gồm 1 gờ nhô lên và chia mặt sau thành 2 phần. Trong đó phần trên có lồi chậu, phía sau còn diện nhĩ còn phần dưới có diện vuông và lỗ bịt. Còn ở mặt ngoài thì phần giữa có ổ cối khớp và chỏm xương đùi. Dưới ổ cối có bịt 1 lỗ hình vuông hoặc hình tam giác. Phía trước mặt ngoài là xương mu còn phía sau là xương ngồi. Trên cùng là vùng xương cánh chậu.

4 bờ xương chậu

Cấu tạo 4 bờ của xương chậu bao gồm bờ trên, bờ dưới, bờ trước và bờ sau. Bờ trên còn được gọi là mào chậu là phần từ vùng gai chậu phía trước đến vùng gai chậu phía sau trên. Bờ dưới còn gọi là ngành ngồi được cấu tạo bởi xương ngồi và xương mu. Bờ trước gồm gai chậu trước trên, gai chậu trước dưới, diện lược, mào lược và gai mu. Bờ sau gồm gai chậu sau trên, gai chậu sau dưới, khuyết ngồi lớn, khuyết ngồi bé, ụ ngồi và gai ngồi. Bờ trước và bờ sau đều đều có hình dáng lồi lõm từ trên xuống dưới.

4 góc xương chậu

Cấu tạo 4 góc xương chậu gồm góc trước dưới ứng với gai mu (củ mu), góc sau dưới ứng với ụ ngồi, góc trước trên ứng với gai chậu ở phía trước trên và góc sau trên ứng với gai chậu ở phía sau trên.

Chức năng của xương chậu

Xương chậu được ví như là nền móng của một ngôi nhà khi coi cơ thể chính là một ngồi nhà. Như vậy chúng ta có thể thấy là nó có chức năng quan trọng đối với sức khỏe của con người. Đây là bộ phận có vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Xương chậu có chức năng chính và chức năng phụ.

  • Chức năng chính là chống đỡ trọng lượng của cơ thể khi đứng và ngồi, giúp cân bằng cơ thể và chịu được lực của các tư thế mạnh và các cơ vận động.
  • Ngoài ra xương chậu còn có chức năng phụ là chứa và bảo vệ nội tạng ở vùng chậu và phần dưới đường tiết niệu, bảo vệ các cơ quan sinh sản của con người. Đồng thời nó còn giúp gắn kết cơ quan sinh sản với các màng và các cơ liên quan. Đối với phụ nữ thì xương chậu còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thai nhi.
return to top